Nơi nông dân giàu lên trông thấy!
- Chủ nhật - 11/03/2018 10:32
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Giá trị SXNN đạt gần 1.000 tỷ đồng/năm
Những năm qua, nhờ triển khai chương trình phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị hàng hóa hóa giai đoạn 2015 - 2020, huyện Phù Cừ đã đạt được những mốc "son vàng” mà nhiều địa phương mơ ước có được.
Cây cam góp phần làm giàu cho hàng trăm hộ nông dân huyện Phù Cừ |
Về xã Tam Đa vào những ngày đầu xuân, nhìn những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, những con đường làng rộng thênh thang rải bê tông bóng nhoáng, thật khó có thể hình dung khoảng 8 năm trở về trước, địa phương này vẫn một miền quê khó khăn, với nền sản xuất nông nghiệp dựa chủ yếu vào cây lúa và khu vườn tạp.
Anh Trần Công Vinh ở thôn Ngũ Phúc, xã Tam Đa là một trong những người đầu tiên chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây cam theo chủ trương của huyện Phù Cừ với diện tích gần 700m2. Đến nay, vườn cam của anh mỗi năm thu được hơn 1 tấn quả, trừ hết chi phí lợi nhuận thu được khoảng 180 - 200 triệu đồng (lãi gấp ít nhất 50 lần so với trồng lúa).
Không chỉ riêng anh Vinh, tất cả các hộ dân thuộc thôn Ngũ Phúc đều sử dụng diện tích trồng lúa trước đây để trồng cây có múi. Nông dân đổi đời từ đó. Có người nói vui rằng: "Nhà cửa, đường sá của chúng tôi đều xây từ hoa quả".
Theo báo cáo của UBND xã Tam Đa, đến nay, toàn xã có hơn 40ha cam gồm: Cam Vinh, cam Canh và cam Bố Hạ, doanh thu đạt 25 tỷ đồng/năm. Cây cam đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân trong xã, gấp nhiều lần so với cấy lúa. Còn tính trên địa bàn toàn huyện Phù Cừ, tổng diện tích trồng cam và cây có múi khoảng 150ha, trong đó có khoảng 100ha cho thu hoạch.
Từ “làn sóng” chuyển đổi đất lúa sang trồng cây có múi (theo quy hoạch của huyện), những tỷ phú nông dân tri thức đã xuất hiện. Điển hình là anh Hoàng Hữu Quốc, 38 tuổi ở thôn Hoàng Các, xã Tiên Tiến (cử nhân Đại học Bách khoa Hà Nội), từ bỏ công việc kinh doanh phụ tùng tô tô ở Hà Nội để về quê quản lý, phát triển trang trại trồng cam, nuôi cá quy mô 9ha.
Chàng trai này không ngừng cập nhật các kiến thức về công nghệ cao trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi. Dù không đơn giản nhưng anh đang nỗ lực để xây dựng trái cây của trang trại mình theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Lợi nhuận của trang trại Bống Vàng của anh Quốc trung bình các năm qua, trừ đi các chi phí còn trên 2 tỷ đồng/năm.
“Thế chân vạc” trong cơ cấu nông nghiệp
Bên cạnh cây có múi, hiện nay trên địa bàn huyện Phù Cừ có khoảng 500ha vải lai chín sớm (tại các xã Tam Đa, Minh Tiến, Tống Chân...), sản lượng khoảng hơn 8.000 tấn, giá trị thu khoảng 120 tỷ đồng.
Để xây dựng và phát triển thương hiệu vải lai chín sớm Phù Cừ (đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể), huyện đã cấp bao bì và tem thương hiệu cho các hộ dân sản xuất đúng tiêu chuẩn, qua đó quả vải đã có mặt tại rất nhiều siêu thị trên địa bàn Hà Nội.
Ông Nguyễn Xuân Thu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Cừ cho hay, để nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế cho người trồng vải, những năm gần đây các ngành, đơn vị chuyên môn như Sở NN-PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức các mô hình như "Thâm canh vải theo quy trình VietGAP", chương trình "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mở rộng mô hình thâm canh vải lai chín sớm"; "Ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ quản lý sâu đục quả vải lai chín sớm" theo phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), để theo dõi phòng từ sâu đục quả trên cây vải.
Theo nông dân xã Minh Tiến, ưu điểm nổi trội của vải lai Phù Cừ là vụ thu hoạch quả tươi cách xa vải chính vụ nên thường có giá rất cao (năm 2017, đầu vụ giá bán có thể lên tới 22.000 - 27.000 đồng). Dự kiến, giai đoạn 2016 - 2020, huyện Phù Cừ sẽ chuyển đổi 725ha đất lúa sang trồng vải (trong đó 505ha trồng vải lai chín sớm tại các xã phía Nam và 220ha trồng vải lai trứng tại các xã phía Bắc của huyện). Ngoài vải, toàn huyện Phù Cừ còn có khoảng 550ha nhãn, sản lượng 2.750 tấn, giá bán bình quân 20.000 đồng/kg, giá trị thu được từ cây nhãn là 55 tỷ đồng.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã manh nha xuất hiện mô hình nông nghiệp công nghệ cao, điển hình như mô hình trồng dưa trong nhà lưới của hộ ông Bùi Văn Phương tại xã Tống Trân (diện tích xây dựng 1.600m2 cho 4 nhà, trồng dưa lưới).
Nhiều mô hình mang lại kinh tế cao như trồng nghệ; mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình thâm canh giống sen mới kết hợp với nuôi trồng thủy sản (diện tích 5,89ha)... Đặc biệt, kinh tế trang trại có xu hướng phát triển nhanh, chủ yếu là trang trại chăn nuôi gia súc, trồng trọt; đến nay toàn huyện có khoảng 500 trang trại đang hoạt động; có trang trại thu lãi từ 1 - 2 tỷ đồng/năm.
Với cơ cấu SX nông nghiệp: Cây lương thực - Cây công nghiệp, rau màu củ quả - Chăn nuôi, thủy sản (30% - 30% - 40%), huyện Phù Cừ đã tạo lập được “thế chân vạc” trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Qua đó, hạn chế tối đa rủi ro, phát triển bền vững và hiệu quả cao. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện luôn đạt từ 3 - 4,5%. Năm 2017, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn huyện Phù Cừ đạt 977 tỷ đồng. |