Nhớ gian chái bếp nhà xưa

Nhớ gian chái bếp nhà xưa
Hồi trước, ở nông thôn miền Tây nhà cửa đa số đều được làm bằng lá dừa nước, một gian nhà lớn ba căn và bên hông nó luôn luôn có một gian nhà nhỏ liền kề, mà người ta gọi nôm na là cái chái bếp.

 Dân ở đây vẫn quan niệm: Ngôi nhà lớn xây nhằm hướng tốt thì học hành đỗ đạt, mùa màng và công việc làm ăn tốt; còn chái bếp tốt thì gia đạo sẽ thuận hoà, đầm ấm.

 


Chái bếp ấm cúng của một gia đình ở xã Thường Phước, Hồng Ngự, Đồng Tháp.   L.H.T
Bởi thế mà dù là nhà nghèo thì ở miền sông nước miền Tây này, mỗi nhà không thế thiếu một chái bếp con con. Nếu nhà nào có đất vườn rộng thì phía sân sau người ta còn che một mái hiên, dùng để chứa công cụ lao động, chứa củi, lá dừa khô để đun nấu quanh năm.

 

Không gian chái bếp của mỗi gia đình ở quê tuy có thể chật hẹp nhưng việc sắp xếp gọn gàng cũng thể hiện sự đảm đam của người phụ nữ trong gia đình. Cũng vì vậy mà hồi trước ở quê, mỗi bận đi xem mắt (coi mắt) dâu, ngoài chuyện để ý lời ăn tiếng nói của cô con dâu tương lai, bên chồng còn “cử” mấy bà cô dì đi “dò la” từng ngóc ngách nhà, tất nhiên không quên gian chái bếp. Nghĩa là cái chu đáo, đức hạnh biết lo toan của người phụ nữ thể hiện rất nhiều trong việc vun vén chái bếp nhà sao cho tươm tất.

Đặc biệt là trong những những ngày lễ, tết hay giỗ lạt cái chái bếp hiên sau vẫn là nơi ấm áp nhất. Mọi hoạt động chuẩn bị cúng kiếng sẽ được chuẩn bị một cách náo nhiệt nhất nơi chái bếp nhà. Bên bếp lửa hồng ấm áp hiên sau, mỗi người một việc, mâm cơm cúng ông bà được con cháu chung tay lo liệu. Người dân quê còn tận dụng hơi nóng của chái bếp để bảo quản thực phẩm khô và cả những hạt giống cho vụ mùa sau. Chính vì vậy mà trong chái bếp thường không thể thiếu hình ảnh treo lủng lẳng những trái bắp, mướp, trái bầu khô.

Biết bao con người sinh ra, lớn lên và trưởng thành từ nhũng mâm cơm được làm từ gian chái bếp một thời lam lũ, gian khó đó. Bây giờ ở thôn quê ít dần những ngôi nhà lá và những chái bếp nhà xưa. Thời của bếp gas có lẽ cũng vắng dần những câu chuyện vui buồn bên bếp lửa hồng với nồi bánh tét đêm cuối năm…Thế nhưng, còn hạnh phúc nào hơn khi tất cả anh em đều tề tựu dưới một mái nhà, bên cạnh cha mẹ già để cùng nhau chuyện trò, khi thấy con cháu trưởng thành và quay về tề tựu bên chái bếp.

Dẫu năm tháng có đi qua với nhiều đổi thay, song trong lòng mỗi người sinh ra ở miền quê này vẫn còn đó hình ảnh và tình cảm một chái bếp nhiều kỷ niệm. Ánh lửa hồng như truyền mãi hơi ấm của một miền ký ức chẳng dễ gì phai.

Theo danviet.vn