Nông dân mong chờ gì ở diễn đàn “Khơi nguồn nông sản Việt”?
- Thứ bảy - 13/10/2018 23:34
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Không phải là người đầu tiên trồng thanh long ruột đỏ ở đất Lập Thạch (Vĩnh Phúc) nhưng anh Nguyễn Văn Hoàng, sinh năm 1981, thôn Minh Sơn, xã Ngọc Mỹ lại gặt hái được khá nhiều thành công. Hiện, diện tích trồng thanh long ruột đỏ của gia đình anh Hoàng đạt 4ha, sản lượng 60 – 70 tấn/năm. Anh cũng là một trong những nông dân đầu tiên của miền Bắc xuất khẩu thanh long ruột đỏ sang thị trường EU.
Dù vậy, bản thân anh và nhiều nông dân khác đang rất lúng túng trong việc xây dựng thương hiệu cho nông sản của mình. “Vì vậy, tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 3, tôi mong những thắc mắc của tôi về vấn đề xây dựng thương hiệu nông sản, nâng cao giá trị cho sản phẩm sẽ được giải đáp, để tôi có câu trả lời cho hành trình sắp tới của mình” – anh Hoàng nói.
Ông Trịnh Văn Tiến ở thôn 12, xã Đông Sơn (TP.Tam Điệp, Ninh Bình) chăm sóc đàn nai, dê, ngựa.
Trong khi đó, nông dân Trịnh Văn Tiến ở thôn 12, xã Đông Sơn (TP.Tam Điệp, Ninh Bình) mong muốn có thêm lời giải về mô hình liên kết theo chuỗi mà mình đang thực hiện tại địa phương. Tuy mới thành lập được hơn 3 năm nhưng Hợp tác xã đặc sản Tam Điệp đã thu hút được khá đông thành viên tham gia, từ 13 thành viên ban đầu, đến nay, Hợp tác xã đã có 30 hộ tham gia, không chỉ tiêu thụ nông sản cho nông dân xã Đông Sơn mà còn mở rộng ra một số địa phương khác trên địa bàn TP.Tam Điệp.
Hiện HTX duy trì trên 3.000 con nuôi đặc sản, trong đó tập trung vào các con nuôi có giá trị kinh tế cao như hươu, nai, dê, lợn rừng, lợn cắp nách, ngựa, nhím… Bình quân mỗi năm, HTX xuất bán gần 40 tấn sản phẩm vật nuôi thương phẩm, doanh thu đạt trên 4 tỷ đồng, thu nhập bình quân mỗi hộ đạt từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm.
“Dù vậy, có thời điểm chúng tôi vẫn gặp khó khăn về đầu ra. Làm thế nào để chủ động phân phối, lưu thông sản phẩm là điều các thành viên HTX luôn trăn trở” – ông Tiến cho biết.
Các nông dân xuất sắc đều thích thú trước công nghệ của Vineco và mong muốn có được những mô hình liên kết như vậy. Ảnh: TQ.
Quan tâm đến những vấn đề vĩ mô hơn, ông Thái Minh Thức, ấp Cái Nai, xã Hoà Tân, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau lại mong muốn có được câu hỏi bao giờ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo hải sản Việt Nam về đánh bắt bất hợp pháp, không được quản lý, không khai báo sẽ được gỡ bỏ để tạo điều kiện cho nông dân yên tâm sản xuất.
Trong khi đó, ông Ngô Văn Tiên, xã Nam Giang, huyện Đắc Đoa, Gia Lai lo lắng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nông sản. Ông Tiên cho biết, thời gian qua, giá cà phê, hồ tiêu liên tục giảm, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều nông dân. Nếu không có giải pháp kịp thời cả trước mắt và lâu dài thì nhiều vùng chuyên canh cây công nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.
Vấn đề vốn cho sản xuất cũng được nhiều nông dân quan tâm. Nông dân Lã Văn Bắc, thôn Vinh Sơn, xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang nêu một thực tế, phần lớn nông dân tự sản xuất theo năng lực của từng gia đình, mạnh ai nấy làm và thiếu sự liên kết.
Đồng quan điểm, ông Bùi Việt Tín, thôn Mỹ Cang, xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cho biết, việc tìm kiếm nguồn vốn để nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân hiện rất khó khăn. “Tôi hy vọng câu hỏi về vốn sẽ được trả lời thỏa đáng” – ông Tín nói.
Ngoài ra, những vấn đề về tiêu thụ nông sản, chính sách đầu tư hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, chính sách thúc đẩy xuất khẩu cũng được nhiều nông dân quan tâm, mong muốn được các chuyên gia giải đáp ngay tại một diễn đàn được tổ chức cho nông dân, vì nông dân.
Được biết, Diễn đàn Nông dân quốc gia lần 3 với chủ đề: “Khơi nguồn nông sản Việt” do tập trung thảo luận, chia sẻ theo 3 chủ đề (phiên) đối thoại chính thức: Phiên 1 chủ đề “Tổng quan chợ nông sản Việt”; phiên 2 chủ đề “Cùng nông dân đi chợ”; phiên 3 có chủ đề “Đưa nông sản Việt ra chợ thế giới”. Tất cả những thắc mắc, câu hỏi của nông dân sẽ được giải đáp trực tiếp bởi các nhà quản lý, đại diện ngành chức năng, các chuyên gia uy tín ngay tại Diễn đàn.
Theo Dân Việt