Nhu cầu xây bể biogas tăng mạnh
- Thứ hai - 29/12/2014 20:14
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Là năm đầu triển khai tiểu hợp phần Hỗ trợ phát triển các công trình khí sinh học (thuộc dự án Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp, vốn vay ADB), nhưng các huyện Giao Thủy, Mỹ Lộc... ở tỉnh Nam Định đã vượt chỉ tiêu đề ra. Điều đó cho thấy, đây là dự án có ý nghĩa thiết thực và đáp ứng được mong mỏi của người dân.
Theo ông Lê Văn Huấn, kỹ thuật viên dự án Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp tỉnh Nam Định (phụ trách địa bàn huyện Giao Thủy) trong năm 2014, huyện Giao Thủy đã xây dựng hoàn thành 98 công trình khí sinh học, trong khi chỉ tiêu đề ra là 70 công trình (vượt 29 công trình).
Đến ngày 20/12, các đơn vị chức năng đã tiến hành nghiệm thu, lập hồ sơ và chi trả tiền hỗ trợ cho 60 công trình. Những công trình còn lại đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục để nhận hỗ trợ trong năm 2014. Theo ông Huấn, những địa phương có phong trào xây dựng công trình biogas rất mạnh như xã Giao Long (20 công trình); Giao Hải (10 công trình); Giao Xuân (10 công trình)…
Giao Thủy có đặc điểm là quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ xen lẫn khu dân cư. Số lượng chủ yếu là 10 - 15 con/hộ. Do đó, dung tích hầm chứa nguyên liệu sinh khí biogas được xây/lắp thường là loại nhỏ từ 4 - 5 m3 (chiếm 58%). Hầm chứa dung tích 7 m3 chiếm khoảng 35%, còn lại là hầm chứa dung tích 9 m3.
“Là năm đầu triển khai dự án, chúng tôi lo ngại rằng nhiều người chăn nuôi chưa thực sự tin tưởng và đăng ký tham gia, vì thế đặt chỉ tiêu trong năm 2014 chỉ xây dựng 70 công trình biogas. Tuy nhiên, kết quả của dự án đã vượt xa mong đợi, điều đó cho thấy ý nghĩa thiết thực của dự án. Qua tiếp xúc với nhân dân, tôi cảm nhận được bà con rất hứng khởi và mong muốn tham gia”, ông Huấn chia sẻ.
Là người tiên phong trong xây dựng công trình biogas thuộc dự án Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp, bà Trần Thị Phương (xóm 3, xã Giao Long, huyện Giao Thủy) hồ hởi: “Nhà tôi nuôi 15 con lợn. Lượng phân lợn thải mỗi ngày không quá lớn nhưng vẫn ảnh hưởng đến bà con lối xóm. Gia đình có ý định xây hầm biogas rồi, nhưng quy mô chăn nuôi nhỏ, đầu tư lại tốn kém nên chần chừ.
Hộ anh Triệu Quốc Đạt, 24 tuổi, một hộ chăn nuôi tại xã Mỹ Tiến chia sẻ: “Mọi người nghĩ xây dựng một hầm biogas to sẽ tốn diện tích, nhưng do hầm chứa đặt âm hoàn toàn dưới nền chuồng nên gần như không ảnh hưởng đến không gian chăn nuôi. Bao nhiêu nước thải tống hết xuống đó nên gần như không có mùi hôi thối”. |
Ngày trước cũng có một dự án của Hà Lan tài trợ xây hầm biogas, nhưng số tiền hỗ trợ chỉ 1 triệu đ/công trình, không thấm vào đâu. Lần này dự án hỗ trợ hẳn 3 triệu đồng, tôi rất phấn khởi, giục chồng làm ngay kẻo sợ lỡ cơ hội”.
Chỉ tay vào chiếc hầm biogas vật liệu composite dung tích 7 m3 mới lắp đặt, bà Bùi Thị Thắm, ở xóm 21, xã Giao Long hồ hởi khoe: “Từ khi có công trình biogas này, tôi nấu cháo lợn, nấu rượu thoải mái. Riêng tiền gas đun nấu phục vụ ăn uống cũng tiết kiệm được 100.000 đ/tháng.
Tại huyện Mỹ Lộc, phong trào xây dựng hầm biogas cũng đang phát triển khá mạnh. Ông Trần Tất Khúc, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Năm nay, chúng tôi đặt kế hoạch chỉ xây 50 công trình khí sinh học, tuy nhiên nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, đặc biệt từ tháng 8 đến nay, rất nhiều hộ nông dân đã tiếp cận được thông tin của dự án và đăng ký đối ứng vốn để xây dựng”.
Mỹ Tiến là một trong những xã có số lượng đăng ký xây dựng công trình biogas nhiều nhất, nhì huyện. Theo bà Trần Thị Thư, cán bộ thú y xã Mỹ Tiến, hiện tại đã có 25 hộ chăn nuôi đã đăng ký xây lắp công trình khí sinh học. 8 công trình đã được nghiệm thu và chi trả tiền hỗ trợ.
Một số hộ chăn nuôi quy mô lớn, trong khi dung tích hầm chứa nguyên liệu biogas nhỏ, không thể xử lý hết chất thải cũng đang có ý định lắp đặt thêm công trình khí sinh học. Tiêu biểu là hộ ông Trần Nhật Duật, thôn La Đồng, nuôi 700 - 800 con lợn nhưng chỉ xây hầm biogas 13 m3; bà Trần Thị Mai, thôn La Đồng, nuôi 70 - 80 con lợn nhưng chỉ có hầm biogas 13 m3.
MINH PHÚC
Theo NNVN