Nỗ lực phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn

Nỗ lực phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn
Với mục tiêu xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ giống nòi... Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 189/KH-UBND ngày 5-12-2016 xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017 – 2020.
Gian hàng của Công ty TNHH Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn tại hội nghị kết nối cung – cầu năm 2018. 

Nội dung kế hoạch tập trung vào công tác tuyên truyền; đào tạo, tập huấn kiến thức, xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, mục tiêu đến năm 2020, bảo đảm có 50% trở lên thực phẩm nông, lâm, thủy sản tiêu dùng trên địa bàn mỗi huyện, thị xã, thành phố được cung cấp qua các chuỗi liên kết, được kiểm tra giám sát, xác nhận sản phẩm an toàn. Để thực hiện mục tiêu này, UBND tỉnh đã ban hành chính sách khuyến khích về phát triển các chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn. Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan khảo sát, đánh giá điều kiện và năng lực của cơ sở sản xuất ban đầu, sơ chế/giết mổ/chế biến, bảo quản, vận chuyển đến kinh doanh trên địa bàn, ưu tiên lựa chọn cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ lực của tỉnh và tiêu thụ liên tỉnh; sản phẩm có nguy cơ cao gây mất an toàn thực phẩm. Việc lựa chọn cơ sở tham gia mô hình chuỗi được căn cứ theo các tiêu chí: Có quy trình giám sát về an toàn thực phẩm cho từng công đoạn trong chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm bảo đảm chất lượng. Thực hiện ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn và được cơ quan chức năng kiểm tra việc thực hiện nội dung đã cam kết hoặc phải được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Sản phẩm trước khi đưa vào tiêu dùng phải được cơ quan chức năng xác nhận sản phẩm đã được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi và bảo đảm truy xuất được nguồn gốc sản phẩm...

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện các chỉ tiêu được giao năm 2018 tại Quyết định số 335/QĐ-UBND ngày 24-1-2018 của Chủ tịch UBND tỉnh, ngành  đã hoàn thành 8/18 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được giao, trong đó có 6 chuỗi đã được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; lũy kế đến tháng 9-2018, toàn tỉnh đã xây dựng được 26 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, gồm 10 chuỗi rau quả, 5 chuỗi thịt, 3 chuỗi trứng gia cầm, 8 chuỗi thủy sản.

UBND cấp huyện đang chỉ đạo xây dựng 446/389 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, gồm 97 chuỗi cung ứng gạo, 129 chuỗi cung ứng rau quả, 154 chuỗi cung ứng thịt gia súc, gia cầm, 2 chuỗi cung ứng trứng gia cầm và 64 chuỗi cung ứng thủy sản; 1.024/1.546 cơ sở giết mổ đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm; 37/32 chợ an toàn thực phẩm; 135/138 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn; 862/335 bếp ăn tập thể an toàn thực phẩm được giao tại Quyết định 335/QĐ-UBND.

Việc xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm, nông lâm thủy sản an toàn là kết quả bước đầu quan trọng, làm cơ sở cho việc nhân rộng mô hình trong những năm tiếp theo, bảo đảm nguồn cung ứng thực phẩm an toàn, thúc đẩy phát triển bền vững sản xuất nông sản thực phẩm an toàn ở Thanh Hóa. Bước đầu đã hình thành được một hệ thống nông sản khép kín được kiểm soát chặt chẽ bởi các cơ quan chức năng. Trong chuỗi liên kết này, doanh nghiệp có chức năng khảo sát, tìm kiếm, mở rộng thị trường để điều tiết sản xuất, xây dựng chất lượng và thương hiệu cho sản phẩm. Người nông dân được đảm bảo quyền lợi, nâng cao thu nhập từ việc tham gia sản xuất sản phẩm nông sản an toàn, sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng là sản phẩm sạch, an toàn. Sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, người sản xuất, sự quyết tâm của các cấp chính quyền và sự lựa chọn thông minh của mỗi người tiêu dùng sẽ là những điều kiện để tiếp tục nhân rộng những mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, bảo đảm cung cấp cho thị trường thực phẩm, nông sản an toàn.

Theo ông Đỗ Xuân Trường, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh, việc xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đang được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm đưa các sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng và là con đường thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững. Các sản phẩm từ các mô hình chuỗi bước đầu đã có chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng đón nhận, tin tưởng. Tuy nhiên, hiện nay việc xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn còn rất chậm; sản lượng và chủng loại thực phẩm an toàn sản xuất tập trung còn ít. Tiến độ triển khai xây dựng các mô hình thí điểm an toàn thực phẩm còn chậm; nhiều địa phương còn vướng mắc, lúng túng trong tổ chức thực hiện, đặc biệt là lựa chọn xây dựng các mô hình giết mổ an toàn thực phẩm, mô hình chợ an toàn thực phẩm, mô hình chuỗi giá trị sản phẩm an toàn. Để xây dựng và phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn, rất cần có sự quan tâm khuyến khích bằng các cơ chế, chính sách từ phía Nhà nước và sự đồng bộ trong triển khai thực hiện của các ngành liên quan, nhất là sự tích cực, chủ động của người sản xuất, kinh doanh.

 
 

Tác giả bài viết: Hà Phương

Nguồn tin: baothanhhoa.vn