Những vấn đề về công nghệ cao trong nông nghiệp

Những vấn đề về công nghệ cao trong nông nghiệp
Những năm gần đây, nước ta đã xuất hiện một số mô hình sản xuất tiên tiến, có tính chất công nghệ cao trong nông nghiệp dưới nhiều hình thức sản xuất. Tuy nhiên...

Những năm gần đây, nước ta đã xuất hiện một số mô hình sản xuất tiên tiến, có tính chất công nghệ cao trong nông nghiệp dưới nhiều hình thức sản xuất. Tuy nhiên thế nào là nông nghiệp công nghệ cao, tổ chức như thế nào là hợp lý vẫn đang còn nhiều ý kiến khác nhau.

cnc163756839
SX NNCNC tại Lạc Dương, Lâm Đồng

Để khuyến khích sản xuất, Chính phủ có chủ trương dành gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 7/3/2017 và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Quyết định số 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017 về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nhưng việc xác định thế nào là công nghệ cao để vận dụng chính sách thì lại chưa rõ ràng. Trước tình hình đó, ngân hàng đang gặp khó khăn trong thực thi chủ trương trên.  

Những tồn tại của nông nghiệp Việt Nam

Từ sau khi đất nước bước vào Đổi mới đến nay, nền nông nghiệp nước ta có nhiều phát triển quan trọng. Tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều điểm tồn tại:

Hàm lượng công nghệ, mức độ cơ giới hóa trong sản xuất còn quá thấp, cho nên năng suất lao động trong nông nghiệp còn rất thấp, giá thành nông sản cao, năng lực cạnh tranh của nông sản hạn chế, ngay trên thị trường nội địa.

Việc sản xuất thâm canh chủ yếu dựa vào hóa học đã làm cho môi trường đất, nước ngày càng thoái hóa, ô nhiễm, dịch hại ngày càng nặng nề, khó phòng trị. Dư lượng hóa chất trong nông sản cao, thiếu an toàn, giá trị hàng hóa thấp, môi trường bị ô nhiễm, sản xuất nông nghiệp thiếu bền vững. Hơn thế nữa, hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu đang ảnh hưởng ngày một nặng đến sản xuất nông nghiệp.

Việt Nam cần có công nghệ cao để giảm thiểu những tồn tại, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp của từng địa phương được bền vững và tăng hiệu quả kinh tế.

Những tiêu chí cần có của công nghệ cao trong nông nghiệp

Theo chúng tôi trong điều kiện phát triển nông nghiệp của từng địa phương, công nghệ cao cần hội tụ đủ một số tiêu chí như sau:

1. Trước tiên công nghệ đó phải có hàm lượng chất xám cao hơn so với mặt bằng kỹ thuật sản xuất hiện tại của nơi áp dụng.

2. Công nghệ phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, mục tiêu sản xuất và điều kiện xã hội của địa phương nơi áp dụng.

3. Sản xuất bằng kỹ thuật công nghệ cao, sản phẩm làm ra có chất lượng tốt và giá thành thấp hơn so với kỹ thuật hiện có, an toàn, đáp ứng được thị trường khó tính và có hiệu quả kinh tế cao.

Từ đó, việc lựa chọn công nghệ là rất hệ trọng, tốt nhất nên chọn công nghệ xuất phát từ yêu cầu sản xuất trọng điểm của vùng. Mục đích cuối cùng của việc ứng dụng công nghệ cao là sản xuất của địa phương được phát triển. Công nghệ đó phải có sức lan tỏa, thực sự có hiệu quả kinh tế. Như vậy, công nghệ cao trong nông nghiệp là rất đa dạng, không chỉ gò bó vào một số thể loại hình công nghệ nhất định nào đó.

Theo kinh nghiệm của một số cơ sở, trước khi chọn một công nghệ để sản xuất, phải điều nghiên trước công nghệ đó phù hợp với đối tượng sản xuất của địa phương mình, và có thị trường. Tính toán có hiệu quả kinh tế hay không để quyết định phương án đầu tư công nghệ cho phù hợp.

Ý kiến trao đổi về chọn công nghệ cao trong nông nghiệp

Công nghệ nhà kính (nhà màng), nhà lưới:

Hiện nay các địa phương đang nói nhiều về công nghệ cao sản xuất trong nhà kính nhà lưới. Đây là một công nghệ tốt, công nghệ nhà kính là công nghệ đặc thù ở xứ lạnh, hoặc những vùng có nhiệt độ thấp. Công nghệ này phù hợp với cây rau, hoa. Ở nước ta rất phù hợp cho vùng cao nguyên như Đà Lạt và những vùng núi cao ở các tỉnh phía Bắc. Công nghệ này có thể sử dụng được nhưng không thật phù hợp với vùng đồng bằng ở nước ta vì có khí hậu nhiệt đới ẩm. Ngay như vùng đồng bằng Bắc Bộ là vùng khí hậu nhiệt đới có mùa đông lạnh, nhà kính nhà lưới rất thích hợp trồng rau cho mùa đông, còn mùa hè nóng bức không thể nào thích hợp được.

Nhiều năm qua một số cơ sở đã nhập khẩu nhà lưới tự động của Israel, nơi có điều kiện khí hậu lục địa khô về áp dụng nguyên xi ở ta, là nơi có điều kiện nhiệt đới ẩm, là hoàn toàn không phù hợp. Mặt dầu kỹ thuật trông có vẻ hiện đại, nhưng sản phẩm rau hoa quả sản xuất ra có giá thành rất cao, không có thị trường tiêu thụ. Đó là những bài học quá đắt giá.

Vì vậy, theo chúng tôi, nhà kính nhà lưới không phải là công nghệ đặc thù, có tính phổ biến và hiệu quả kinh tế cao ở nước ta.

Nên tổ chức sản xuất và áp dụng công nghệ một cách đồng bộ:

Nhiều doanh nghiệp công nghệ sau thu hoạch như chế biến đóng gói, xử lý cấp đông, chiếu xạ, xử lý nhiệt nông sản bằng công nghệ khá hiện đại, nhưng thiếu đầu tư và quản lý sản xuất đồng ruộng, nên sản phẩm rau hoa quả, hồ tiêu, hạt điều có chất lượng kém, hàm lượng nitrate cao do bón quá nhiều phân đạm hóa học, dư lượng thuốc BVTV quá ngưỡng cho phép vì lạm dụng thuốc hóa học. Hơn thế những sản phẩm này không có nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu (các doanh nghiệp chỉ mua nguyên liệu trôi nổi qua thương lái), không thể gọi sản phẩm công nghệ cao được.

Hiện nay tại TP Đà Lạt có mô hình nhà lưới có thể trồng rau phù hợp trong điều kiện nhiệt độ thấp, rau hoa quả phát triển tốt trong nhà màng, nhà lưới được quanh năm, hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, nhiều nơi chưa nghiên cứu hoàn chỉnh biện pháp quản lý dịch hại (IPM), sao cho phù hợp với quần thể sâu bệnh hại phát sinh trong nhà lưới. Có trường hợp trong nhà lưới vẫn phải phun thuốc BVTV quá nhiều, dư lượng hóa chất trong rau hoa cao, làm mất ý nghĩa bảo vệ của nhà lưới. Vì vậy, kỹ thuật nhà kính như trên là chưa thể hoàn chỉnh được.

ru165751347
SX rau vùng đồng bằng Bắc bộ không cần thiết làm nhà màng

Ngành chế biến hạt điều ở nước ta đã có công nghệ khá tốt, nhưng việc tổ chức sản xuất điều còn quảng canh là chính, năng suất quá thấp. Ngành điều chủ yếu phải nhập nguyên liệu thô từ các nước, chế biến rồi tái xuất là chính.

Vì thế cho nên việc áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp phải nghiên cứu, quản lý và áp dụng công nghệ theo chuỗi, sao cho sản phẩm cuối cùng đáp ứng được mọi thị trường và có hiệu quả kinh tế.  

Tổ chức, quản lý sản xuất công nghệ cao trong nông nghiệp

Hiện nay trong nước đang có nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao:

Mô hình khu quản lý công nghệ tập trung, như khu nông nghiệp công nghệ cao của thành phố Hồ Chí Minh, nhằm thu hút những doanh nghiệp có công nghệ tiêu biểu tập trung vào khu quản lý tập trung để kinh doanh; kết hợp với nghiên cứu khoa học; huấn luyện đào tạo, chuyển giao công nghệ. Khu công nghệ cao của thành phố còn có nhiệm vụ liên kết với các cơ quan khoa học trong và ngoài nước, liên hệ với các tỉnh để chuyển giao công nghệ. Đây là một mô hình có nhiều tham vọng trong công nghệ. Tuy nhiên cái khó của mô hình này là: Nhà nước đầu tư khá tốn kém để xây dựng cơ sở hạ tầng và chi phí cho đội ngũ quản lý, nhưng hiệu quả của nó như thế nào vẫn cần thời gian để thử thách và đánh giá.

Mô hình các doanh nghiệp có công nghệ cao, là những trang trại nuôi trồng, nhà máy sơ chế, chế biến đóng gói nông sản. Những doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước đó hoạt động độc lập, Nhà nước không hề có sự đầu tư và can thiệp nào. Nhiều mô hình doanh nghiệp nói trên có công nghệ rất cao trong các nghề trồng rau, hoa, công nghệ cấp đông, chế biến rau quả, hạt điều, sơ chế lúa gạo xuất khẩu, nhà máy chiếu xạ trái cây, xử lý nhiệt trừ ruồi đục quả, sơ chế hồ tiêu sạch tự động để xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao của loại hình này cũng đã hoạt động trong thời gian dài có hiệu quả, có sức lan tỏa nhất định trong sản xuất. Những mô hình công nghệ cao nói trên thường rất đa dạng, đạt hiệu quả rất cao, Nhà nước gần như không phải đầu tư tốn kém.

Điều kiện để lan tỏa công nghệ

+ Công nghệ được thể hiện trong những lĩnh vực cần sản xuất trọng điểm của địa phương.

+ Công nghệ đó được thường xuyên có mối liên hệ với nông dân trong vùng để trao đổi, học hỏi, rút kinh nghiệm, tạo điều kiện cho công nghệ lan tỏa vào sản xuất. Đồng thời cũng có điều kiện để điều chỉnh công nghệ cho phù hợp.

Để cho công nghệ cao hoạt động được tốt, có sức lan tỏa mạnh, thực sự hữu ích cho sản xuất trong cả nước và khu vực, ngoài sự năng động của các doanh nghiệp, Nhà nước từ Trung ương đến chính quyền địa phương cần có định hướng và tổ chức chăm lo cho việc phát triển công nghệ đúng hướng.

Sau một số năm hoạt động, cần phải đúc kết rút kinh nghiệm xem mô hình công nghệ cao nào là phù hợp nhất cho từng địa phương. Hy vọng những công nghệ cao thực sự góp phần giải quyết những vấn đề về năng suất lao động, nâng cao giá trị hàng hóa, khắc phục sự thoái hóa và ô nhiễm môi trường nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu.

GS NGUYỄN THƠ/ Nông nghiệp