Những cử nhân bỏ bàn giấy về làm nông thành triệu phú ở xứ Tuyên

Những cử nhân bỏ bàn giấy về làm nông thành triệu phú ở xứ Tuyên
"Khi một cánh cửa khép lại sẽ có một cách cửa khác mở ra", câu nói ấy luôn đúng với những thanh niên có bằng cử nhân mà vẫn học làm nghề nông ở tỉnh Tuyên Quang và họ đã thành công.

Đường làm giàu không trải hoa hồng

Ở Thành đoàn Tuyên Quang, mọi người biết đến thanh niên Quan Văn Tiệp, ở tổ 3, phường Tân Hà là người có duyên với nghề nông hơn làm nhân viên văn phòng. 3 lần làm nhân viên văn phòng của Cty Chế biến lâm sản Tuyên Quang, Nhà máy Giấy và Bột giấy An Hòa và Mobiphone Tuyên Quang, Tiệp đều xin nghỉ vì "bận" chăn hươu.


Mô hình nuôi hươu của gia đình anh Quan Văn Tiệp ở tổ 3, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang)

Gặp Tiệp, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là chàng trai trẻ với sức vóc vạm vỡ. Tiệp tâm sự, năm 2005, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, anh xin về Cty Chế biến lâm sản Tuyên Quang. Trong những năm tháng làm ở đây, Tiệp may mắn được đi tham quan mô hình nuôi hươu trong TP.HCM, Hà Tĩnh. Cũng từ đấy Tiệp mê và nung nấu ý tưởng nuôi hươu. Tuy nhiên do thiếu vốn, lại bận công việc nên Tiệp chưa dám liều.

Đến năm 2009, khi tích lũy được vốn, Tiệp quyết định đi vào Hà Tĩnh mua 3 con hươu giống về nuôi. Tiệp bảo, thời kỳ đầu gian nan nhiều lắm, không có tiền, anh phải bán cả chiếc xe Wave Alpha, phương tiện đi duy nhất của cả nhà. Lại thêm chuyện gia đình phản đối vì đây là mô hình mới ở Tuyên Quang. Mẹ anh bảo: "Dân làng đang bảo đầu mày có vấn đề. Hươu người ta chỉ nuôi ở vườn bách thú làm cảnh chứ có ai nuôi ở nhà". Khi Tiệp mời thợ đến nhà làm chuồng, mẹ anh đuổi không cho thợ làm.

Tuy nhiên, trước quyết tâm của con trai, bà đành nghe theo. Để học hỏi kỹ thuật nuôi hươu, anh thường xuyên gọi điện liên hệ với nơi bán giống. Có lần 3 con hươu cứ gầy còm không lớn được, Tiệp phải vào tận Hà Tĩnh để lấy thuốc chữa. Nỗ lực vượt khó, từ 3 con hươu giống ban đầu, đến nay chuồng hươu của gia đình Tiệp thường xuyên có hơn 20 con. Cùng với nuôi hươu, Tiệp còn chăn nuôi gần 100 con vịt bầu Minh Hương và 5 ao cá, diện tích hơn 1 mẫu. Trừ chi phí, từ chăn nuôi mỗi năm anh thu lãi gần 200 triệu đồng.

Tiệp bảo: "So với làm văn phòng, nghề nông vất vả hơn nhưng cũng lắm thú vui. Tinh thần thoải mái và thu nhập cũng cao hơn. Dù làm ở đâu, làm công việc gì cũng cần tinh thần nhiệt huyết và cống hiến thì sẽ có quả ngọt anh ạ! Cứ đi rồi cũng sẽ đến đích".

06-50-55_2
Ao cá của gia đình anh Quan Văn Tiệp ở tổ 3, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang)

Theo sự giới thiệu của Tỉnh đoàn Tuyên Quang, chúng tôi đến xóm 10, xã Kim Phú (Yên Sơn) gặp Nguyễn Thị Bích Ngọc, một trong số ít những nữ thanh niên có trình độ đại học làm kinh tế giỏi. Ngọc sinh năm 1991, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 2014, sau khi tốt nghiệp, Ngọc không nộp hồ sơ xin việc mà quyết định lập gia đình và cùng chồng phát triển vườn cây ăn quả với 100 gốc bưởi diễn, 100 gốc ổi lai và 80 gốc táo đại. Từ trồng cây ăn quả, mỗi năm gia đình Ngọc thu lãi khoảng 170 triệu đồng.

Học để có chữ và nuôi ước mơ lớn hơn

Anh Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng ban Thanh niên nông thôn Tỉnh đoàn Tuyên Quang cho biết, hiện toàn tỉnh có 48 thanh niên có trình độ cao đẳng, đại học làm kinh tế giỏi, mỗi năm thu lãi từ 80 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 200 lao động địa phương. Đây là những thanh niên sau khi ra trường không làm ở cơ quan nhà nước mà đầu tư phát triển chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, trong đó có nhiều tấm gương là dân tộc ở vùng cao. Họ thật sự là những thanh niên ưu tú, đáng nể.

06-50-55_3

Mô hình trồng đào cảnh của gia đình anh Phạm Văn Ngọc ở tổ 1, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang)

Trong số những thanh niên có trình độ đại học, tôi đặc biệt ấn tượng về chàng thanh niên Hầu Đức Hiếu, dân tộc Cao Lan ở thôn Lão Nhiêu, xã Phú Lương (Sơn Dương) có 2 bằng đại học. Năm 2005, Hiếu là người đầu tiên của thôn Lão Nhiêu thi đỗ Đại học Nông lâm Thái Nguyên, là niềm tự hào của gia đình và bà con trong xóm. Trong thời gian học ở trường, Hiếu thi và học thêm bằng cử nhân ngoại ngữ của Viện Đại học Mở Hà Nội. Năm 2010, Hiếu tốt nghiệp với tấm bằng khá.

Hiếu bảo: "Ngày ra trường nộp hồ sơ khắp nơi không xin được việc cũng buồn lắm. Vì bao năm đèn sách nỗ lực mà". Thấy con buồn, bố mẹ Hiếu động viên: "Học là để có thêm chữ con ạ, để biết nuôi ước mơ lớn hơn". Câu nói của bố đã khiến Hiếu bừng tỉnh. Vận dụng kiến thức bao năm đèn sách, lại có hậu phương vững chắc từ gia đình, năm 2012, Hiếu đầu tư nuôi gần 300 con gà thịt. Chăn nuôi - thú y là ngành mà Hiếu được đào tạo bàn bản tại trường, nên lợi thế khi phát triển chăn nuôi. Đàn gia cầm của gia đình Hiếu thường không bị dịch bệnh do tuân thủ tốt quy trình kỹ thuật. Hiện tại trang trại chăn nuôi của gia đình Hiếu đã có hơn 8.000 con gà thương phẩm, 4 con lợn nái và hơn 300 con lợn thịt, mỗi năm thu lãi hơn 400 triệu đồng.

Ở huyện vùng cao Lâm Bình có 2 thanh niên có bằng cử nhân làm kinh tế giỏi. Đó là Hoàng Văn Hầu ở thôn Nà Lầu, xã Thượng Lâm và Chẩu Văn Biết ở thôn Bản Tấng, xã Phúc Yên. Đây cũng là những cái tên nổi bật mà nhắc đến tên hầu hết các bạn trẻ ở miền quê núi đều biết. Vượt hơn 100km từ thành phố Tuyên Quang, chúng tôi đến gia đình Chẩu Văn Biết. Chàng thanh niên dân tộc Tày đã tốt nghiệp Đại học Văn hóa Hà Nội. Bên ấm trà nóng, câu chuyện về cuộc đời Biết cứ tự nhiên xoay vần.

Biết bảo: "Làm công chức nhà nước không phải là con đường duy nhất với thanh niên hiện nay. Đến giờ mình cũng không hối tiếc vì những năm tháng học đại học. Vì nhờ có tri thức việc làm ăn cũng nhanh nhạy hơn. Việc giao tiếp cũng như hạch toán kinh tế tự tin hơn rất nhiều".

Với tư tưởng ấy, Biết luôn nỗ lực và nhanh nhạy trong việc làm ăn. Hiện tại, gia đình anh nuôi 3 con lợn nái, 16 con lợn thịt, giống lợn đen, 4 con trâu sinh sản và 10 con dê. Biết cũng là ông chủ của cửa hàng kinh doanh quần áo lớn nhất xã Phúc Yên. Mỗi năm, từ chăn nuôi và kinh doanh, gia đình Biết thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Trưởng Ban Thanh niên nông thôn Tỉnh đoàn Tuyên Quang Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ, tạo khuyến khích thanh niên làm kinh tế giỏi, Tỉnh đoàn đã có các chính sách hỗ trợ như tạo điều kiện thuận lợi cho các bạn trẻ tiếp cận với nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm (nguồn vốn 120) do Trung ương Đoàn ủy quyền, tổng dư nợ cho vay hiện là 1,8 tỷ đồng. Tỉnh đoàn cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho vay thông qua các tổ tiết kiệm vay vốn, tổng dư nợ đến nay trên 376,7 tỷ đồng...

Tác giả bài viết: Đào Thanh

Nguồn tin: nongnghiep.vn