Nông dân dạy nhau làm ăn

Nông dân dạy nhau làm ăn
Ở nông thôn không ai lạ gì với nuôi lợn, nuôi gà nhưng để am hiểu kỹ thuật nuôi đúng cách, hạn chế được dịch bệnh thì không phải ai cũng tường tận. Thời gian qua ở Hà Tĩnh đã có hàng ngàn nông dân “ôm sách” đi học nuôi lợn, chăm gà... từ các giảng viên chuyên nghiệp và những nông dân thành đạt.

 

“Làm ăn lớn thì phải học”

Chị Trương Thị Thủy- Chủ tịch Hội Nông dân (ND) xã Nam Hương, huyện Thạch Hà, cho biết: “Chưa bao giờ người ND lại thích đi học như lúc này, họ không phải đi học cho vui mà học để làm ăn lớn”. Theo ghi nhận của phóng viên NTNN, hiện ở xã Nam Hương, các hộ dân đã đầu tư xây dựng chuồng trại rất khang trang. 3 năm gần đây, tỉnh Hà Tĩnh chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, kêu gọi ND chăn nuôi liên kết, tỉnh và huyện hỗ trợ từ vốn đầu tư đến cơ sở hạ tầng chuồng trại. Ở Nam Hương đất đai rộng, tỉnh có chính sách hỗ trợ nông dân làm ăn lớn nên nhiều ND đã đầu tư làm chuồng trại với mong muốn chăn nuôi quy mô lớn.

 

Nong dan day nhau lam an
Nông dân tham gia lớp học thực hành tiêm phòng cho gà. H.A
 
Tuy nhiên, bập vào kinh doanh, các ND đều vỡ ra việc đầu tiên họ phải học kỹ thuật, hoạch định sản xuất. Trước nhu cầu này, 3 tháng đầu năm 2015, thông qua kênh Hội ND, xã đã tổ chức được 1 lớp học cho hơn 40 hội viên chăn nuôi gà. Học xong các hộ dân đều về vay vốn đầu tư ngay, hộ nuôi ít quy mô cũng từ 200-300 con gà/lứa, hộ nuôi nhiều thì liên kết với doanh nghiệp có quy mô trên 1.000 con/lứa. Đối với những hộ nuôi trên 1.000 con gà, ngoài được hỗ trợ vốn vay còn được hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ để xây dựng chuồng trại, xử lý chất thải, mua con giống.

 

Chị Nguyễn Thị Nga ở xóm 2 xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, tâm sự: "Sau khi tham gia lớp học, tôi được Hội ND xã đứng ra tín chấp giúp vay vốn ngân hàng để đầu tư mở rộng mô hình chăn nuôi từ 3 con lợn đơn lẻ lên 150 con/lứa. Đến nay, bình quân mỗi năm, gia đình tôi xuất chuồng khoảng 400 con lợn thịt, thu nhập trên 220 triệu đồng”.

Nông dân dạy nông dân

Trong một lần đi cùng giáo viên Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND thuộc Hội ND tỉnh Hà Tĩnh đến với bà con huyện Đức Thọ tham gia học nghề chăn nuôi, chúng tôi hết sức bất ngờ bởi bài giảng hết sức cuốn hút của một “giáo viên” là ND thực thụ. Theo lời của anh Nguyễn Tiến Anh-Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND Hà Tĩnh, “giảng viên” đó là ông là Nguyễn Bá Linh ở xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ. Ông là chủ trang trại chăn nuôi lợn với quy mô 600 con/lứa, mỗi năm doanh thu từ 2-3 tỷ đồng, lợi nhuận 250-300 triệu đồng.

“Ông Linh vừa là "giảng viên" trực tiếp, vừa thực hành, miệng nói tay làm để bà con làm theo. Những lần có ông Linh giảng dạy, buổi học nào cũng sôi nổi nhất là hỏi đáp tại lớp học. Thú thật am hiểu thực tế thì không ai qua được chủ trang trại đâu”- giáo viên Biện Văn Quảng (Phòng dạy nghề Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND Hà Tĩnh) tâm sự.

Theo anh Nguyễn Tiến Anh, hiện nay trung tâm đang lên đề cương xúc tiến để thuyết phục chính những chủ trang trại tham gia giảng dạy với vai trò là tập huấn viên cùng giáo viên trung tâm. Thời điểm này Hà Tĩnh có hơn 5.000 là chủ trang trại mô hình làm ăn hiệu quả. Đến thời điểm này trung tâm mới thuyết phục được 11 người là các chủ trang trại tham gia...

  Thống kê của Sở LĐTBXH Hà Tĩnh, năm 2014 đã có 184 lớp dạy nghề được tổ chức với 6.080 lao động nông thôn tham gia. Số lao động được đào tạo các nghề gắn với sản phẩm chủ lực của tỉnh, huyện chiếm trên 75%. Đặc biệt, trên 80% lao động sau đào tạo biết áp dụng kiến thức vào sản xuất. 
 
Hữu Anh
Theo danviet.vn