Nông dân thu hơn 10 tỷ đồng nhờ trồng ngô cho trại bò Úc

Nông dân thu hơn 10 tỷ đồng nhờ trồng ngô cho trại bò Úc
Vụ đông sớm 2016, Nghi Lộc trồng 350 ha ngô. Hiện bà con đang bước vào mùa thu hoạch bán cho trang trại bò Úc. Ước tính năng suất đạt 30 tấn/ha, với giá bán 1.000 đồng/kg, vụ đông sớm này nông dân Nghi Lộc thu về trên 10 tỷ đồng từ bán ngô.

Để đáp ứng nhu cầu thức ăn chăn nuôi của trang trại bò Úc đóng trên địa bàn xã Nghi Lâm, từ năm 2014 đến nay, huyện Nghi Lộc chuyển đổi, mở rộng diện tích trồng giống ngô đỏ (còn gọi là ngô sinh khối) bán cho trại bò Úc. Trong đó, Nghi Lâm là địa phương có diện tích trồng ngô sinh khối nhiều nhất huyện, với 100 ha.

Ông Phan Văn Hiếu - Chủ tịch UBND xã Nghi Lâm cho biết: “Đối với xã Nghi Lâm, trang trại bò Úc đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngô sinh khối cho nông dân. Do đó, năm trước chúng tôi chỉ trồng ở các xóm 4, 5, với 80 ha, nhưng vụ đông này chúng tôi mở rộng thêm xóm 12 và 13 lên 100ha. Ước  tính năng suất ngô vụ đông này đạt 30 tấn/ha. Như vậy, vụ đông sớm 2016 này nông dân Nghi Lâm thu về 3 tỷ đồng từ việc bán ngô sinh khối cho trang trại bò Úc”.

Chị Phạm Thị Lực ở xóm 14 sản xuất 5 sào ngô sinh khối qua 75 ngày thu về 7.500 ngàn đồng (7)
Chị Phạm Thị Lực ở xóm 14 sản xuất 5 sào ngô sinh khối, sau 75 ngày thu về 7,5 triệu đồng.

Theo nông dân, trồng bán ngô sinh khối có nhiều cái “được”: rút ngắn thời gian mỗi vụ bởi trồng ngô sinh khối chỉ 75 ngày cho thu hoạch; mật độ trồng dày hơn, năng suất cao hơn và không phải lo đầu ra. Trồng ngô sinh khối có thể sản xuất được 3 vụ ăn chắc trong năm. So sánh với trồng khoai, trồng lúa trước đây, trồng ngô sinh khối hiệu quả kinh tế tăng tăng gấp đôi.

Chị Phạm Thị Lực xóm 14 xã Nghi Lâm cho biết: “Trước đây, do đất cao không chủ động được nước nên mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ khoai hiệu quả kinh tế rất thấp. Năm nay, địa phương vận động trồng ngô nên gia đình chuyển sang trồng 5 sào ngô, ước đạt  được 7,5 tấn ngô sinh khối. Vụ đông sớm này gia đình tôi thu về khoảng 7,5 triệu đồng.

Vận chuyển ngô về trang trại.
Vận chuyển ngô về trang trại.

Không những Nghi Lâm, hiện nay, các xã vùng bán sơn địa như Nghi Văn, Nghi Kiều, Nghi Mỹ, Nghi Đồng, Nghi Hưng, Nghi Phong - những địa bàn thường khô hạn, thiếu nước trồng trọt cũng đã chuyển đổi diện tích lúa trước đây sang trồng ngô thu hoạch cây. Trung bình mỗi hộ trồng từ 2 - 5 sào. Giống ngô đỏ cung cấp thức ăn cho bò được bà con trồng là các giống CT888, CT919, CT999, CT989… Các giống ngô này có ưu điểm nổi trội là thời gian sinh trưởng ngắn (75 ngày), ngắn hơn ngô hạt 1,5 tháng; mật độ cây cao hơn, năng suất sinh khối cao. Thực tế, nông dân rất hưởng ứng chuyển đổi sang trồng ngô cây để cung cấp cho trang trại bò Úc.

Trang trại chăn nuôi bò Úc vỗ béo ở xã Nghi Lâm đang phát triển khá nhanh, với tổng đàn hiện có trên 6.000 con (tăng 3.000 con so với năm ngoái)  Ngoài thu mua sản phẩm từ ngô cây, tạo đầu ra ổn định, giá trị kinh tế cao cho người dân trên địa bàn, trang trại bò Úc còn cung cấp số lượng lớn phân chuồng, tạo điều kiện cho nông dân trong sản xuất; giảm chi phí đầu tư và tăng hiệu quả cây trồng.

Chế biến ngô cây chăn nuôi bò Úc.
Chế biến ngô cây làm thức ăn cho bò Úc.

Sự phát triển của trang trại bò Úc đã mở ra cho nông dân vùng bán sơn địa ở Nghi Lộc hướng phát triển kinh tế mới. Ông Nguyễn Xuân Quang - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Vụ đông sớm này Nghi Lộc trồng 350 ha ngô sinh khối. Với hình thức thức thu hoạch ngô cây cung ứng cho trang trại bò Úc đã  mở ra cho huyện hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng chống hạn cho khu vực các xã phía Tây Nghi Lộc, vùng bán sơn địa thường thiếu nước sản xuất. Do vậy, ngành nông nghiệp tuyên truyền bà con chuyển đổi những diện tích đất thường khô hạn không chủ động nguồn nước sang trồng ngô sinh khối.”

                                                                                      Theo Thu Hiền/Báo Hà Tĩnh