Những trai làng nghĩ mới, làm lớn

Những trai làng nghĩ mới, làm lớn
Họ là những chàng trai sinh ra và lớn lên ở những vùng đất khó khăn, có xuất phát điểm khác nhau nhưng đều khát khao làm giàu với mong muốn thay đổi vùng quê nghèo.Họ là những chàng trai tiêu biểu, được lựa chọn tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ V- năm 2018 vào ngày 19-20/5.

Huỳnh “nóng lạnh”

Đến đất Văn Yên (Yên Bái) hỏi về “bếp nóng lạnh” từ già đến trẻ ai cũng biết.Bếp được thiết kế ứng dụng nguyên lý đối lưu nhiệt tự nhiên. Bà con rất “ưng cái bụng” vì chiếc bếp đun nấu hàng ngày giờ có thêm công năng như bình nóng lạnh. Bếp vẫn đun bằng củi, lõi ngô hoặc phế phẩm thực vật, an toàn không lo bị bỏng, cháy nổ. Chỉ độ mươi phút nấu xong bữa cơm đã có ngay lượng nước nóng đủ cho 3-4 người tắm. Khi ngừng đun nấu, nước nóng vẫn được ủ nhiệt trong thời gian dài. Giá mỗi chiếc bếp khoảng 3,9 triệu đồng. Người sáng chế ra bếp là chàng thanh niên dân tộc Tày Nguyễn Văn Huỳnh (SN 1993) và cái biệt danh Huỳnh “nóng lạnh” được mọi người yêu quý gán cho anh cũng ra đời từ đây.

Huỳnh từng làm ra nhiều sản phẩm như máy pha nước tự động, máy bào vỏ quế, phao chống vỡ ao đập, máy bắt sâu bọ, mô hình tuần hoàn vật chất – hệ sinh thái VAC… ; được công nhận là nhà sáng chế trẻ. Sau khi tốt nghiệp trường CĐ Công nghệ và Thương mại Hà Nội chuyên ngành Công tác xã hội, Huỳnh trở về quê lập nghiệp và làm bán chuyên trách công tác Đoàn tại xã. Hiện Huỳnh là Bí thư chi đoàn thôn Đại Thịnh (xã An Thịnh, huyện Văn Yên).

Không chỉ là nhà sáng chế, Huỳnh còn là tấm gương phát triển kinh tế, dám nghĩ dám làm. Ban đầu Huỳnh chế tạo bếp nóng lạnh chỉ để cải thiện điều kiện sinh hoạt gia đình, nhưng sau đó anh mạnh dạn đầu tư, kêu gọi góp vốn mở xưởng sản xuất. “Những ngày đầu làm ra bếp nóng lạnh bọn em mang đến nhiều hộ gia đình mời dùng trải nghiệm.Tiếng lành đồn xa, sự tiện dụng và hiệu quả của chiếc bếp đã thu hút được nhiều người dùng”, Huỳnh nói.

Bếp nóng lạnh mang thương hiệu Huỳnh Phát, sản phẩm đang có mặt ở 8 tỉnh thành miền núi phía Bắc. Hiện Huỳnh có hai cơ sở sản xuất bếp đặt tại Yên Bái và Ba Vì(Hà Nội), doanh số thu về hơn 3 tỷ đồng/năm. Các cơ sở của Huỳnh đang tạo việc làm thường xuyên cho 18 lao động chính và 21 lao động phụ, có mức lương bình quân hơn 5 triệu đồng/tháng. Với những đóng góp của Huỳnh, anh đã được trao giải thưởng Sáng tạo trẻ năm 2017; là một trong số 68 gương mặt tiêu biểu cả nước nhận giải thưởng Lương Định Của 2017.

Những trai làng nghĩ mới, làm lớn - ảnh 1Anh Nguyễn Hữu Dư là gương sáng phát triển kinh tế với cây thanh long đỏ 
ở Đồng Tháp. Ảnh: NVCC.

Liên kết để làm lớn

Nguyễn Hữu Dư (SN 1986) là một trong số ít người trồng cây thanh long đỏ đầu tiên của đất Phong Hòa (Lai Vung, Đồng Tháp). Ngày anh Dư đóng những trục bê tông trồng thanh long trên toàn bộ diện tích 0,8ha đất vườn nhà, người dân Phong Hoà vẫn đang ồ ạt trồng huệ trắng. Với ưu thế dễ trồng và sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu, thanh long đỏ nhanh chóng mang lại nguồn lợi cho Dư. Qua đó thuyết phục được nhiều người dân chuyển đổi cây trồng từ huệ trắng sang thanh long.

Để đầu ra ổn định, anh vận động đoàn viên, thanh niên tham gia thành lập tổ hợp tác xã thanh long ruột đỏ Phong Hòa; đồng thời chủ động liên hệ với Cty Thạch Võ (chi nhánh Măng Thít, Vĩnh Long) đặt vấn đề bao tiêu với giá thị trường, diện tích tự do phát triển. Anh Dư khẳng định, làm ăn cục bộ theo kiểu mạnh ai nấy làm đã không còn hiệu quả, muốn được giá cả ổn định bắt buộc phải tham gia hợp tác, gom hàng với số lượng lớn, đảm bảo chất lượng, từ đó mới có tiếng nói với đối tác và cạnh tranh giá tốt. Việc liên kết với doanh nghiệp cũng góp phần hỗ trợ nông dân mua phân, thuốc theo hình thức “gối đầu”. Việc thu mua diễn ra quanh năm, chuẩn bị thu hoạch doanh nghiệp báo giá trước 10-15 ngày; trợ giá cho nông dân khi giá lên xuống thất thường.

Bằng hiệu quả thực tế, tổ hợp tác từ 21 thành viên ban đầu đã thu hút được nhiều hộ địa phương tham gia, thậm chí cả những nhà vườn tỉnh Vĩnh Long, An Giang cũng kết nối xin vào tổ như ông Nguyễn Hữu Phương (ở xã Tân Lược, huyện Bình Tân, Vĩnh Long). Diện tích canh tác của tổ hợp tác được mở rộng đến nay gần 50ha, trong đó có 30ha trồng theo tiêu chuẩn Vietgap. Hiện tổ hợp tác đã phát triển thành Hợp tác xã Thanh Long Vietgap Phong Hoà với 44 thành viên, trong đó anh Dư - thành viên nhỏ tuổi nhất được tín nhiệm bầu làm giám đốc Hợp tác xã”. Những ngày đầu tiếp xúc vận động bà con liên kết thành lập tổ hợp tác có người nghĩ mình làm thế để hưởng lợi cá nhân. Sau thời gian làm hiệu quả, mọi người chia sẻ, truyền miệng với nhau tìm đến mình tham gia tổ hợp tác”, anh Dư chia sẻ.

Anh Dư cho biết để hoạt động sản xuất được duy trì ổn định quanh năm, mỗi tháng các thành viên họp một lần để chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật. Đồng thời có các cán bộ kỹ thuật thường xuyên thăm vườn, hướng dẫn bà con kỹ thuật và kiểm tra chất lượng sản phẩm. Năm nay giá thanh long ổn định, đến thời điểm này giá 47-48 nghìn đồng/kg, cao hơn so với mọi năm. 2ha trồng thanh long của nhà anh Dư từ tết tới giờ thu lãi gần 400 triệu.

Anh Nguyễn Hữu Dư còn tích cực tham gia công tác đoàn và phong trào thanh niên địa phương. Anh đã cùng Đoàn thanh niên xã thành lập đội an sinh xã hội, rải nhựa đường tuyến ấp Tân Hưng dài 12km. Năm 2017, anh được T.Ư Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của; được tuyên dương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác tỉnh Đồng Tháp và đạt giải Khuyến khích Cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp năm 2016.

Đại hội hành động và hiện đại

Chiều 14/5, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn tổ chức họp báo thông tin Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ V năm 2018 dưới sự chủ trì của Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương.Theo đó, Đại hội diễn ra từ ngày 19 - 20/5, tại TP HCM, có 336 đại biểu là những gương tiêu biểu đại diện cho các đối tượng cán bộ Đoàn, Hội, thanh niên công nhân, thanh niên nông thôn... Người cao tuổi nhất là 35, người trẻ nhất là 16. Có 52 đại biểu người dân tộc thiểu số.

Điểm mới của Đại hội là có nhiều hoạt động trải nghiệm thiết thực phát huy giá trị truyền thống và hướng tới cộng đồng như: Tham quan, trải nghiệm thực tế tại các địa điểm văn hóa, lịch sử; các khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; giao lưu với các mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi trên địa bàn TPHCM. Triển lãm “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” được xây dựng theo hình thức hiện đại và có độ tương tác cao với đại biểu dự đại hội. Đặc biệt, Ban tổ chức Đại hội xây dựng ứng dụng “Gương sáng thanh niên” trên điện thoại di động.App cung cấp thông tin về Đại hội trên điện thoại di động dành cho các đại biểu tham dự. “Ứng dụng này có hướng mở, tất cả thanh niên đều có thể tham gia, tương tác và giao lưu được với các tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực”, anh Nguyễn Tường Lâm, Phó ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn cho biết. 

TƯỜNG KHA