Những người quyết bám trụ, bắt "đất chết" nhả vàng ở Đồng Tháp Mười
- Thứ năm - 14/09/2017 11:23
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nếu như trong thời điểm đầu khai hoang, Đồng Tháp Mười sản sinh những người con anh hùng lao động, như: Chị Bảy Hồng (Võ Thị Hồng), anh Ba Đất Phèn (Nguyễn Văn Bé), thì trong thời khai buổi khai thác hiện nay, Đồng Tháp Mười cũng có những người con anh hùng, như ông Chín Nghĩa (Bùi Hữu Nghĩa)…
Giải phóng sức lao động nông dân
Một góc cánh đồng mẫu lớn trồng lúa của HTX Gò Gòn. Ảnh: B.L.A
Theo ông Trương Hữu Trí, vụ đông xuân 2017 - 2018, Liên hiệp HTX xuống giống khoảng 2.000ha, ứng dụng công nghệ cao, hướng sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Toàn bộ sản phẩm được bao tiêu với giá cao hơn thị trường 100 đồng/kg. Nông dân trong liên hiệp HTX được cung cấp phân, thuốc bảo vệ thực vật thấp hơn 3 triệu đồng/ha so với bên ngoài. |
Nông dân làm lúa ở vùng trũng, phèn chua Đồng Tháp Mười giờ ai cũng biết và mang ơn lão nông Chín Nghĩa. Nhờ có ông mà họ bớt cơ cực hơn với hạt lúa.
Nông dân làm lúa vùng sâu Đồng Tháp Mười từng ngạc nhiên khi ông Chín Nghĩa trình làng cái máy cắt lúa xếp dãy. Nhìn cái máy cắt xếp dãy chạy ào ào trên đồng lúa, cắt 1ha mất 2 giờ, nông dân nào mà không ham.
“Từ lúc trình làng cái máy, đơn đặt hàng tới tấp. Với 100 công nhân, mỗi ngày xưởng tui phải làm xong 6 cái mới đủ bán cho bà con” - ông Chín Nghĩa cho biết.
Tổng kết, ông Chín Nghĩa đã sản xuất khoảng 10.000 cái máy cắt lúa xếp dãy. Khá nhiều trong số máy này bán ra cả miền Trung, miền Bắc. Đến năm 2000, khu vực ĐBSCL bắt đầu khan hiếm lao động nông thôn do thanh niên hút vào nhà máy làm công nhân. Ông lại nghĩ đến việc làm máy gặt đập liên hợp thích nghi với địa hình và giá rẻ cho bà con. Nghĩ là làm, và hàng trăm chiếc máy gặt đập ra đời đã đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân.
Không dừng lại, lão nông Chín Nghĩa tiếp tục cho ra đời chiếc máy “3 trong 1” gieo giống, phun thuốc, bón phân. Từ đầu năm 2017 cho đến nay, ông đã bán 16 chiếc máy này cho bà con nông dân. Hiện ông Chín Nghĩa đang cho thử nghiệm bộ phận đào đường thoát nước, thoát phèn trên đồng ruộng. Ông Chín Nghĩa cho biết, với bộ phận này bà con sẽ gắn vào máy cày, máy sẽ đào đường thoát nước khá nhanh và ít tốn kém hơn nhiều so với việc thuê nhân công đào bằng tay. Năm 2002, lão nông Chín Nghĩa đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Người đi liên minh HTX
Sinh ra và lớn lên giữa Đồng Tháp Mười, ông Trương Hữu Trí - Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Tân Hưng, kiêm Giám đốc HTX Gò Gòn (xã Hưng Thạnh, Tân Hưng, Long An) thấm thía quá nhiều nỗi khổ của nông dân bám trụ trên vùng đất chết.
Hôm chúng tôi đến, xen giữa cuộc nói chuyện về thành công của HTX Gò Gòn là những trăn trở trước khó khăn của nông dân chỉ trông chờ vào cây lúa ở Đồng Tháp Mười. “Đa phần nông dân ở Đồng Tháp Mười chỉ có 1 - 2ha đất. Nếu quanh năm chỉ trông vào cây lúa thì bà con khó mà vươn lên thoát nghèo, chứ đừng nói làm giàu. Phải đưa bà con vào HTX. Làm ăn tập thể sẽ giúp bà con nông dân vươn lên” - ông thổ lộ.
Chính vì ý tưởng này, năm 2005, ông Trí thành lập HTX Gò Gòn, đến năm 2013, anh triển khai mô hình sản xuất cánh đồng lớn. Thực hiện mô hình sản xuất này, HTX được Sở NNPTNT tỉnh Long An đầu tư cho kho bãi, lò sấy, máy san đất bằng tia lazer, máy gặt đập liên hợp. Đây là 1 trong 57 HTX tiêu biểu được Trung ương công nhận năm 2016.
Theo ông Trí, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, thời gian qua HTX Gò Gòn không chỉ bảo đảm về chất lượng mà còn cả về số lượng cung cấp cho thị trường. Năm 2017, HTX mở rộng lên 300ha sản xuất lúa theo quy trình VietGAP. Vụ đông xuân 2016 - 2017, HTX tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất với mô hình điểm gồm 52ha nhằm đưa sản phẩm của mình tiếp cận các thị trường khó tính.
“Vụ đó, HTX Gò Gòn thành công lớn khi hơn 2.200 tấn lúa vào thị trường Mỹ. Để vào thị trường tiềm năng này, tất cả xã viên phấn đấu rất nhiều. Chúng tôi tạo được uy tín, sản xuất bảo đảm chất lượng, số lượng, liên kết với đơn vị có tâm, có tầm và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các cấp chính quyền. Tuy nhiên, khó khăn là diện tích HTX còn ít nên chưa đáp ứng yêu cầu của đơn vị bao tiêu sản phẩm” - ông Trí cho biết.
Để gỡ thế bí về đất, tháng 6.2017, ông đề xuất huyện Tân Hưng thành lập Liên hiệp HTX Tân Hưng với 4 HTX thành viên, gồm: HTX Gò Gòn, HTX Hưng Thuận (xã Hưng Thạnh), HTX Hưng Phát (xã Hưng Điền) và HTX Thành Phát (xã Hưng Điền B), với gần 300 thành viên, trong đó, HTX Gò Gòn làm chủ đạo.
Ông Kiều Quốc Trung - Giám đốc HTX Hưng Phát cho biết, tham gia vào chuỗi liên kết mở ra nhiều cơ hội mới cho HTX. Tuy có khó khăn nhưng chúng tôi cố gắng khắc phục nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân. Hiện nay, các khâu chuẩn bị đang được hoàn tất để thực hiện đúng kế hoạch.