Nơi tuyển chọn 'hoa khôi' cây trồng

Thoát khỏi hình bóng của một đơn vị cung ứng dịch vụ công thuần túy, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, phát triển nguồn nhân lực, trở thành trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và khảo nghiệm giống cây trồng.

Ít ai biết, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình là một trong tám điểm khảo nghiệm giống cây trồng quốc gia. Bởi, đánh giá đặc tính nông học của một giống giống cây trồng là việc rất khó, vừa đòi hỏi người thực hiện phải có chuyên môn sâu, vừa phải đầu tư cơ sở vật chất cực kỳ tốn kém.

10-36-04_kn-1
Khu khảo nghiệm giống cây trồng của Trung tâm Khuyến nông Thái Bình

Đã có thời, thị trường giống lúa ở Thái Bình nhộm nhoạm “vàng thau lẫn lộn”, Trung tâm Khuyến nông tỉnh được giao trách nhiệm quan trọng, đó là khảo nghiệm, tuyển chọn các giống cây trồng, vật nuôi. Qua đó, đề xuất cho tỉnh bổ sung vào cơ cấu cây trồng, vật nuôi mới đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Chọn giống lúa tốt, phù hợp với đồng đất của địa phương cũng như “đãi cát tìm vàng”. Ở Việt Nam, có hàng ngàn giống lúa, thế nên muốn khẳng định giống nào ưu việt nhất thì phải có vùng khảo nghiệm đủ rộng. Vì quỹ đất công của tỉnh hạn chế, bởi vậy cán bộ Trung tâm Khuyến nông phải tìm thuê 4ha ruộng ở xã Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ, sau đó đưa máy móc thiết bị san phẳng mặt ruộng, chỉnh trang kênh mương, thủy lợi nội đồng. Những con đường được trải thảm bê tông láng mịn để thuận tiện ứng dụng cơ giới hóa, dẫn khách tham quan.

Hàng trăm giống lúa (cả cũ và mới) của Việt Nam được quy tập về đây, mỗi giống được gieo cấy một ô rộng chừng 10m2, được ký hiệu rõ ràng bằng biển bảng (tên giống, ngày gieo cấy). Khi tập hợp thành một quần thể để mang ra so sánh, điểm tốt, điểm xấu của mỗi giống lúa đều được phô ra hết. Giống như tổ chức một cuộc thi hoa hậu, có hàng trăm cô gái lọt qua vòng sơ tuyển, nhưng chỉ có 1 người được đội vương miện.

Nhờ đó, trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã tuyển chọn, đề xuất được nhiều giống lúa triển vọng bổ sung vào cơ cấu sản xuất của tỉnh, như giống dài ngày 8865, Xi23, lúa lai Nhị ưu 838, Syn 6, HYT 100, HYT 108, CNR 02, Nam Dương 99..., lúa thuần:BC15, VS1, RVT, TBR 225, TBR 1...

Ông Nguyễn Thanh Phong – Trưởng phòng Khảo nghiệm (Trung tâm Khuyến nông Thái Bình) chia sẻ: Phòng khảo nghiệm có 7 cán bộ nhân viên, 100% trình độ đại học, trong đó có 2 đồng chí trình độ thạc sỹ. Mỗi năm, chúng tôi khảo nghiệm hàng trăm giống lúa khác nhau, trong đó cập nhật những giống lúa mới nhất. Qua tuyển chọn, đánh giá, những giống thích ứng tốt với điều kiện sinh thái của vùng ĐBSH sẽ được đề xuất, làm cơ sở để Bộ NN-PTNT công nhận giống quốc gia. Đây cũng là nơi sàng lọc để khuyến cáo bà con loại bỏ các giống lúa cũ thoái hóa, năng suất, chất lượng thấp và dễ nhiễm sâu bệnh khỏi cơ cấu giống của địa phương.

Ông Hà Quang Dũng, Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia, cho biết: Trung tâm Khuyến nông Thái Bình được đánh giá là một trong những đơn vị hoạt động xuất sắc trong lĩnh vực khảo nghiệm giống cây trồng. Bởi vậy, các báo cáo đánh giá và đề xuất của Trung tâm trong việc công nhận giống luôn được chúng tôi tin tưởng. Ngoài đầu tư cơ sở vật chất tốt, con người là yếu tố quyết định đến tính chính xác của kết quả khảo nghiệm giống. Vì vậy, tôi mong Trung tâm Khuyến nông Thái Bình sẽ chuẩn bị được đội ngũ kế nhiệm có trình độ năng lực chuyên môn về khảo kiểm nghiệm giống tốt để thực hiện nhiệm vụ này.

Từ các kết quả khảo nghiệm giống, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình triển khai ứng dụng và loại bỏ thành công nhiều giống lúa dài ngày, cấy bằng giống ngắn ngày. Đến nay toàn tỉnh cơ bản đã chuyển dịch cơ cấu giống ngắn ngày an toàn ứng phó với biến đổi khí hậu, không còn cảnh năm ấm mạ già lúa trỗ sớm năng suất thấp, năm rét chết mạ...

10-36-04_kn-2
Mỗi năm, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình thực hiện khảo nghiệm hàng trăm giống lúa mới

Nhiều công trình nghiên cứu của Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã được đánh giá cao. Điển hình như giải pháp “Ứng dụng đồng bộ các tiến bộ KHCN để nâng cao sức chống chịu cho cây lúa nhằm ngăn chặn và giảm thiểu nguy cơ thiệt hại do sâu bệnh gây ra, đặc biệt là bệnh lùn sọc đen hại lúa tại Thái Bình” đã đoạt giải Nhất hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12. Nếu giải pháp này được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh thì sẽ mang lại hiệu quả rất lớn, làm gia tăng trung bình khoảng 6 triệu đồng/ha (tương đương hơn 200 tỷ đồng/vụ đối với tỉnh Thái Bình).

Do chuyển dịch cơ cấu lao động trong ngành nông nghiệp, lao động nông thôn chuyển sang thành thị làm dịch vụ, vào khu công nghiệp nên thiếu lao động mùa vụ. Đơn vị đã chủ động nghiên cứu hoàn thiện quy trình gieo thẳng sạ hàng khuyến cáo cho nông dân áp dụng vào sản xuất. Đến nay toàn tỉnh Thái Bình đã áp dụng được trên 24.000ha cho vụ xuân và trên 12.000ha cho vụ mùa.

Chỉ tính riêng năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã khảo nghiệm cơ bản 349 lượt giống lúa thuần, lúa lai; 123 giống ngô, 11 giống lạc, 8 giống đậu tương và 27 lượt giống khoai tây mới. Xây dựng mô hình trình diễn giống lúa được 10 mô hình, 6 mô hình sử dụng phân bón mới.
MINH PHÚC/nongnghiep.vn