Niềm hân hoan trong ngày Quốc khánh
- Thứ năm - 03/09/2015 22:34
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Từ 5 giờ sáng 2-9, hàng chục nghìn người dân Hà Nội và các địa phương đã nô nức đổ về những tuyến đường có đoàn diễu binh, diễu hành đi qua. Nhiều người mang theo cờ, hoa chờ đón đoàn diễu binh. Đúng 7 giờ, đồng thời với nghi thức chào cờ trong lễ mít-tinh kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 tại Quảng trường Ba Đình, tại 12 điểm đặt màn hình led, hàng nghìn thanh niên, sinh viên Thủ đô đã nghiêm trang thực hiện nghi lễ chào cờ và hát Quốc ca. Tại các tuyến đường có đoàn diễu binh đi qua, mặc dù tập trung đông người, nhưng mọi người đều vui vẻ, chấp hành sự hướng dẫn của lực lượng chức năng, đứng đúng vị trí quy định. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Nhàn, 70 tuổi, đến từ huyện Phú Xuyên xúc động nói: Ngày hôm nay tôi thấy mình như trẻ lại, như những ngày còn trong quân ngũ. Nhìn các chiến sĩ trẻ trong đoàn diễu binh, nhất là của lực lượng hải quân và cảnh sát biển dạn dày nắng gió, tôi hiểu được sự lớn mạnh, trưởng thành của quân đội nhân dân Việt Nam. Tôi rất vinh dự, tự hào đã được đứng trong quân ngũ và tin tưởng thế hệ trẻ sẽ tiếp nối truyền thống vẻ vang của những người lính Cụ Hồ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Hòa trong dòng người đứng hai bên đường phố, chào đón đoàn diễu binh đi qua, anh Ngô Xuân Lương đến từ huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình cho biết, chuyến đi chơi Hà Nội dịp 2-9 năm nay là phần thưởng của gia đình tôi với con gái vì kết quả học tập đứng đầu lớp trong năm vừa qua. Gia đình anh Lương đã đi xe khách lên Hà Nội từ sáng 1-9, nghỉ ngơi ở nhà người thân để 5 giờ 30 phút sáng có mặt tại ngã năm Cửa Nam xem diễu binh, diễu hành. Con gái anh Lương chăm chú theo dõi các đoàn diễu binh đi qua phố, phấn khởi vỗ tay hò reo khi thấy những nữ chiến sĩ cảnh sát cơ động, thông tin… Sau khi lễ mít-tinh, diễu binh, diễu hành kết thúc, nhân dân Hà Nội và đồng bào các địa phương tiếp tục tham quan tại các di tích lịch sử, vui chơi, mua sắm tại các công viên, trung tâm thương mại ở Thủ đô...
Tại thành phố Hồ Chí Minh, không khí nhộn nhịp hẳn khi đèn bắt đầu tỏa sáng trên những con đường. Hàng chục nghìn xe máy và ô-tô kéo về trung tâm. Cả Quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ, dài 670 m, rộng 60 m chật cứng người. Những nam, nữ thanh niên đến đây để gặp gỡ, hẹn hò; những người già thì thong thả tản bộ; các em nhỏ thì thỏa sức chơi đùa; vài nhóm thi tài trượt pa-tanh nghệ thuật; nhóm mang nhạc cụ ra cùng ca hát... Tất cả đều chờ đợi thời khắc thưởng thức màn trình diễn pháo hoa nghệ thuật, được bắn lên tầm cao từ phía quận 2. Anh Nguyễn Huy Vụ, đến từ Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, khoe với chúng tôi rằng, dù đường về tới 50 km, nhưng quyết định ở lại xem bắn pháo hoa rồi mới về.
Người dân Hà Nội hân hoan, xem diễu binh, diễu hành.
Ông An Sơn Lâm, chủ tàu du lịch Đông Dương cho hay, tất cả các tàu du lịch ngắm thành phố từ sông Sài Gòn và xem bắn pháo hoa đã được đặt kín chỗ từ vài ngày trước. Tại các bến tàu, lúc 7 giờ 30 phút đông nghịt người. Ánh sáng từ Bến Nhà Rồng hôm nay tỏa ra, như ấm áp hơn. Nhiều tàu phải chạy tăng ca để đáp ứng nhu cầu của khách. Không đi được tàu trên sông Sài Gòn, hàng nghìn du khách chọn những bãi cỏ phía quận 2 để “cắm trại”, nằm ngắm thành phố lung linh, huyền ảo về đêm, chờ thưởng thức pháo hoa.
Người Đà Nẵng đón ngày Quốc khánh trong không khí ấm áp. Trời lắc rắc vài giọt mưa vào sáng sớm rồi nhanh quang mây, nhiều người đổ ra đường chung hưởng không khí ngày vui. Khi hỏi cảm xúc ngày 2-9, nhiều người chia sẻ, không khí kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh năm nay của cả nước thật sự thiêng liêng. Tại Đà Nẵng, đi trên các ngả đường, góc phố nào cũng thấy bình yên.
Sáng 2-9, bên bờ sông Hàn lộng gió, lời tâm sự của cụ Nguyễn Hải, 82 tuổi, trú phường An Hải Tây, quận Sơn Trà làm chúng tôi xúc động vô cùng: “Thế hệ trẻ các cháu hôm nay phải sống kế thừa và phải giữ được ngọn lửa yêu nước của dân tộc Việt Nam. Tết Độc lập mùng 2-9 là ngày khai sinh ra đất nước Việt Nam và để có được cơ ngơi như hôm nay, nước ta đã phải cố gắng rất nhiều”. Cụ Hải dẫn theo các cháu ra bờ sông Hàn, cổ vũ cho các đội đua thuyền truyền thống. Ông bảo, năm nào cũng háo hức chờ thưởng thức không khí ngày Tết Độc lập bên con cháu. Ngày mùng 2-9 trên sông Hàn đã diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa phục vụ người dân và du khách như giải đua thuyền truyền thống; lướt ván trên sông; âm nhạc đường phố và đặc biệt là màn pháo hoa nghệ thuật ngắn, được bắn lên giữa xà-lan trên sông Hàn thơ mộng. Dù với người dân Đà Nẵng, những bữa tiệc pháo hoa trên sông Hàn đã rất đỗi quen thuộc, bởi đây là thành phố đăng cai tổ chức cuộc thi pháo hoa Quốc tế, nhưng đêm 2-9, hàng nghìn người vẫn đổ về hai bờ sông Hàn để ngắm trọn vẹn màn pháo hoa đặc biệt mừng Quốc khánh. Anh Hoàng Thái Việt, trú huyện Hòa Vang, hồ hởi đưa cả nhà lên Đà Nẵng để ra bờ đông sông Hàn từ rất sớm, tìm chỗ ngồi lý tưởng cho các con xem pháo hoa rõ nhất. Khi nhìn những chùm pháo hoa đủ sắc mầu được bắn lên trong tiếng reo vui của bao người, anh chia sẻ: Người lớn thì đã thấm về ý nghĩa của ngày mùng 2-9, nhưng các con còn nhỏ, khi các con được sống trong không khí đầm ấm, yên vui, mới thấy được ý nghĩa của ngày Quốc khánh.
Tối 2-9, tuy trời có mưa nhỏ, nhưng hàng nghìn người dân thành phố Hải Phòng vẫn đổ về trung tâm thành phố tham dự các chương trình mừng Tết Độc lập. Tại quảng trường nhà hát thành phố, đông đảo các tầng lớp nhân dân hân hoan thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Giai điệu Tổ quốc”, với những ca khúc hào hùng ngợi ca đất nước, truyền thống cách mạng anh hùng, quyết tâm xây dựng Tổ quốc vững mạnh của dân tộc và con người Việt Nam. Kết thúc chương trình nghệ thuật là màn bắn pháo hoa, tại hai điểm là Trung tâm Triển lãm- Mỹ thuật thành phố và bờ hồ An Biên.
Các tuyến đường chính ở TP Buôn Ma Thuột (Đác Lắc) được trang hoàng rực rỡ, chào đón Quốc khánh 2-9.
Tại TP Cần Thơ, đêm văn nghệ với chủ đề “70 năm Việt Nam khúc hát tự hào” được tổ chức ở công viên Lưu Hữu Phước, quận Ninh Kiều; hội chợ - triển lãm ngành công thương các tỉnh, thành khu vực phía nam; triển lãm thành tựu 70 năm kinh tế-xã hội của đất nước… thu hút hàng nghìn người dân tham gia. Đặc biệt, giải đua mô-tô tranh cúp vô địch quốc gia 2015 được tổ chức tại sân vận động Cần Thơ vào ngày 2-9, thu hút hơn hai vạn khán giả đến cổ vũ với những màn tranh tài sôi nổi, hấp dẫn. Tại tượng đài Bác Hồ ở công viên bến Ninh Kiều, dịp này có đông nhân dân đến viếng, dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ Người. Các điểm du lịch như: chợ nổi Cái Răng, vườn du lịch Mỹ Khánh, Thiền viện Trúc lâm phương nam… đông khách hơn ngày thường.
Đã trở thành truyền thống, cứ đến dịp Tết Độc lập, tại Nghệ An, nhiều xã, phường trên địa bàn huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai… đồng loạt tham gia lễ mít-tinh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2-9. Hòa chung không khí cả nước chào mừng 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, khắp các thôn, xóm, làng quê huyện Thanh Chương cũng tưng bừng, rộn ràng trong tiếng nhạc, tiếng trống, rợp sắc cờ Tổ quốc. Người dân náo nức, hân hoan đón mừng Tết Độc lập với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.
Trên địa bàn huyện miền núi Quỳ Hợp, Quế Phong, Quỳ Châu…, bà con ở các làng bản người Thái, Thổ soạn mâm quả thắp hương lên bàn thờ, tưởng nhớ công ơn Bác Hồ trong ngày Tết Độc lập. Các xã Môn Sơn, Lục Dạ, Yên Khê, Châu Khê… huyện Con Cuông, bà con dân tộc Thái, Đan Lai tổ chức mở hội cồng chiêng, tổ chức biểu diễn văn nghệ, thể dục thể thao và các trò chơi dân gian vui Tết Độc lập.
Hòa chung không khí hân hoan kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, những ngày qua, hàng nghìn người trên khắp mọi miền đất nước đã đến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa - đảo Yến (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Đội phó Đội bảo vệ Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết: Từ lúc Đại tướng về an nghỉ tại đất mẹ Quảng Bình đến nay đã có hơn 2,7 triệu lượt khách đến viếng mộ. Ngày 1-9, có khoảng 230 đoàn với hơn bốn nghìn lượt khách từ mọi miền đất nước tới viếng mộ Đại tướng, trung bình trong bốn ngày (từ 30-8 đến 2-9), mỗi ngày có khoảng ba nghìn lượt khách. Đội bảo vệ Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bổ sung thêm một số chiến sĩ tham gia công tác hướng dẫn, phục vụ khách tới viếng mộ.
Tại Thừa Thiên-Huế, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Trên sông Hương (TP Huế), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức Ngày hội đua ghe truyền thống lần thứ 27, quy tụ hơn 450 VĐV nam, nữ. Cũng trong ngày 2-9, rất đông du khách chọn Đại nội Huế để khởi đầu ngày nghỉ lễ đầy ý nghĩa. Năm nay, ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 vào giữa tuần cho nên lượng khách ngoại tỉnh về cố đô Huế không tăng nhiều. Tuy nhiên, lượng khách từ các huyện, thị xã tập trung về các điểm tham quan, vui chơi ở trung tâm TP Huế lại tăng gấp bảy đến tám lần so với ngày thường. Tối 2-9, tại tiền sảnh Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh (41A Hùng Vương, TP Huế) diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng 70 năm Quốc khánh 2-9, do Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế phối hợp Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh tổ chức với nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc, thu hút đông đảo khán giả đến xem và cổ vũ.
Đua thuyền truyền thống trên sông Hương chào mừng 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 tại TP Huế.
Ngày 2-9, dưới cái nắng nhẹ và thời tiết mát mẻ của Ngày Tết Độc lập, từ thành phố Buôn Ma Thuột đến các xã, thôn, buôn vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là các vùng căn cứ cách mạng đều rợp bóng cờ Đảng, cờ Tổ quốc, tạo không khí thanh bình vui tươi, phấn khởi. Ở xã Đác Phơi anh hùng, huyện Lắc, đồng bào các dân tộc trong xã đón Tết Độc lập năm nay vui hơn, phấn khởi hơn, do chất lượng cuộc sống giờ được nâng cao. Không chỉ treo cờ Tổ quốc, nhiều buôn làng trong xã còn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, diễn tấu cồng chiêng chào đón Tết Độc lập. Hòa trong tiếng cồng chiêng bập bùng bên ngọn lửa hồng vui đón Tết Độc lập, già Ama Phương, 80 tuổi, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đác Phơi kể: Sau 40 năm giải phóng, cuộc sống của người dân ở xã Đác Phơi đã đổi khác. Từ một vùng căn cứ bị bom đạn của giặc Mỹ cày phá, cuộc sống của người dân cơ cực, chủ yếu dựa vào núi rừng để sống, thì nay, nhiều người dân đã xây dựng được nhà cửa khang trang, đường giao thông được nhựa hóa, gia đình nào cũng có điện thắp sáng, con cái đều được đến trường học chữ, gia đình nào cũng đủ ăn, đủ mặc không lo cái đói… Trong ngày Tết Độc lập, gia đình anh Y Bluc Êban, ở buôn Ea Kmát, xã Hòa Đông, thành phố Buôn Ma Thuột cũng như nhiều gia đình khác trong xã quây quần trước ti-vi, xem truyền hình trực tiếp lễ mít-tinh, diễu binh, diễu hành tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Anh Y Bluc Ê Ban vui vẻ cho biết: Ngày Tết Độc lập năm nay cũng là ngày mà đồng bào các dân tộc trong xã vui mừng đón nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Nhờ có Đảng, Nhà nước quan tâm giúp đỡ, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số hôm nay đã có của ăn, của để, con cái đều được học hành, khi ốm đau đều có y, bác sĩ thăm khám tận tình, bà con cảm ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm! Dịp này, ở Quảng Nam, tại xã vùng biển Tam Giang, huyện Núi Thành, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn Vingroup tổ chức lễ khánh thành, bàn giao 70 nhà tình thương tặng hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh, với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà. Còn tại xã vùng biển Bình Minh (huyện Thăng Bình), tổ chức gặp mặt thân mật những người thoát ly tham gia kháng chiến, nhằm ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc. Trong giai đoạn 1964 - 1975, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, hơn 100 người con của Bình Minh trong độ tuổi thanh xuân thoát ly tham gia kháng chiến, tham gia các tổ chức cách mạng. Trong số họ, nhiều người đã hy sinh, nhiều người trở thành tướng lĩnh trong quân đội. Dịp này, Ban tổ chức đã trao năm suất quà (mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng) tặng những người thoát ly trở về, có hoàn cảnh khó khăn.
Trên khắp các tuyến đường chính như Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Phú Lợi… ở thành phố Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), dòng người hối hả, nô nức, hân hoan chào mừng Ngày Tết Độc lập; ở các khu vực quảng trường, công viên, khu vui chơi giải trí… diễn ra các hoạt động văn hóa văn nghệ phong phú, hấp dẫn thu hút hàng chục nghìn lượt người dự xem. Ông Nguyễn Văn Năm ở phường 2, thành phố Sóc Trăng hồ hởi cho biết: “Cũng như mọi năm, cứ đến dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9 là tôi đưa các cháu đến chơi tại Khu văn hóa Hồ Nước Ngọt hay xem văn nghệ, múa lân tại Nhà văn hóa thiếu nhi, Quảng trường Bạch Đằng... Vào những ngày này, lòng tôi rạo rực, dâng trào niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc và không quên nhắc nhở con cháu luôn sống xứng đáng với cha ông, xứng đáng là người Việt Nam”. Về các xã nông thôn mới của Sóc Trăng như: Ngọc Tố, Hồ Đắc Kiện, Trường Khánh, An Thạnh Nhất, Phú Tân… cờ đỏ sao vàng rợp cả góc trời. KHI những màn pháo hoa lung linh, những chương trình thể thao, nghệ thuật... kết thúc, khép lại một ngày Quốc khánh đầy ý nghĩa. Người dân cả nước trở về cuộc sống thường nhật, đón chào một ngày mới tràn đầy sinh lực, cùng đóng góp và kỳ vọng vào những thành tựu mới của đất nước.
Theo Nhân dân