Nông dân tham gia vào chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp bền vững
- Chủ nhật - 17/12/2017 09:27
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sáng 15.12, tại TPHCM đã diễn ra chương trình "Tổng kết và chia sẻ kinh nghiệm Dự án 4P" được tổ chức bởi Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV và Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế Việt Nam (IFAD) trong khuôn khổ Dự án Tăng cường quan hệ đối tác Nông dân – Tư nhân và Nhà nước (Dự án 4P).
Sự kiện nhằm tạo điều kiện thúc đẩy việc chia sẻ kinh nghiệm, thành quả từ các mô hình dự án, tăng cường cơ hội đầu tư trong quá trình triển khai dự án, và tạo ra một diễn đàn đối thoại về các vấn đề nổi cộm liên quan đến quan hệ đối tác Nông dân – Tư nhân và Nhà nước trong ngành nông nghiệp tại Việt Nam.
Diễn đàn đối thoại có sự tham gia của các đại biểu đến từ các Nhà tài trợ, Nhà đầu tư, Cơ quan quản lý nhà nước, Tổ chức phi chính phủ, Các doanh nghiệp, Các cơ quan nghiên cứu và trường đại học; Các dự án có liên quan và các cơ quan khác có liên quan.
Ông Nico Janssen - Giám đốc Chương trình 4P - SNV Việt Nam cho biết, dự án tăng cường quan hệ đối tác Nông dân - Tư nhân - Nhà nước (4P) là một dự án lớn, được tài trợ bởi IFAD, nhằm kết nối các lợi ích chung giữa các đối tác nông dân, tư nhân và nhà nước. Dự án 4P đã được thực hiện tại 5 quốc gia bao gồm El Salvador, Senegal, Uganda, Mozambique và Việt Nam.
Ông Nico Janssen - Giám đốc Chương trình 4P - SNV Việt Nam phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Uyên Linh |
Sau 3 năm thực hiện, tại VIệt Nam có 39 doanh nghiệp nông nghiệp đã được tiếp cận, sàng lọc; trong đó có 06 doanh nghiệp đã được hỗ trợ xây dựng đề xuất kinh doanh/tiểu dự án và kết nối thành công xin vốn tài trợ với các dự án Thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long (AMD) tại tỉnh Bến Tre & Trà Vinh và Dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo (SRDP) tỉnh Quảng Bình với vai trò của cơ quan Nhà nước.
Một số mô hình chuỗi liên kết hợp tác Doanh nghiệp – Nông dân – Nhà nước đã được hỗ trợ bao gồm chuỗi sắn tại Miền Trung và chuỗi dừa hữu cơ, chuỗi chế biến các sản phẩm từ dừa; chuỗi lá kiểng; chuỗi trái cây xuất khẩu và chuỗi trứng gà tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Dự án đảm bảo tất cả các đối tác đều có tiếng nói bình đẳng trong 4P, tất cả các nhu cầu và mối quan tâm đều được chú trọng. Đặc biệt, dự án chú trọng bổ sung nhân tố người nông dân trong việc xây dựng các liên kết, quan tâm đến nhu cầu của các hộ nông dân nhỏ, các hoạt động tập trung hỗ trợ cho người có thu nhập thấp. Trên thực tế, đã có 10.000 nông hộ tham gia vào dự án.
Ông Lê Văn Thơ, Giám đốc Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Long Giang Thịnh chuyên sản xuất tinh bột sắn và tinh bột sắn biến tính – 1 mô hình tiêu biểu của dự án 4P cho biết, khi thực hiện liên kết 4P, Công ty đã xây dựng được mô hình liên kết bền vững, đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định. Bên cạnh đó, nông dân trồng sắn cũng đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm với giá cả ổn định, không bị thương lái ép giá.
Mô hình liên kết trồng kiểng lá nghệ thuật cho người có thu nhập thấp của doanh nghiệp tư nhân Thanh lá nghệ thuật (Bến Tre) đã liên kết với hơn 600 hộ nông dân, chủ yếu là những người có thu nhập thấp, góp phần giải quyết vấn đề lao động địa phương, giúp bà con cải thiện nguồn thu, đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo.
Đại diện Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre chia sẻ mô hình liên kết 4P của công ty. Ảnh: Uyên Linh |
Tham gia dự án 4P từ năm 2016, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre với sản phẩm chế biến từ dừa đã tổ chức bao tiêu dừa trái của nông dân. Bên cạnh đó, còn giải quyết việc làm cho 410 công nhân, trong đó có 253 người là nữ và 69 người thuộc diện nghèo và cận nghèo.
Ông Nguyễn Văn Chọn, tổ trưởng tổ liên kết nông dân thuộc Công ty CP XNK Bến Tre phấn khởi chia sẻ: Từ khi kí kết hợp đồng với công ty, bà con nông dân trồng dừa không còn lo bị thương lái ép giá. Theo hợp đồng, nếu người nông dân thực hiện đúng cam kết trồng dừa hữu cơ của công ty, công ty sẽ thu mua với giá cao hơn giá thị trường từ 5-10%. Điều này đã trở thành động lực, khuyến khích bà con tham gia mô hình trồng dừa hữu cơ tại địa phương. Hình thành vùng nguyên liệu dồi dào, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Ngoài có nguồn thu ổn định, nông dân còn được hỗ trợ kỹ thuật, tham gia các buổi tập huấn bởi các chuyên gia, nhà khoa học nhằm nâng cao năng lực, tạo ra những sản phẩm chất lượng đạt tiêu chuẩn.
Diễn đàn đối thoại giữa đại diện các bên liên quan đến Dự án 4P. Ảnh: Uyên Linh |
Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Đình Dũng, đại diện Bộ NNPTNT cho biết, Nhà nước cũng có những chính sách hỗ trợ, thúc đẩy xây dựng mối liên kết trong phát triển nông nghiệp bền vững, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp và người nông dân hợp tác cùng có lợi.
Có thể nói, sau 3 năm triển khai, dự án 4P đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Với những lợi ích thiết thực của dự án 4P, mối liên kết giữa các đối tác đã trở nên chặt chẽ hơn, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp bền vững.
Thùy Dung/nongthonviet.com