Nỗi buồn lương hưu
- Thứ năm - 09/11/2017 22:46
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tương tự, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng nhận được không ít tâm tư “đẫm nước mắt” trước cách tính lương hưu mới.
Mấy ngày qua, chuyện lương hưu của cô giáo mầm non Trương Thị Lan (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vẫn không thôi day dứt. Song thực tế mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng của cô giáo Lan chưa phải là thấp nhất bởi theo thống kê của BHXH Việt Nam còn có 3.228 người nhận mức lương hưu dưới 1,3 triệu đồng/tháng.
Theo bà Đinh Thu Hiền- phó trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam, mức lương hưu, cách tính lương hưu của người lao động, được quy định rất rõ trong Luật Tổ chức xã hội, nếu đóng thấp thì hưởng lương hưu thấp, đóng cao thì hưởng lương hưu cao. Mức tiền lương đóng BHXH hàng tháng và thời gian đóng BHXH là hai yếu tố quan trọng nhất trong việc tính lương hưu sau này.
Cũng theo bà Hiền, lương hưu của giáo viên mầm non thấp là tình hình chung của nhiều địa phương mà nguyên nhân là do thời gian đóng BHXH ngắn (thường chỉ đóng BHXH từ tháng 1/1995 trở đi cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu mới chỉ đóng đủ 20 năm) nên tỷ lệ hưởng lương hưu chỉ khoảng 60%.
Đứng trước phản ứng, tâm tư trên của người lao động, tư lệnh nhiều ngành đã có những đề xuất cần lùi, sửa để tránh gây sốc và đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Rõ ràng trước mắt đây là giải pháp cấp thiết cần làm nhất lúc này. Nhưng cũng có không ít băn khoăn xen lẫn buồn vì tình trạng các chính sách, quy định chưa kịp có hiệu lực đã phải “ lùi - sửa” ngày càng trở lên phổ biến.
Còn nhớ trước đó vào năm 2015 khi mà Luật BHXH 2014 chưa có hiệu lực nhiều công nhân tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh đã đình công để bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định tại Điều 60 của Luật này về giải quyết bảo hiểm xã hội một lần.
Kết quả là tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã nhấn nút thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục cho phép người lao động nghỉ việc trong điều kiện chưa đủ 20 năm đóng BHXH được nhận BHXH một lần. Rất nhiều bài học đã được rút ra từ Điều 60 đó nhưng đáng tiếc một lần nữa lại được lặp lại tương tự với quy định cách tính lương hưu mới đối với lao động nữ từ ngày 1/1/2018 tới đây.
Đã có nhiều chính sách để kéo giảm khoảng cách bất bình đẳng giới nhưng chính sách về tiền lương mới đẩy lao động nữ vào tình cảnh chỉ sau một ngày mất 10% lương hưu là điển hình cho sự bất bình đẳng giới và bất cập về chính sách.
Làm chính sách đã khó, xây dựng chính sách về lương đảm bảo hài hòa lại càng khó hơn. Nhiều người ví xây dựng chính sách lương giống như “đu” trên dây. Thực tế cho thấy tuy đã qua nhiều đợt cải cách tiền lương nhưng số thang bảng lương, ngạch bậc lương công chức hành chính còn nặng về bằng cấp, thâm niên, chưa theo yêu cầu công việc hoặc chức vụ đảm nhận, hệ số giãn cách giữa các bậc lương còn thấp, làm giảm hiệu quả của hệ số lương và làm tăng tính bình quân trong trả lương, giảm tính kích thích của tiền lương đối với công chức.
Xung quanh câu chuyện về lương, ông Phan Thái Bình (đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) cho rằng, mức lương công chức hành chính được tính toán trên cơ sở tiền lương tối thiểu nên bảng lương của khu vực này thấp hơn so với mức bình quân chung của lương trên thị trường. Do đó, mức lương của công chức hành chính chưa phản ánh được giá trị cống hiến của người lao động có chuyên môn, kỹ thuật cao, không thu hút được nhân tài.
Do đó theo ông Bình, phải mạnh dạn đổi mới cải cách thang, ngạch, bậc lương theo hướng trả lương theo vị trí việc làm, tăng hệ số giãn cách giữa các bậc lương, hoàn thiện các loại phụ cấp cho phù hợp, tạo động lực cho công chức phấn đấu và thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan nhà nước. Đây cũng là đề xuất được nhiều chuyên gia và người dân đặc biệt quan tâm. Bởi nếu cứ giữ mãi cách tính lương như hiện nay thì câu chuyện “về hưu trở thành người nghèo, hộ nghèo” không còn là hiếm.
Bên cạnh việc đổi mới cải cách thang, ngạch, bậc lương thì câu chuyện phải nâng cao chất lượng đội ngũ những người làm luật, làm sao để họ có đủ khả năng thiết kế hệ thống luật pháp đầy đủ, đi vào cuộc sống cũng là vấn đề vô cùng cấp thiết. Thực tế đã chỉ ra rằng, chính sách dù có tiến bộ, nhân văn đến mấy, nhưng quan trọng là phải phù hợp với thực tế cuộc sống. Pháp luật đảm bảo sự phát triển bền vững của đại bộ phận người lao động, song cũng phải chú ý bảo vệ quyền lợi chính đáng của những nhóm người khác khi họ buộc phải lựa chọn giải pháp ít bền vững hơn, không mâu thuẫn hay xung đột với lợi ích chung của xã hội.
Lê Minh Long/daidoanket.vn