Nông dân Tuyên Quang "hái quả ngọt" nhờ lần đầu làm ... du lịch
- Thứ hai - 11/09/2017 10:24
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nằm cách bến thủy chưa đầy 1 km, ngôi nhà sàn của ông Hoàng Văn Tọng, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm trở thành lựa chọn của nhiều du khách khi muốn tìm địa chỉ nghỉ chân, ăn uống và chuẩn bị đồ dùng trước khi tham quan khu vực hồ sinh thái Na Hang. Ông Tọng bảo, khi khu vực hồ sinh thái Na Hang thu hút đông đảo khách du lịch, lượng khách nghỉ chân tại gia đình cũng ngày một tăng, gia đình ông quyết định vay vốn ngân hàng sửa lại ngôi nhà sàn truyền thống, chỉnh trang lại khuôn viên, đường đi lại... để tiếp đón khách du lịch.
Nhà sàn của gia đình ông Hoàng Văn Tọng, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâmđược chỉnh trang sẵn sàng đón khách.
Ông Tọng cho biết, từ năm 2014 đến giờ, giá dịch vụ ngủ lại qua đêm là 80.000 đồng/du khách, ăn trưa và tối đều với giá 80.000 - 100.000 đồng/người, tùy theo thực đơn, gia đình sẽ đáp ứng theo yêu cầu của du khách. Bên cạnh đó, để phục vụ du khách, gia đình ông sắm thêm hơn chục xe đạp cho khách du lịch thuê đi lại trong ngày với giá 30.000 đồng/ngày. Không tăng giá dịch vụ những ngày cuối tuần, dịp lễ, nên lượng khách lựa chọn gia đình ông để nghỉ ngơi luôn tấp nập. Ông tính sơ, những ngày cao điểm, gia đình đón tiếp trên 30 lượt khách.
Từ năm 2009, xã Thượng Lâm đã lựa chọn xây dựng Nà Tông thành Làng văn hóa du lịch cộng đồng với tiêu chí: Mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch, mỗi nhà dân là một nhà nghỉ cộng đồng để du khách có thể lựa chọn, tìm hiểu các giá trị văn hóa truyền thống, các phong tục, lễ nghi của đồng bào địa phương. Sự thức thời này, sau gần 5 năm, đã bắt đầu cho “quả ngọt”. Cả xã hiện có 6 hộ gia đình tham gia xây dựng mô hình du lịch cộng đồng Homestay, trong đó Nà Tông có 3 hộ gia đình là ông Hoàng Văn Tọng, Nông Thị Chung, Chẩu Thị Khuê; Nà Đông 3 hộ là Quan Thị Thúy, Quan Văn Hà, Quan Thị Nhạ.
Khai thác toàn diện
Ở cái tuổi thất thập, ông Chẩu Minh Vỹ, thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can vẫn không tin có ngày mình lại cùng con cháu chung tay làm du lịch ngay tại nhà mình. Ông Vỹ bảo, sau khi đi tham quan mô hình homestay ở Nà Tông, thấy các điều kiện để làm du lịch cộng đồng ở nhà mình đều có, ông về vận động con cháu cùng góp sức chỉnh trang lại nhà cửa. Ông Vỹ đếm từng đoàn khách đến nghỉ chân tại nhà mình, ông bảo, mới đi vào hoạt động từ sau tháng 6 năm nay, nhưng nhà ông đã đón 17 đoàn khách rồi, trong đó có 2 đoàn khách nước ngoài. Cứ mỗi đoàn khách đến, ông đều xin ý kiến đóng góp của mọi người để việc đón tiếp, phục vụ được chu đáo hơn.
Ông Vỹ lên kế hoạch sẽ cùng con cháu trồng một hàng hoa từ cổng vào thay cho bờ rào, nhà ông cũng vừa đưa 300 gốc rau bò khai - một trong những loại rau đặc sản của Lâm Bình vào trồng trong vườn nhà. Rồi chuyện nuôi lợn bí, nuôi gà thả vườn... cũng đã được ông tính tới. Ngay cả chuyện nấu món ăn truyền thống như bún Tày, thịt chua, gà xào măng chua... cháu trai ông là Chẩu Anh Thế cũng vừa học hỏi thêm từ những người có kinh nghiệm trong làng, vừa mày mò thêm trên Internet đáp ứng nhu cầu du khách. Mới đây, Thế đăng ký tham gia một lớp học về nấu ăn ở Na Hang để nâng cao tay nghề.
Nặm Đíp giờ có 5 mô hình homestay. Ông Nguyễn Văn Nhật, Bí thư Chi bộ thôn Nặm Đíp dí dỏm so sánh, “tây” thì chưa nhiều nhưng “ta” thì đã bắt đầu lựa chọn Nặm Đíp làm điểm dừng chân, khám phá rồi. Chi bộ thôn cũng vừa lấy ý kiến, quán triệt đến từng hộ gia đình trong thôn, dù chưa tham gia vào homestay nhưng gia đình nào cũng phải cam kết giữ gìn vệ sinh đường làng ngõ xóm, giữ an ninh trật tự. Mục tiêu của Nặm Đíp là cả thôn sẽ cùng tham gia làm dịch vụ, nhà ông Nhật là nhà thứ 6 sẽ hoàn thành và đón khách trong năm nay.
Bà Ma Thị Vanh, xã Khuôn Hà (người ngồi) giới thiệu với khách các sản phẩm thổ cẩm do bà tự dệt.
Chủ động tạo thêm điểm nhấn
Anh Hoàng Văn Thức, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lâm Bình chia sẻ, Lâm Bình vừa được UBND tỉnh công nhận 4 điểm du lịch cộng đồng, gồm: Nà Đông, Nà Tông (Thượng Lâm), Nặm Đíp (Lăng Can), Nà Muông (Khuôn Hà). Tại các thôn này đã có 15 hộ gia đình thức thời chỉnh trang nhà cửa tham gia homestay. Để các hộ gia đình có thêm kinh nghiệm, kiến thức thu hút, giữ chân khách du lịch, UBND huyện Lâm Bình tổ chức đưa các hộ gia đình đi tham quan một số điểm tại các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc phát triển tốt loại hình du lịch này như Mai Châu (Hòa Bình), Hà Giang...
UBND huyện cũng xây dựng kế hoạch sưu tầm các công cụ truyền thống, ưu tiên bài trí, giới thiệu tại 15 hộ gia đình này. Dù chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng nhiều công cụ có tuổi đời cả nửa thế kỷ nay như hòm quạt thóc, cung tên, ná, cối xay... tưởng như không còn xuất hiện trong đời sống thường nhật, vẫn được các hộ bảo tồn, lưu giữ gần như nguyên vẹn. Anh Thức bảo, Lâm Bình xác định, đây cũng là một điểm nhấn để khách du lịch nhớ về địa phương.
Chị Vũ Minh Châu, một khách du lịch đến từ Hà Nội dùng từ “hưởng thụ” khi nhắc đến thiên nhiên Lâm Bình. Chị Châu chia sẻ, đặt chân đến Lâm Bình là được “hưởng thụ” cả một không gian xanh: Từ màu xanh lá mạ của đồng lúa, xanh thẫm của núi rừng đến màu xanh lam của non nước, vẻ đẹp thiên nhiên Lâm Bình hiếm nơi nào có được. Nhưng theo chị Châu, nếu có chút quà quê mang về tặng anh em đồng nghiệp thì đỡ tiếc nuối hơn nhiều.
Hạn chế này của Lâm Bình cũng là điểm yếu của du lịch tại nhiều địa phương khác trong tỉnh. Theo anh Thức, Lâm Bình đang khuyến khích các hộ gia đình tham gia làm homestay và các hộ quanh khu vực lưu giữ và phát triển một số nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, khâu còn... Bên cạnh đó, huyện đã đưa vào trồng nhiều loại nông sản đặc sản của Lâm Bình như rau bò khai, rau ngót rừng, rau phắc dạ (giảo cổ lam)...
6 tháng đầu năm 2017, Lâm Bình thu hút trên 23.000 lượt khách du lịch, vượt kế hoạch cả năm gần 92%. Trong đó, bên cạnh trải nghiệm hồ sinh thái Na Hang, danh thắng Cọc Vài, thác Khuổi Nhi, hang Khuổi Pín, homestay Lâm Bình tuy mới hình thành, đi vào hoạt động nhưng đã có chỗ đứng riêng trong lòng du khách.