Nông dân hái "vàng" trên vùng đất "chết"

Nông dân hái "vàng" trên vùng đất "chết"
Những vùng đất cằn cỗi thuộc các xã Ea H’leo, Ea Tir (huyện Ea H’leo) một thời từng được ví như vùng đất “chết” bởi kén cây trồng, nhưng bằng quyết tâm biến “sỏi đá cũng thành cơm”, nhiều nông dân đã làm giàu trên chính mảnh đất này.

Gia đình anh Lê Văn Hậu ở thôn 2B (xã Ea H’leo) có 2 ha đất, trước đây chủ yếu trồng cây khoai mì và cây bắp, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao, nhiều khi còn mất mùa liên miên vì khô hạn. Qua tìm hiểu trên phương tiện truyền thông và đi học hỏi kinh nghiệm thực tế tại các nhà vườn ở miền Tây, anh Hậu nhận thấy cây mít da xanh siêu sớm và cây chanh là 2 giống cây trồng có khả năng chịu hạn tốt, thích hợp trồng trên đất cát, ra trái liên tục nhiều đợt trong năm. Vì vậy, năm 2013 anh quyết định đầu tư cải tạo lại toàn bộ 2 ha đất để trồng 1.000 cây mít da xanh siêu sớm, xen 600 cây chanh. Nhờ quá trình chăm sóc đúng kỹ thuật, đến nay vườn mít của gia đình đã cho thu ổn định đến năm thứ 3; mỗi tháng có 3 đợt thu hái, một cây mít cho năng suất từ 50-60 kg/tháng, với giá bán như hiện nay trung bình từ 30.000 - 40.000 đồng/kg. Riêng cây chanh, hằng năm gia đình anh thu hoạch trên 40 tấn, với giá bán ổn định tại vườn từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm cho gia đình anh Hậu thu nhập hàng tỷ đồng.

Mô hình trồng mít da xanh xen chanh của anh Lê Văn Hậu (thôn 2B, xã Ea H’leo, huyện Ea H'leo).
Mô hình trồng mít da xanh xen chanh của anh Lê Văn Hậu (thôn 2B, xã Ea H’leo, huyện Ea H'leo).
 
“Mạnh dạn đầu tư, năng động và thích ứng với diễn biến thị trường chính là những yếu tố quyết định thành công của người nông dân chúng tôi”. 
 
 Ông Hứa Văn Mộc (thôn 1 xã Ea Tir - huyện Ea H’leo)

Ea Tir là xã đặc biệt khó khăn với địa hình chủ yếu là đất pha sỏi đá, cằn cỗi. Trước đây, đời sống của người dân đa phần dựa vào việc đi làm thuê; có hộ trồng được cà phê, hoa màu nhưng năng suất rất thấp do điều kiện đất đai khắc nghiệt. Nhận thấy sả là loại cây dễ trồng, khả năng chịu hạn cao thích hợp với nhiều loại đất nên từ năm 2011, một số người dân đã ra tỉnh Tuyên Quang tìm hiểu và mua giống cây sả về trồng thử nghiệm. Sau thời gian trồng thực tế đem lại hiệu quả, các hộ dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây trồng sang trồng sả. Một trong những người tiên phong và đang thành công với mô hình này là ông Hứa Văn Mộc (thôn 1). Ông Mộc cho biết, trồng cây sả chi phí đầu tư rất ít, trồng một lần, cho thu 4-5 năm và không bị mất mùa như các cây trồng khác. Quy trình trồng sả rất đơn giản, khi bắt đầu trồng chỉ cần lên liếp hoặc xẻ rãnh đặt sả giống vào, các vụ tiếp theo cứ làm sạch cỏ xung quanh là cây sả phát triển tốt. Trung bình cứ 40 ngày cho thu hoạch một lần bằng cách cắt một lượt lá sả. Từ 1 sào trồng sả ban đầu, hiện ông Mộc đã canh tác 3 ha sả. Cùng với đó, ông duy trì trồng 1 ha sả giống và cung cấp trên 1 tấn giống mỗi năm cho người dân trong vùng với giá 26.000 đồng/kg và xây dựng được một lò sản xuất tinh dầu sả với chi phí gần 200 triệu đồng. Là một hộ kinh tế khó khăn nay ông Mộc đã vươn lên có cuộc sống khá giả với cơ ngơi khang trang.

Để tăng thêm thu nhập từ cây sả, gia đình chị Phùng Thị Lâm, thôn 1, xã Ea Tir đã xây dựng lò sản xuất tinh dầu sả.
Để tăng thêm thu nhập từ cây sả, gia đình chị Phùng Thị Lâm, thôn 1, xã Ea Tir đã xây dựng lò sản xuất tinh dầu sả.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ea H’leo Nguyễn Đình Hoạt, chuyện nhà nông làm giàu ở huyện Ea H’leo thực ra không ít, nhưng quá trình chịu khó tìm tòi, vươn lên làm giàu trên những vùng đất bạc màu, cằn cỗi của các nông hộ là tấm gương sáng về nghị lực vượt khó và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà nhiều người cần học hỏi.

Thùy Linh - Hoàng Ân/ Báo Đăklack