Nông dân xứ Lạng hé lộ chiêu ép na ra trái sai “phát hờn” đầu đông
- Thứ bảy - 26/10/2019 03:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Làm na trái vụ
Trồng na gối vụ, giữa mùa đông lạnh giá mà quả sai "phát hờn"- đó là cảm nhận của nhiều người, nhiều du khách khi đặt chân đến Ải Chi Lăng (Lạng Sơn). Những trái na to tròn, chi chít quả mọc ra từ cành và thân khiến không ít người ngạc nhiên, tò mò.
Mỗi năm người trồng na thu hoạch 2 vụ, có thêm thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng, cuộc sống ngày càng khấm khá.
Người tiên phong trong việc thụ phấn cho na và trồng na trái vụ ở Chi Lăng là ông Mã Văn Lét ở thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng. Ông Lét cho biết: "Kỹ thuật thụ phấn cho na giúp tăng năng suất và hiệu quả kinh tế cho người trồng. Tuy nhiên quá trình thụ phấn cũng đòi hỏi người làm tỉ mỉ, có kỹ thuật thì hiệu quả trên 90%".
Trên một cây na, có lứa quả đang thu hoạch và cả những cành nuôi quả nhỏ, đang ra hoa. Với cách xử lý cho na ra 2 vụ, lão nông Mã Văn Lét có nguồn thu không nhỏ. Suốt 4 năm qua, vườn na rộng hơn 2ha của gia đình ông cho thu nhập đều đều 1 năm 2 vụ. Ông Lét chia sẻ, na trái vụ bán được giá hơn so với na chính vụ, năng suất cũng không kém.
Với những kiến thức, hiểu biết của bản thân cùng với kinh nghiệm học hỏi được từ những buổi tham quan vùng trồng na Đông Triều (Quảng Ninh) ông Lét đã áp dụng có hiệu quả, đồng thời hướng dẫn lại cho bà con. Từ việc đơn giản như dùng xi lanh, ống nhựa lấy phấn ở hoa to, thụ phấn cho nhiều bông hoa na khác, hay khó hơn như chọn thời điểm nào, đốn ngọn, tỉa cành, tuốt lá ra sao để hoa nở cả trong mùa hè và mùa thu để từ đó làm na trái vụ tăng năng suất cây trồng.
Ông Lét cũng là một trong số nông dân tiên phong trong việc đưa cây na lên núi đá nhiều nhất xã Chi Lăng. 2.000 cây na của ông rải rác, xen kẽ giữa những tảng đá cao.
Ông Mã Văn Lét, thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng là người sáng tạo và tiên phong làm na trái vụ nhờ đó mỗi năm gia đình ông có thêm thu nhập vài trăm triệu đồng.
Nói về kỹ thuật chủ động thụ phấn na, ông chia sẻ: “Rất khoa học, không phải cây nào tôi cũng bắt ra trái 2 vụ. Tôi chỉ tác động những cây khỏe, những cây năm trước cho một vụ quả, nhằm dưỡng cây lâu dài. Tôi “điều khiển” mỗi cây chỉ ra từ 10 - 15kg quả/vụ để trái to đều”.
Vì thế, na nhà ông Lét cũng luôn bán cao hơn chợ từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, cho ông tiền tỷ mỗi năm. “Năm nay, tôi dành trên 500 cây để làm na gối vụ. Trung bình mỗi cây thu được 15 - 20 kg quả bán với giá bình quân trên 35.000/kg tôi cũng có thu nhập kha khá. Quả na vụ gối có nhiều ưu điểm như không bị rám nắng nên mẫu mã luôn sáng, đẹp. Na mùa này ăn cũng ngon hơn, ngọt dịu hơn vụ chính. Chính vì vậy, cứ đến thời điểm thu hoạch tôi không bao giờ phải mang đi bán bởi thương lái đã đặt, thậm chí còn thanh toán tiền trước”, ông Lét cho hay.
Những thúng na trái vụ quả to tròn xếp chồng lên nhau như những ngọn núi trùng điệp trên dãy núi Cai Kinh- nơi trồng bạt ngàn màu xanh của na dai núi đá.
Ước tính, vụ na gối này, trừ chi phí gia đình ông thu về hơn 200 triệu đồng, hiệu quả hơn na vụ chính bởi theo ông Lét những cây na gối vụ sẽ cho quả từ thân cây, khác hẳn với na vụ chính, quả được thu từ ngọn và cành.
Tăng thêm thu nhập
Thời điểm này đi về qua Ải Chi Lăng, những gánh na trái vụ bày bán dọc đường nhiều không khác gì chính vụ. Cô Trịnh Thị Hồng, người dân trồng na thôn Quán Thanh cho biết: “Của nhà làm ra đã đến mùa thu hoạch nên tôi tranh thủ cắt na ra đây ngồi bán cho khách đi đường. Năm nay na trái vụ được mùa, quả to đều nên cũng được giá. Trung bình giá từ 35.000 – 50.000/kg tùy vào kích cỡ quả. Có những trái to bán với giá cao hơn”.
Cô Trịnh Thị Hồng phấn khởi gánh 2 thúng na từ nhà ra Ải ngồi bán cho khách đi đường qua lại mua na thưởng thức.
Được biết, thời điểm thu hoạch rộ na chính vụ từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8, còn na gối vụ sẽ cho thu hoạch từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 12.
Thời điểm thu hoạch na chính vụ từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8, còn na gối vụ sẽ cho thu hoạch từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 12. Vì vậy na vụ gối dễ tiêu thụ và được giá cao do nhu cầu của người tiêu dùng lớn hơn nguồn cung hiện có
Là người buôn bán na chính vụ và trái vụ nhiều năm, bà Phạm Thị Hạnh cho biết: Có ngày tôi bán được đến 2 tạ na, khách hàng chủ yếu là khách du lịch các tỉnh như: Hà Nội, Nam Định… và khách du lịch Trung Quốc.
Giữa tháng 10, vụ na trái vụ cho thu hoạch cũng là lúc các sạp bán na ngay Ải Chi Lăng lại nhộn nhịp khách thưởng thức và mua na làm quà.
Ông Lương Đình Chung, Trưởng phòng NNPTNT huyện Chi Lăng cho biết: Huyện Chi Lăng có thế mạnh về sản xuất na, tổng diện tích na toàn huyện hiện là 1.800 ha, trong đó có 1.650 ha đã cho thu hoạch. Năm 2019, huyện Chi Lăng mở rộng thêm 50 ha diện tích trồng na VietGAP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm na của địa phương. Sản lượng na năm 2019 tăng thêm 500 tấn, nâng sản lượng vụ na trên toàn huyện lên trên 16.500 tấn, mang lại giá trị kinh tế khoảng 650 - 700 tỷ đồng.
Nhờ sáng kiến của người dân, ngoài làm na chính vụ người trồng na ở đây còn làm na trái vụ. Mỗi năm người trồng na thu hoạch 2 vụ nhờ vậy cũng có thêm thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng, cuộc sống người dân ngày càng khấm khá hơn.