Nộp phạt tại chỗ sẽ giảm phiền hà cho dân
- Chủ nhật - 09/02/2014 09:45
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Lưu Thanh Hiệp, Phó phòng hướng dẫn và tổ chức tuần tra, kiểm soát, giao thông đường bộ, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, đường sắt (C67), Bộ Công an cho biết về dự thảo thông tư quy định việc người vi phạm giao thông có thể nộp tiền phạt trực tiếp cho CSGT.
Việc nộp phạt tại chỗ sẽ giúp người vi phạm giao thông đỡ thời gian đi lại - Ảnh Hoàng Trang |
Dự thảo thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 171/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt hiện đang được Bộ Công an lấy ý kiến rộng rãi các bộ ngành và người dân.
Điểm đáng chú ý tại dự thảo thông tư này là các tổ chức, cá nhân bị xử phạt có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người ra quyết định xử phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt. Việc quản lý, sử dụng biên lai thu tiền phạt thực hiện theo quy định tại Chương III Thông tư số 153/2013/TT-BTC ngày 31.10.2013 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính.
Theo ông Hiệp, quy định CSGT được thu tiền phạt tại chỗ chỉ áp dụng đối với các lỗi, hành vi đơn giản mà CSGT trong thẩm quyền xử phạt của mình được ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Còn các trường hợp khác thì vẫn phải ra kho bạc nộp phạt như trước đây.
Bên cạnh đó, người vi phạm nếu không mang theo tiền thì vẫn có thể lựa chọn việc nộp phạt qua kho bạc.
“Việc đưa ra quy định trên là nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người vi phạm bởi họ phải đi lại nhiều nơi mất nhiều thời gian”, ông Hiệp nói.
Mặc dù vậy, ông Lưu Thanh Hiệp cho rằng dự thảo hiện vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến hoàn thiện nên chưa thể nói rõ là những hành vi cụ thể nào thì được nộp phạt tại chỗ, hành vi nào thì ra kho bạc.
Trả lời câu hỏi, liệu nộp phạt trực tiếp có nảy sinh ra tiêu cực, ông Lưu Thanh Hiệp cho rằng rất khó đánh giá nhưng thấy rõ việc nộp trực tiếp sẽ giúp cho người dân và cả Nhà nước tiết kiệm thời gian, thủ tục.
“Vấn đề quan trọng là cơ chế quản lý, giám sát như thế nào, hiện Bộ Công an đang tiếp tục lấy ý kiến của các Bộ ngành chức năng trên tinh thân đổi mới tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân”, ông Hiệp cho hay.
Theo baohatinh.vn