Nóng bỏng dồn điền đổi thửa: “Dân đồng thuận mới làm”

Nóng bỏng dồn điền đổi thửa: “Dân đồng thuận mới làm”
Nguyên tắc trong DĐĐT là thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tức là cấp ủy ra chủ trương, chính quyền xây dựng kế hoạch, phương án để dân tự bàn bạc, thảo luận và thống nhất. Dân chưa đồng ý thì chưa làm.
“Dồn điền đổi thửa (DĐĐT) là chủ trương đúng nhằm giảm chi phí sản xuất, tạo thêm thuận lợi cho hình thành vùng chuyên canh, tăng cường tình đoàn kết. Nhưng với cách làm nóng vội, tư lợi cá nhân, mất dân chủ đã xảy ra ở một số nơi trong thời gian qua thì các cơ quan quản lý cần phải xem xét, chấn chỉnh ngay”.

Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội Nông dân Việt Nam - TS Nguyễn Duy Lượng (ảnh). Trao đổi với NTNN, ông Lượng nhấn mạnh: DĐĐT là hoạt động dân sự tự nguyện nhưng vẫn phải thực hiện đúng các quy định về quản lý theo Luật Đất đai, các nghị định của Chính phủ. Chủ trương, kế hoạch DĐĐT đều do cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh, huyện, xã xây dựng, thực hiện và được hướng dẫn bởi các cơ quan chuyên môn như ngành NNPTNT, Tài nguyên và Môi trường. Phương án DĐĐT phải được đưa ra để người dân góp ý, thảo luận và nhất trí…
Xây dựng kênh mương nội đồng ở xã Nam Thắng (Tiền Hải, Thái Bình).
Xây dựng kênh mương nội đồng ở xã Nam Thắng (Tiền Hải, Thái Bình).

Thực tế, thời gian qua, ở một số địa phương đã xảy ra tình trạng, người dân rất bức xúc với cách làm DĐĐT của chính quyền địa phương, dẫn tới việc người dân liên tục khiếu kiện, phản đối. Theo ông, có những nguyên nhân nào khiến một số người dân không đồng tình một chủ trương đúng là DĐĐT?

- Nguyên tắc trong DĐĐT là thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tức là cấp ủy ra chủ trương, chính quyền xây dựng kế hoạch, phương án để dân tự bàn bạc, thảo luận và thống nhất. Dân chưa đồng ý thì chưa làm, dân còn có ý kiến thắc mắc thì chính quyền phải giải thích. Toàn bộ thông tin, dữ liệu về đất đai, phương án phải công bố công khai trước dân. 

Vừa qua, sở dĩ, tình hình phức tạp, dân khiếu khiện là bởi thông tin, dữ liệu về đất đai thiếu minh mạch, không công bố công khai cho dân biết, một cán bộ cấp xã, cấp thôn có hành vi giấu diện tích, dùng thủ đoạn để bố trí ruộng có vị trí tốt, thuận lợi cho gia đình, anh em họ hàng. Hành vi đó đã làm rạn nứt tình đoàn kết cộng đồng, gây bức xúc giữa người dân với chính quyền. 

Các vụ việc phức tạp liên quan đến DĐĐT ở một số huyện của Hà Nội vừa qua mà Báo NTNN đã phản ánh cho thấy cán bộ thực hiện không đúng quy trình, không dân chủ như chuyển dịch hệ số K để trục lợi, biên bản họp dân bị sửa chữa, làm sai lạc thông tin, số liệu… Tình hình khiếu kiện trong DĐĐT diễn biến nóng còn do tình trạng quản lý đất đai trước đây yếu kém, bị buông lỏng, cán bộ xà xẻo đất công nên khi thực hiện DĐĐT thì tìm cách đối phó, biến báo…

Liên quan đến Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, việc DĐĐT trong thời gian qua ở địa phương này có chiều hướng nóng vội, ở một số nơi người dân chưa đồng tình vẫn cứ DĐĐT. Ông có cho là như vậy?

- Ý kiến này tôi cho là có một phần xác đáng. Khác với nhiều địa phương, Hà Nội mạnh dạn ban hành cơ chế thưởng, cơ chế hỗ trợ trong DĐĐT, trong đó có hỗ trợ kinh phí tổ chức thực hiện, họp dân… Cơ chế hỗ trợ là động lực rất tốt, nhưng tại một số địa phương đã có dấu hiệu cố làm DĐĐT để được nhận hỗ trợ, chạy theo thành tích để không bị phê bình, được bằng với thôn trên, xã dưới. 

Điều này là trái với nguyên tắc làm đúng, làm khéo, trái với mục đích đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu trong DĐĐT. Chính vì làm ẩu, không khéo nên đã xuất hiện xu hướng cưỡng chế, hình sự hóa một hoạt động dân sự tự nguyện. Chỉ cần 1 thôn, 1 xã làm ẩu, để lại tiếng xấu thì sẽ ảnh hưởng tới tiến trình DĐĐT ở thôn, xã khác. 

Nhiều địa phương lấy cớ, phải DĐĐT nhanh để có thể tổ chức sản xuất hàng hóa lớn. Thực tế cho thấy, có nơi sau khi hoàn thành công việc trên hình thức tổ chức sản xuất vẫn không mấy thay đổi?

- Việc lấy cớ là để nhanh chóng hình thành vùng sản xuất lớn, chuyên canh, hoàn thành xây dựng NTM để cố DĐĐT bằng mọi giá là cách nghĩ, cách làm chủ quan. Sản xuất lớn, vùng chuyên canh không thể hình thành ngay sau DĐĐT mà nó còn liên quan đến các yếu tố khác như tổ chức lại sản xuất, trình độ tay nghề, kỹ năng của ND, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, xây dựng thị trường tiêu thụ, dịch chuyển lao động…

"Cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ở tất cả các khâu trước, trong và sau khi DĐĐT. Thời gian qua, công tác này chưa được chú trọng, đầu tư đúng mức nên để xảy ra các hiện tượng tiêu cực. Ngoài ra, cần quán triệt nguyên tắc, DĐĐT không thể vì chạy theo thành tích mà gượng ép làm bằng mọi giá, không đưa sự việc theo hướng hình sự hóa…”.
TS. Nguyễn Duy Lượng

Thêm vào đó, nếu hoàn thành DĐĐT thì cũng chưa thể đi lên sản xuất lớn ngay được vì bản chất ruộng đất sau DĐĐT vẫn là quy mô nông hộ… Đổ kinh phí, nhân lực, vật lực để cố DĐĐT nhưng sau đó thu nhập của ND không cải thiện đáng kể, chuyển dịch cơ cấu lao động, ngành nghề chậm thì hiệu quả không như mong muốn. Lợi ích sau DĐĐT không tương xứng với kinh phí bỏ ra để thực hiện…

Muốn làm DĐĐT thuận lợi chính quyền địa phương cần phải công khai, minh bạch chủ trương, khi nào dân đồng thuận mới làm. Song cũng có nơi vì lợi ích này khác đã biến việc DĐĐT thành lợi ích cá nhân. Để hạn chế tình trạng này chúng ta cần phải làm gì?

- Trước hết, cần phải rà soát, đánh giá kết quả thực hiện DĐĐT ở các địa phương, điểm nào được, điểm nào chưa được, từ đó đưa ra một quy chuẩn khung về cách thức tổ chức thực hiện. Các ngành liên quan, các địa phương, nhất là cấp tỉnh, huyện cần xem xét lại công tác quản lý đất đai ở các xã, thị trấn. Tại những địa phương xảy ra tình hình phức tạp, khiếu kiện kéo dài, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc làm rõ trách nhiệm, kiên quyết xử lý những cán bộ tham ô, tư lợi trong DĐĐT để củng cố lòng tin của người dân. 

Xin cảm ơn ông!
 
Theo Danviet.vn