Ninh Bình: Tiền tích cóp cả đời dạy học đặt vào 'canh bạc' trồng nấm
- Thứ năm - 26/12/2019 08:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Từng là giáo viên của một trường THPT trên địa bàn huyện Yên Mô, nghề của bà Hòa vốn không liên quan gì tới nghề trồng nấm. Nhưng ở thời điểm vẫn còn cầm phấn trắng, đứng bục giảng, bà Hòa đã có những trăn trở về nghề nông để rồi khi về hưu, những trăn trở đó đã được thực hiện bằng mô hình trồng nấm.
Bà Nguyễn Thị Hòa chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN: "Hồi còn đi dạy, mỗi lần thấy khói bay lên từ các cánh đồng sau mùa gặt tôi đã rất trăn trở, suy tư. Tôi tự hỏi, liệu có cách nào khác để bà con nông dân sau thu hoạch lúa không đốt bỏ rơm rạ trên đồng ruộng hoặc ven đường giao thông, đôi khi còn vứt rơm rạ thả trôi từng mảng trên các kênh mương, sông trục. Như thế vừa lãng phí, vừa gây tắc nghẽn dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường…".
Cô giáo Nguyễn Thị Hòa đang đi hái nấm bào ngư trong trại của gia đình mình.
Xuất phát từ những suy nghĩ đó, khi nghỉ hưu, mặc dù đã ở tuổi 60, có cuộc sống ổn định, nhưng bà Nguyễn Thị Hòa lại lặn lội đi học cách trồng nấm. Vì theo bà, trồng nấm có thể xử lý triệt để nguồn rơm rạ sau mỗi vụ gặt và lại có một nguồn thu nhập lớn từ bán nấm. Đó là suy nghĩ, nhận định để bà quyết định đầu tư vào nghề trồng nấm.
Được sự tư vấn của người con trai trong gia đình, bà Hòa đã mạnh dạn bỏ ra hàng trăm triệu đồng, số tiền mà bà tích cóp suốt cả đời dạy học để đầu tư xây dựng trên 1.000m2 lán trại và mua sắm đồng bộ các máy móc cho nghề trồng nấm.
Mỗi tháng gia đình bà Hòa xuất bán ra thị trường hơn 1,5 tấn nấm bào ngư, thu lãi hàng chục triệu đồng.
"Nhiều bạn đồng nghiệp của tôi can ngăn, họ khuyên, nghỉ hưu rồi, giàu có thì không phải nhưng ít ra hàng tháng cũng có 1 "cục" tiền lương ổn định. Khoản đó thích ăn thì ăn, thích đi chơi đâu thì đi, sao phải đặt cược vào "canh bạc" trồng nấm...", bà Nguyễn Thị Hòa kể với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Lắng nghe hết lời khuyên can của đồng nghiệp, nhưng bà Hòa vẫn lẳng lặng làm theo ý mình-đó là quyết đầu tư trồng nấm. Sau khi đã có lán trại và máy móc hỗ trợ cho trồng nấm, bà Hòa bắt tay ngay vào trồng nấm bào ngư. Bà chọn nấm bào ngư để khởi nghiệp, bởi đây là loài nấm khá dễ trồng, thị trường tiêu thụ rộng hơn bởi tính phổ biến của nấm bào ngư trong chế biến thức ăn, nhất là tiêu thụ mạnh tại các nhà hàng, quán ăn, quán lẩu...Mặt khác nguồn nguyên liệu làm nấm bào ngư cũng rất dồi dào từ rơm rạ, mùn cưa...dễ kiếm, dễ tìm, dễ vận chuyển...
Trời không phụ người biết tính toán và tâm huyết. Kết quả sau vài năm trồng nấm, bà Hòa đã thu hồi được toàn bộ số vốn bỏ ra ban đầu và giúp cho gần 10 lao động tại chỗ có việc làm và thu nhập ổn định 3 - 4 triệu đồng/tháng. "Thừa thắng xông lên", bà Hòa quyết định trồng thêm nấm linh chi đỏ - một loại nấm cho giá trị kinh tế cao, giá bán cao nhằm nâng cao thu nhập do giá trị mà loại nấm này mang lại
Bà Hòa đang đi kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cây nấm linh chi đỏ, vì đây là một loại nấm yêu cầu cao về kĩ thuật và chế độ chăm sóc.
“Nấm linh chi đỏ không phải là loài nấm dễ trồng, bởi đây là một loại nấm dược liệu đòi hỏi hết sức nghiêm ngặt các yêu cầu về kỹ thuật trong các khâu, từ khâu chuẩn bị bịch phôi, nuôi trồng cho đến thu hoạch và bảo quản. Ngoài ra còn phải hết sức lưu tâm đến điều kiện khí hậu, nhiệt độ, độ ẩm để nấm linh chi đỏ sinh trưởng tốt” - bà Hòa tiết lộ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Trung bình mỗi năm cơ sở sản xuất nấm của bà Hòa trồng khoảng 170.000 phôi nấm, xuất bán ra thị trường hơn 50 tấn nấm ăn, nấm dược liệu, trong đó phần lớn là nấm bào ngư và khoảng 1 tấn nấm linh chi đỏ. Qua hoạch toán, trại nấm của bà Hòa đã mang lại lợi nhuận ước đạt hơn 300 triệu đồng/năm.
Dẫn phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN đi thăm quan mô hình trồng nấm của gia đình, bà Hòa tâm sự, hiện gia đình bà đang trồng 100.000 bịch nấm bào ngư tím và hơn 60.000 bịch nấm linh chi đỏ. Đối với nấm bào ngư thì trồng được quanh năm, bình quân mỗi năm trồng 3 vụ, còn đối với nấm linh chi đỏ thì một năm chỉ trồng được 2 vụ chính.
“Đối với nấm bào ngư mỗi tháng, gia đình thu hái được hơn 1,5 tấn, còn nấm linh chi mỗi năm thu về được khoảng gần 1 tấn nấm khô. Hiện giá thu mua của 2 loại nấm này luôn ở mức ổn định. Nấm bào ngư tím có giá khoảng 35.000 đồng/kg, nấm linh chi tươi 400.000/kg, nấm linh chi khô là 800.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình tôi lãi khoảng hơn 300 triệu đồng” - bà Hòa chia sẻ.
Cách trồng nấm nằm ngang trên kệ chữ A của gia đình bà Hòa nhiều năm nay đang chứng tỏ hiệu quả của nó mang lại.
Nói về bí quyết trồng nấm của mình, bà Hòa tiết lộ, cách trồng nấm của gia đình bà khác hoàn toàn so với các trại nấm khác, thay vì dùng dây treo lên theo chiều thẳng đứng, gia đình bà lại quyết định đặt bịch nấm nằm ngang trên kệ hình chữ A. Cách trồng nấm như thế này có nhiều ưu điểm như, tiết kiệm chi phí nhân công, giảm công chăm sóc và đặc biệt sản lượng nấm thu được cao hơn so với cách trồng thông thường.
Theo bà Hòa, nếu như, nấm bào ngư trồng theo cách treo thẳng đứng thì mỗi bịch sản lượng cũng chỉ có khoảng 0,45 kg/bịch/vụ, trồng theo phương pháp xếp bịch nằm ngang trên kệ hình chữ A thì mỗi bịch cho sản lượng từ 0,5-0,6 kg/bịch/vụ. “Nếu nhân lên hàng 100.000 bịch thì sẽ ra ngay sản lượng nấm thu được, chính con số ý giúp trại nấm có sản lượng và thu nhập cao hơn”- bà Hòa vui vẻ nói .
Mỗi năm cơ sở sản xuất nấm của bà Hòa cung cấp ra thị trường trên dưới 900kg linh chi khô.
Cũng theo bà Hòa, khó nhất trong nghề trồng nấm ở miền Bắc nước ta là, khí hậu thời tiết diễn biến phức tạp, chênh lệch nhiệt ngày đêm lớn, thường gây ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình tạo năng suất của các giống nấm.
Để giảm thiểu ảnh hưởng của các yếu tố thời tiết, môi trường, bà đã xây dựng lán trại cố định, đảm bảo tất cả các loại nấm đều được trồng trong nhà có tường bao, mái che chắc chắn, có hệ thống chiếu sáng và tưới dưỡng nước cho nấm tự động. Đồng thời, bà Hòa cũng bố trí lại cơ cấu mùa vụ, mỗi loại nấm chỉ ươm trồng trong khung thời vụ thích hợp nhất.