Nông dân, ngư dân học nghề qua truyền hình

Nông dân, ngư dân học nghề qua truyền hình
“Ngư dân sử dụng máy móc gì để có thể bám biển dài ngày; Nông dân đầu tư vào cây gì, con gì để làm giàu. Tôi sẽ chỉ cho bà con nguồn tiêu thụ…”. Đó là nội dung buổi nói chuyện của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng tại Quảng Ngãi vào sáng 1-11 và được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV, sau khi đã thông báo rộng rãi cho hàng trăm ngàn ngư dân, nông dân đón xem.
Hàng trăm ngàn nông dân, ngư dân theo dõi qua truyền hình trực tiếp.

Trước 400 người tham dự tại hội trường Nhà Văn hóa Lao động, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng cho biết những thông tin mới: “Tôi đi sang Mỹ và bà con bên đó nói rằng người dân Việt Nam chúng ta đánh bắt giỏi, đóng tàu thuyền rất tốt, nhưng lại đầu tư đánh bắt xa bờ hoàn toàn sai lầm. Đó là chở ngàn cây đá ra biển đánh cá, khi đá tan chảy thì vội vàng quay vào bờ. Trong khi công nghệ ở Mỹ thì sử dụng máy sản xuất đá bằng nước biển và lắp sẵn trên tàu. Tôi đã giới thiệu mô hình này cho doanh nghiệp Quảng Ngãi mang về giúp bà con”.

Trong chiến lược phát triển từ nay đến năm 2025, tỉnh Quảng Ngãi xác định sẽ giữ ổn định 35.000 ha lúa (hiện là 38.800 ha); giảm tàu thuyền dưới 90 mã lực và tăng tàu có công suất trên 90 mã lực, giữ ổn định khoảng 4.500 tàu cá; sản lượng thủy sản đánh bắt hàng năm đạt 150.000 tấn.

Nhiều nông dân, ngư dân cho biết đã không rời màn hình để được nghe GS,TS Nguyễn Lân Dũng chỉ ra cách làm giàu.

Về việc bà con nông dân trồng cây gì, nuôi con gì để làm giàu, các mặt lợi hại của công nghiệp chế biến, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng đã giới thiệu rất nhiều mô hình giúp nông dân làm giàu và chỉ ra nơi tiêu thụ sản phẩm. Đó là trồng cây gấc để xuất khẩu sang Nhật Bản và Mỹ, bao nhiêu cũng mua hết.

Ông cũng giới thiệu đến nhân dân địa chỉ và mô hình trồng nấm vân chi có giá thành 800.000 đồng/kg; học hỏi mô hình nuôi chồn để thu cà phê chồn từ một nông dân Quảng Ngãi đang trở thành tỷ phú. Nông dân tỉnh Quảng Ngãi trồng rất nhiều mì, nhưng trồng quảng canh sẽ làm bạc màu đất, còn trồng thâm canh thì giữ được đất. Nếu các nhà máy sản xuất tinh bột củ mì không có công nghệ môi trường tốt thì tác hại vô cùng lớn cho môi trường vì nước thải rất độc hại…

 
Theo Baobienphong