Nông dân tham gia tổ hợp tác: Hỗ trợ đầu vào, yên tâm đầu ra

Nông dân tham gia tổ hợp tác: Hỗ trợ đầu vào, yên tâm đầu ra
Vài năm trở lại đây việc canh tác rau màu ở xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh, Ninh Bình) khá phát triển. Để các hộ trồng rau màu trao đổi kinh nghiệm làm ăn, thị trường tiêu thụ… Hội Nông dân (ND) xã đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản xóm 13.

Anh Phạm Văn Tuyến – Chủ tịch Hội ND xã cho biết, canh tác rau màu hiệu quả cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, đã thu hút nhiều ND tham gia. Tuy nhiên, do thiếu sự liên kết giữa ND và nhà doanh nghiệp nên dẫn tới tình trạng rau màu trồng ra bán nhỏ lẻ, bị tư thương ép giá.

Tăng năng lực sản xuất cho ND

Xuất phát từ yêu cầu về tổ chức sản xuất của các hộ canh tác rau màu, tháng 5.2013 Hội ND xã thành lập Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản xóm 13 (tổ hợp tác). Tổ hợp tác thành lập với mục đích giúp ND có điều kiện trao đổi, được tập huấn về kỹ thuật canh tác, quy trình sản xuất và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm an toàn.

Vợ chồng ông Phạm Văn Lai thu hoạch mướp.

Ông Hoàng Trọng Tuyến – Tổ trưởng tổ hợp tác cho hay: Ngày mới thành lập tổ có 26 tổ viên tham gia trồng rau màu với diện tích 10 mẫu. Vào mùa vụ, tổ hợp tác sinh hoạt 2-3 lần/tháng để các tổ viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn; giải đáp các thắc mắc xung quanh việc trồng rau màu.

Đến nay, tổ hợp tác đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với 3 công ty lớn ở Ninh Bình, Nam Định và Hà Nội. Thấy được lợi ích khi tham gia tổ hợp tác, ND tham gia ngày càng đông. Sau hơn 1 năm thành lập, đến nay số lượng tổ viên tăng lên 92 người với diện tích 60 mẫu canh tác rau màu các loại.

Làm ăn bài bản, thu nhập vững chắc

Tham gia tổ hợp tác ngay từ những ngày đầu mới thành lập, ông Phạm Văn Lai (58 tuổi) chia sẻ, ông gắn bó với nghề canh tác rau màu đã 10 năm. Trước đây, ông trồng xen canh 0,5 mẫu bí xanh, dưa chuột… để bán cho thương lái trong xã. Do thị trường không ổn định, giá cả thất thường nên thu nhập khá bấp bênh. “Tham gia tổ hợp tác, chúng tôi được ký hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm, được các công ty hỗ trợ một phần chi phí sản xuất như giống cây, phân bón, tre, nứa để làm giàn”.

Được hỗ trợ đầu vào, lại yên tâm về đầu ra nên ông Lai đã quyết định chuyển hết 1 mẫu trồng lúa sang chuyên canh trồng rau màu. Ngoài ra, ông còn tận dụng diện tích mặt ao làm giàn bí xanh, cải tạo vườn tạp trồng rau màu. “Làm ăn bài bản nên mỗi năm gia đình tôi thu lãi hàng trăm triệu đồng từ 1 mẫu này”- ông Lai thổ lộ.

Cách ruộng nhà ông Lai không xa là ruộng nhà ông Nguyễn Văn Dương với những giàn mướp, bí xanh lúc lỉu quả, thửa ớt chín đỏ cả vùng.

“Trước đây, tôi chỉ trồng 2 sào rau màu, thu nhập chẳng đáng là bao. Nhờ tham gia tổ hợp tác, tôi được hướng dẫn KHKT, hỗ trợ giống cây, phân bón, yên tâm nhất là rau màu không lo ế. Với 6 sào rau màu các loại, vụ hè thu năm nay, tôi cũng thu được trên 30 triệu đồng”- ông Dương bộc bạch.

  Tham gia tổ hợp tác, tổ viên phải tuân thủ các nội dung của hợp đồng đã ký kết với cơ sở thu mua rau màu như: Canh tác theo đúng diện tích đã đăng ký; tuân thủ thời gian ngừng bón phân và phun thuốc BVTV; trước khi thu hoạch từ 15 - 20 ngày, tổ viên phải thông báo cho cơ sở biết để cử người xuống lấy mẫu đi xét nghiệm, kiểm tra lượng tồn dư thuốc BVTV.

 

Theo Danviet.vn