Nỗi lo tiêu thụ nông sản: Bài toán quản lý quy hoạch
- Thứ ba - 11/07/2017 23:17
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nông dân Yên Thành thu hoạch lúa xuân. Ảnh: Xuân Hoàng |
“Lỏng” trong khâu quản lý
Với việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nhiều loại cây, con được xác định chủ lực để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Về cơ bản, tất cả các loại cây trồng chủ lực của tỉnh như: cam, mía, sắn, lạc, lúa… đều xây dựng quy hoạch theo từng vùng. Trong đó, ngoài diện tích lúa được xác định căn cứ trên diện tích đất sản xuất và chỉ tiêu Trung ương giao, các loại cây còn lại được tính toán dựa trên điều kiện khí hậu, điều kiện sản xuất cho phép và các loại vật nuôi như: trâu, bò, lợn, gia cầm cũng được xác định quy mô được đưa vào kế hoạch hàng năm.
Đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi là tất yếu để đáp ứng yêu cầu của thị trường và tăng giá trị sản xuất. Điều đó càng đòi hỏi công tác quản lý quy hoạch phải được thực hiện chặt chẽ. Thế nhưng trên thực tế, nhiều địa phương không thể quản lý được quy hoạch. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “cung vượt cầu” vẫn thường xuyên xảy ra, cả trên nhóm sản phẩm quốc gia như lúa gạo, thịt, lạc và cả trên nhóm sản phẩm địa phương như các loại rau màu.
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ: “Với nhóm sản phẩm quốc gia, hiện tượng dư thừa nhiều khi không phải do được mùa hay sản xuất quá nhiều, vượt quy hoạch mà phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường và sản xuất của các địa phương khác. Như sản phẩm lợn và thịt lợn trong thời gian qua, nhiều địa phương nuôi ồ ạt, số lượng quá lớn, đúng lúc việc xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc bị kiểm soát nên dẫn đến dư thừa… Riêng với nhóm sản phẩm địa phương, tình trạng dư thừa chủ yếu mang tính chất thời điểm, khi vào chính vụ thu hoạch như: rau quả, ớt cay, cà rốt, cà chua, hành tăm… Với nhóm này, từng địa phương đều có quy hoạch cụ thể về diện tích từng loại rau, nhưng không hiếm trường hợp nông dân “chạy theo” phong trào, sản xuất ồ ạt, vượt quy hoạch những loại sản phẩm năm trước đã được mùa, được giá, dẫn đến có những thời điểm nhất định lượng hàng sản xuất ra quá lớn”.
Rõ ràng việc xây dựng quy hoạch và chỉ đạo tổ chức sản xuất theo quy hoạch chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân chính là do người dân thấy lợi nhuận trước mắt đã tự ý đầu tư sản xuất, chăn nuôi khác với triển khai quy hoạch như: sắn, cam, gia cầm... Điều lo lắng nhất là sự phát triển nóng dẫn đến cây, con giống không được kiểm soát chặt chẽ; hoặc bà con không xét đến vấn đề khí hậu, thời tiết từng vùng nên cây, con sẽ không đem lại hiệu quả cao. Điển hình nhất ở huyện Nghĩa Đàn, vài năm nay, bà con nông dân ồ ạt trồng ổi và cam, thậm chí nhiều gia đình chặt phá nhiều diện tích cây cao su để trồng cam. Thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn, chỉ trong 3 năm nay, diện tích ổi toàn huyện đã có gần 100 ha và khoảng 700 ha cam. Những diện tích nông dân trồng cam và ổi hoàn toàn tự phát, chưa có quy hoạch.
Ông Lâm Văn Thắng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn lo lắng: “Khi một vài hộ trồng có thu nhập cao từ cây ổi thì nhiều hộ đua nhau trồng. Hiện nay, dù chưa phải “giải cứu” như một số cây, con khác nhưng với đà phát triển diện tích cam, ổi một cách nhanh chóng như thế, sợ rằng đến một thời điểm nào đó, “cung” vượt quá “cầu” rồi sẽ gặp cảnh “giải cứu” như lợn, vịt, hành tăm…”.
Gian hàng giúp dân tiêu thụ nông sản của huyện Quế Phong. Ảnh: Nguyên Sơn |
Ông Lê Trung Kiên – Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Đàn) cho biết thêm: “Những năm qua, do giá cao su giảm mạnh, nhiều hộ dân chặt phá chuyển sang trồng cam, ổi một cách tự phát, không theo định hướng hay quy hoạch của địa phương. Thời gian qua, chính quyền xã đã khuyến cáo bà con nên chọn đất, chọn cây giống phù hợp để đảm bảo hiệu quả và không nên trồng ồ ạt, nhưng rất nhiều hộ không nghe. Chính quyền cũng không thể ra lệnh hay ép được họ phải trồng cây gì trên đất đã giao cho họ…”. Đó cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương khác. Bài học đắt giá cho rất nhiều hộ dân ở huyện Tân Kỳ là cách đây vài năm đua nhau trồng cây cao su tiểu điền. Thế rồi, mủ cao su giá thấp mấy năm liền và chưa gắn kết được với đơn vị thu mua nên nhiều hộ đã phải chặt cao su khi mới bước vào khai thác được 1 - 2 năm.
Thiếu gắn kết giữa sản xuất và chế biến
Trong khi việc quản lý quy hoạch cây, con trên địa bàn tỉnh còn lỏng lẻo thì vấn đề liên kết giữa sản xuất và chế biến lại chưa đáp ứng yêu cầu. Như cây lúa là một trong những sản phẩm chính trên địa bàn tỉnh, dù quy hoạch được xác định diện tích trên 186.000 ha với sản lượng đã đạt hơn 1 triệu tấn/năm và dự kiến năng suất năm sau tăng hơn năm trước nhờ ứng dụng giống mới, kỹ thuật canh tác hiệu quả, nhưng trên địa bàn chưa có nhà máy hay cơ sở nào lớn đứng ra bao tiêu sản phẩm.
Theo dự tính, hơn một nửa sản lượng lúa trên địa bàn tỉnh đủ đảm bảo an ninh lương thực cho cả năm, số còn lại trôi nổi trên thị trường hoặc dùng làm bánh, bún hoặc phục vụ chăn nuôi, ngoại trừ một số diện tích đặt hàng của Công ty TNHH KHCN Vĩnh Hòa (Yên Thành) có cam kết thu mua khi họ giao giống cho nông dân sản xuất nhưng diện tích còn quá ít. Ở lĩnh vực này còn có Tổng Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Nghệ An và một số công ty ở tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa hoạt động nhưng chủ yếu dịch vụ đầu vào, chỉ cam kết một phần rất khiêm tốn khi lựa chọn thu mua lúa giống.
Sản lượng lúa tăng lên hàng năm nhưng trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở, nhà máy chế biến, bao tiêu sản phẩm, trong khi còn khoảng 50% số lúa "dư thừa". Đồ họa: Hữu Quân |
Tại huyện Yên Thành có 12.500 ha thâm canh lúa, mỗi năm sản xuất ra 160.000 tấn lúa, trong đó người dân trong huyện sử dụng khoảng 60.000 tấn, còn 100.000 tấn là dư thừa. Điều đáng nói là lúa thương phẩm này phục vụ cho chăn nuôi là chính, nên giá trị thấp, khó tiêu thụ. Nếu mỗi vụ lúa, bà con tích trữ lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến chất lượng gạo. Theo ông Nguyễn Vương Ngọc – Phó Chủ tịch UBND huyện, giải pháp đang được Yên Thành áp dụng là thực hiện cánh đồng mẫu lớn và liên kết để sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao làm hàng hóa, tiến tới xây dựng thương hiệu “gạo Yên Thành”. Tuy nhiên đề án thành công hay không còn phụ thuộc vào ký kết của các doanh nghiệp, sự hoạt động tích cực của các HTX nông nghiệp và ý thức chuyển đổi của nông dân trên địa bàn huyện.
Một thực tế đáng quan tâm là các sản phẩm nông sản của chúng ta hầu như chưa có thị trường xuất khẩu chính thức mà chỉ mới đi theo đường tiểu ngạch do chất lượng, giá thành sản phẩm, vệ sinh ATTP chưa đáp ứng được hầu hết các thị trường trên thế giới, nhất là những thị trường “khó tính” như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc… Một số ít sản phẩm đã xuất khẩu được chính ngạch như chè, gạo… thì lại phụ thuộc vào thị trường thế giới và khó chen vào những thị trường có giá trị lớn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nền sản xuất đang ở quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, thiếu gắn kết cả trong sản xuất và chế biến.
Điển hình lĩnh vực chăn nuôi, Nghệ An được đánh giá thế mạnh với tổng đàn trâu bò hơn 736.500 con, lợn 888.702 con và gia cầm 21,16 triệu con. Thế nhưng đến nay, trên địa bàn chưa có một nhà máy chế biến nào về lĩnh vực này… |
Nhìn vào thực tế, cây mía là một trong những sản phẩm nông sản đang ổn định của Nghệ An khi trên địa bàn có 3 nhà máy đường đang hoạt động hiệu quả. Vấn đề cốt lõi hiện nay là tỉnh cùng các địa phương và nhà máy cần quản lý tốt quy hoạch, đưa giống mới năng suất cao và ứng dụng kỹ thuật vào tất cả các khâu đoạn để nâng cao giá trị, giảm sức lao động cho nông dân. Cùng đó, cây chè, sắn, cao su và trồng rừng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh cũng hứa hẹn có sự ổn định khi gắn với nhà máy, xưởng chế biến. Còn lại hầu hết các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đều đưa ra thị trường theo dạng thô, thiếu bao bì đóng gói, nhãn mác, địa chỉ hàng hóa…
Để phát triển các cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch, điều tất yếu phải gắn với chế biến, tiêu thụ. Giải bài toán này, các cấp ngành liên quan như nông nghiệp, công thương và các địa phương cùng nông dân phải “ngồi lại với nhau” xây dựng mối liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị chặt chẽ, trong đó, doanh nghiệp là mắt xích đóng vai trò cực kỳ quan trọng.