Nông nghiệp ĐBSH: Tập trung giải pháp hỗ trợ ngành chăn nuôi lợn

Nông nghiệp ĐBSH: Tập trung giải pháp hỗ trợ ngành chăn nuôi lợn
Ngoài công việc phòng chống dịch bệnh được ưu tiên hàng đầu thì công tác kết nối, hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn cho người chăn nuôi cũng là cách hiệu quả để giảm sức lây lan dịch.

ải Phòng mở thêm 7 quầy thịt lợn an toàn tại An Dương

cho-thit-an-toan-xa-dang-cuong-1.jpg
Các chợ thuộc dự án Lifsap huyện An Dương, Hải Phòng bắt đầu bán thịt lợn an toàn từ ngày 5/5. (Ảnh: Nguyễn Huân)

Sau khi mở thành công chuỗi cửa hàng bán thịt lợn an toàn tại huyện Kiến Thụy ngày 9/4, TP. Hải Phòng tiếp tục mở thêm các chuỗi của hàng thịt lợn an toàn tại huyện An Dương nhằm hỗ trợ người chăn nuôi và tiêu dùng, giảm thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Phó Chủ tịch UBND huyện An Dương, ông Nguyễn Trường Sơn cho biết, bắt đầu từ ngày 5/5, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh động vật huyện An Dương sẽ lần lượt mở 7 quầy bán thịt lợn an toàn tại các chợ được đầu tư từ Dự án Lifsap để tiêu thụ thịt lợn đến kỳ xuất bán của các hộ chăn nuôi, gia trại, trang trại trên địa bàn huyện.

Cụ thể, 7 chợ được đầu tư từ Dự án Lifsap tại huyện An Dương gồm: Chợ Minh Kha (xã Đồng Thái), Tri Yếu (xã Đặng Cương), Rế (thị trấn An Dương), Vĩnh Khê (xã An Đồng), Hoàng Lâu (xã Hồng Phong), Ngọ Dương (xã An Hòa) và chợ Hỗ (xã An Hưng).

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng Bùi Văn Luyện cho biết, khác với huyện Kiến Thụy là mỗi xã tổ chức một quầy bán thịt lợn an toàn, huyện An Dương lựa chọn hệ thống chợ và cơ sở giết mổ theo Dự án Lifsap để tiến hành yêu cầu cả chợ cùng bán các sản phẩm thịt lợn ăn toàn được chăn nuôi tại các vùng quy hoạch VietGAHP nên quy mô và sản lượng tiêu thụ tốt hơn rất nhiều.

Theo chia sẻ của ông Bùi Văn Luyện, chính việc tiêu thụ thịt lợn chậm cũng là một nguyên nhân khiến dịch tả lợn châu Phi lây lan và bùng phát nhanh hơn do lợn bị ùn ở tại chuồng với mật độ quá đông. Do đó, ngoài công việc phòng chống dịch bệnh được ưu tiên hàng đầu thì công tác kết nối, hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn cho người chăn nuôi cũng là cách hiệu quả để giảm sức lây lan dịch.

Hưng Yên: Hỗ trợ tiêu thụ lợn thương phẩm an toàn

Ngày 9/5, UBND tỉnh có văn bản số 1016/UBND – KT2 về hỗ trợ tiêu thụ lợn thương phẩm trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh; Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh; các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tiêu thụ thịt lợn an toàn, không “quay lưng” lại với thịt lợn để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở chăn nuôi. Toàn tỉnh phát động phong trào hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn an toàn trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị, địa phương, cơ sở. Vận động mỗi người mua hỗ trợ tối thiểu từ 10kg thịt lợn hơi trở lên. 

UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc tiêu thụ lợn thương phẩm khỏe mạnh, an toàn; khẩn trương chỉ đạo thống kê số lượng lợn thương phẩm khỏe mạnh, an toàn cần tiêu thụ, ưu tiên hỗ trợ tiêu thụ cho các trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô lớn; lập danh sách các cơ sở, hộ giết mổ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, có đủ năng lực, sẵn sàng phục vụ giết mổ khi các đơn vị có nhu cầu mua thịt lợn tại địa phương.

Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các xã, phường, thị trấn thông báo rộng rãi về giá lợn hơi an toàn trên địa bàn; định kỳ hàng tháng tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo UBND tỉnh qua Sở Công Thương… Các ban, sở, ngành, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, cung cấp thông tin về lợn thương phẩm khỏe mạnh, an toàn cho các đơn vị có nhu cầu hỗ trợ tiêu thụ; lập danh sách các đơn vị cấp tỉnh đăng ký hỗ trợ tiêu thụ; phân công cán bộ phối hợp, hỗ trợ kiểm tra, xác nhận lợn thương phẩm khỏe mạnh, an toàn tại các trang trại, gia trại và thực hiện kiểm soát giết mổ tại các cơ sở giết mổ…

Vĩnh Phúc: Tập trung khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi

1_13.jpg
Cán bộ thú y phường Nam Viêm, thành phố Phúc Yên phun thuốc phòng dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: Nguyễn Lượng)

Chỉ đạo quyết liệt nhằm ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) phát sinh, lan rộng; kịp thời khoanh vùng, tiêu hủy lợn mắc bệnh theo đúng quy định; giám sát chặt chẽ việc lập các chốt kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn, không để xảy ra tình trạng tiêu thụ lợn ốm, chết; hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy; tái cơ cấu đàn lợn… Đó là những biện pháp đã và đang được các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quyết liệt triển khai nhằm chặn bệnh DTLCP lây lan ra diện rộng.

Với phương châm “Hộ giữ hộ, xã giữ xã, huyện giữ huyện”, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, xử lý ổ dịch theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT và của tỉnh.

Ông Nguyễn Minh Trung, Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên cho biết: Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, huyện ban hành 20 văn bản về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh DTLCP; xây dựng kịch bản sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xuất hiện; tổ chức 13 lớp tập huấn cho trên 1.300 lượt hộ chăn nuôi lợn vừa và nhỏ tại 13 xã, thị trấn về cách nhận biết và biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống bệnh DTLCP trên các phương tiện thông tin chúng để các tổ chức, cán bộ, đảng viên, nhân nhân hiểu đầy đủ và tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh. 

Với quyết tâm ngăn chặn không để bệnh DTLCP lây lan rộng, những ngày qua, UBND thành phố Vĩnh Yên chỉ đạo các xã, phường, đặc biệt là địa phương có dịch thành lập các chốt kiểm soát tình hình vận chuyển lợn ra, vào địa bàn; thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch và phòng, chống dịch bệnh; phun khử trùng tiêu độc toàn bộ môi trường khu vực chăn nuôi và các khu vực liền kề. 

Để ngăn chặn, khống chế bệnh DTLCP lây lan, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo các thôn, tổ dân phố trong cùng đơn vị cấp xã có kết quả xét nghiệm dương tính bệnh DTLCP tiêu hủy toàn bộ số lợn của hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có biểu hiện triệu chứng lâm sàng của bệnh DTLCP hoặc lợn chết không rõ nguyên nhân và xử lý ổ dịch theo quy định. Đối với gia trại, trang trại quy mô lớn, nhiều ô chuồng, dãy chuồng thì xử lý tiêu hủy toàn bộ số lợn trong ô chuồng có lợn bệnh; tiếp tục giám sát các ô chuồng khác, nếu có lợn chết, ốm có biểu hiện triệu chứng lâm sàng của bệnh DTLCP thực hiện ngay việc tiêu hủy mà không cần thiết phải lấy mẫu xét nghiệm; các ô chuồng không có lợn ốm bệnh, có thể tiếp tục nuôi hoặc giết mổ tiêu thụ tại vùng dịch đã được công bố. Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý chặt chẽ việc giết mổ lợn của các hộ này theo quy định; việc xử lý chôn lấp lợn phải đảm bảo yêu cầu tiêu diệt được virut DTLCP và theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT…

Về tái cơ cấu đàn lợn, đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo đến người chăn nuôi lợn thực hiện chọn lọc, phân loại, lựa chọn những con lợn nái, lợn đực giống tốt nhất trong đàn, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp ngăn chặn bệnh DTLCP theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT để phục vụ sản xuất lợn giống, khôi phục sản xuất chăn nuôi sau đợt dịch. Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng dịch, đẩy nhanh xuất chuồng khi lợn thịt đến tuổi xuất chuồng. Không tăng quy mô, số lượng đầu lợn trong thời gian có bệnh DTLCP. Tại các vùng đã được công bố hết bệnh DTLCP thực hiện tái đàn theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT.

Thanh Hóa: Thu 2,5 tỷ đồng/tháng từ dịch vụ chăn nuôi gà ta

177d5221342t43449l0.jpg
Nhân viên kỹ thuật HTX dịch vụ chăn nuôi gà ta Thanh Hóa thực hiện tiêm phòng cho gà thương phẩm. (Ảnh: Bách Nguyên)

Trong bối cảnh chăn nuôi lợn đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh và giá cả bấp bênh, nhiều địa phương đã chuyển hướng tập trung phát triển chăn nuôi gà cho lợi nhuận cao và là giải pháp giúp ngành chăn nuôi ổn định.

HTX dịch vụ chăn nuôi gà ta Thanh Hóa có trụ sở tại xã Thọ Sơn (Triệu Sơn). Hiện nay, HTX có 26 thành viên tại các huyện: Triệu Sơn, Như Xuân, Như Thanh, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc. Các thành viên HTX được tham gia mô hình liên kết chăn nuôi gà theo hình thức khép kín từ khâu cung ứng giống đạt tiêu chuẩn; thức ăn chăn nuôi đúng chủng loại, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của vật nuôi; được nhân viên kỹ thuật hướng dẫn quy trình chăn nuôi bảo đảm đáp ứng tiêu chí môi trường, chuồng trại, chăm sóc, kiểm soát dịch bệnh; cung ứng các loại vắc-xin, thuốc thú y bảo đảm chất lượng và bao tiêu sản phẩm.

Mỗi hộ thành viên HTX tham gia nuôi từ 1.000 - 5.000 con gà thương phẩm. Mỗi tháng, HTX xuất bán khoảng 22 tấn gà qua Công ty thực phẩm Green Farm Hà Nội và hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn TP Thanh Hóa. Trung bình, doanh thu của HTX đạt khoảng 2,5 tỷ đồng/tháng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 40-50 lao động.

HTX dịch vụ chăn nuôi gà ta Thanh Hóa hiện đang thực hiện thủ tục đầu tư trạm ấp gà giống để sản xuất, cung ứng giống gà tiêu chuẩn, giúp giảm chi phí sản xuất đầu vào cho các hộ thành viên. Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng khu chế biến thực phẩm đóng gói các sản phẩm từ gà, giúp đơn vị mở rộng thị trường và đối tượng tiêu thụ./.
 

 Thanh Tâm  (Tổng hợp)/ Kinh tế nông thôn