Nông dân cần được tập huấn, hướng dẫn

(Cổng ĐT HND)- Từ ngày 1/5/2019, nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường chính ngạch được áp dụng nhiều quy định mới liên quan đến chất lượng nông sản, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trong đó có hai yêu cầu quan trọng là có mã số vùng trồng (chứng nhận vùng sản xuất) và mã số cơ sở đóng gói.
Do đó, trong 6 tháng đầu năm, trong khi nhiều thị trường quan trọng như EU, Mỹ, Hàn Quốc… tăng trưởng khá, thì giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc đã giảm nhẹ.


Cụ thể, giá trị rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc là 1,46 tỷ USD, giảm 1% so với cùng kỳ 2018. Do Trung Quốc vẫn đang chiếm tới trên 70% giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam, nên dù chỉ giảm rất nhẹ, cũng đã ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng chung của xuất khẩu rau quả.


 Do bị siết đường biên mậu, nhiều mặt hàng rau quả tươi của Việt Nam đã gặp phải khó khăn lớn. Đồng thời nhiều doanh nghiệp và nông dân chưa kịp thích ứng với những yêu cầu mới của hải quan Trung Quốc về truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác… Đó là những nguyên nhân quan trọng làm giảm nhẹ giá trị xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc.


Nhưng điều đáng nói là trong khi xuất khẩu rau quả Việt Nam bị siết chặt đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, thì một lượng không nhỏ rau quả Trung Quốc lại vẫn đang đi đường tiểu ngạch để sang Việt Nam. Sáu tháng đầu năm nay, nếu như xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm nhẹ như đã nói ở trên, thì nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc lại tăng tới 54% và đạt khoảng 220 triệu USD.

 
Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, kể từ ngày 1/10 tới đây, Trung Quốc dự kiến áp dụng chứng thư đi kèm sản phẩm thực phẩm nhập khẩu vào thị trường này và cũng đưa ra biện pháp quản lý giám sát ghi nhãn thực phẩm xuất nhập khẩu đóng gói sẵn.


Riêng đối với Quảng Tây, kể từ ngày 1/4/2018, cơ quan kiểm dịch địa phương này cũng tiến hành giám sát chặt chẽ đối với những hoa quả nhập khẩu có bao bì không đủ thông tin về truy xuất nguồn gốc chất lượng hoa quả…

 
Theo Tiến sỹ  Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách, Chiến lược nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trung Quốc mới chỉ đưa ra những yêu cầu căn bản về hàng hóa, như chỉ định rõ doanh nghiệp sản xuất, địa điểm sản xuất, cơ sở đóng gói... Đây là những bước đầu tiên, doanh nghiệp nước ta phải làm được để tiếp tục xuất khẩu sang thị trường này.


Ông Sơn cho rằng, sự thống nhất giữa Nhà nước và nông dân là hết sức quan trọng. Nhà nước phải sớm định ra hệ thống về mã số cho các địa phương, ngành hàng và các loại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nông dân phải tham gia vào hệ thống này, bám sát diễn biến thị trường để sản xuất theo nhu cầu của người tiêu dùng. Chỉ khi làm được những điều đó, doanh nghiệp nước ta mới vượt qua được hàng rào xuất xứ, đưa hàng hóa vào thị trường Trung Quốc.
 

Để giúp nông sản Việt xuất qua Trung Quốc “suôn sẻ”, bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam cho biết, T.Ư Hội đã có hướng dẫn nông dân sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu trên của Trung Quốc.


Theo bà Thơm, yêu cầu của Trung Quốc là thách thức, nhưng cũng là cơ hội tốt cho cả doanh nghiệp và nông dân Việt Nam. Bởi, các hợp đồng mua bán, xuất nhập khẩu giữa 2 bên có tính pháp lý cao hơn, tránh rủi ro và thiệt thòi cho nông dân và doanh nghiệp Việt Nam.


Lãnh đạo T.Ư Hội Nông dân cũng cho rằng, đây cũng là cơ hội để thị trường nông sản ổn định, bền vững hơn, có điều kiện để xây dựng kế hoạch sản xuất lâu dài, ổn định ở trong nước, nông dân thoát khỏi tình trạng bị thương lái chi phối thị trường, ép giá.


Đối với nông dân, bà con cần xác định rõ, Trung Quốc không còn là thị trường “dễ tính” để chủ động trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Nông dân cần chuyển đổi tư duy sản xuất, khắc phục tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, tăng liên kết với các DN, xây dựng các chuỗi sản xuất.


Cùng đó, các cơ quan chức năng cần tổ chức  tập huấn, hướng dẫn về quy trình, thủ tục đăng ký mã vùng sản xuất, mã cơ sở đóng gói nông sản theo quy định. Mặt khác, cần vận động, hướng dẫn bà con sản xuất theo quy trình VietGAP, Global GAP, sản xuất theo hướng hữu cơ, bền vững…