Nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt nhiều rủi ro, thách thức

Nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt nhiều rủi ro, thách thức
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường trong cuộc trao đổi với PV Báo SGGP sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nông nghiệp Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đi thăm vườn vải thiều tại tỉnh Hưng Yên

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đi thăm vườn vải thiều tại tỉnh Hưng Yên

Trao đổi với PV Báo SGGP, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường khẳng định, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nông nghiệp Việt Nam đã tạo ra bước ngoặt lớn, vươn lên một tầm cao mới; thu nhập của người nông dân đã tăng từ 9,1 triệu đồng/người/năm lên 32 triệu đồng/người/năm… Tuy nhiên, hiện nay lĩnh vực này cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

PV: Nhiều người nói rằng, sau 10 năm, Nghị quyết “tam nông” đã thay đổi hẳn bức tranh nông nghiệp Việt Nam. Bộ trưởng đánh giá như thế nào? 

Bộ trưởng NGUYỄN XUÂN CƯỜNG: Thành tựu mà Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Hội nghị Trung ương 7 khóa X đem lại là đã tạo được một bước ngoặt lớn trong lĩnh vực nông nghiệp. Thứ nhất là về nhận thức. Chúng ta đã nhận thức trúng, đúng về vai trò, vị thế mới của người nông dân, vai trò của nông nghiệp và vấn đề xây dựng nông thôn mới. Thứ hai, từ nhận thức đúng đã chuyển thành sự chỉ đạo quyết liệt, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương cùng vào cuộc. Chính sự chỉ đạo tích cực đó đã lan tỏa đến các cộng đồng, các thành phần kinh tế - xã hội, tạo ra một nguồn lực chung. Thứ ba, sau khi có nghị quyết này, chúng ta đã tổng huy động được nguồn lực thông qua một loạt cơ chế chính sách và thể chế được hoàn thiện trong 10 năm qua.

Ví dụ như về thể chế, trong 10 năm qua, chúng ta đã hoàn thiện được những bộ luật cơ bản như: Luật Đất đai năm 2013, Luật Hợp tác xã năm 2012 và 9 luật chuyên ngành ra đời là một khối lượng công việc khổng lồ. Về nguồn lực, chỉ riêng chương trình nông thôn mới, chúng ta đã đầu tư khoảng 1,7 triệu tỷ đồng trong vòng 7 năm, trong đó ngân sách nhà nước chiếm 28%, cho thấy chúng ta đã dồn được nguồn lực vào khu vực này. Và sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26, thu nhập của người nông dân đã tăng lên rõ rệt, tăng từ 9,1 triệu đồng/người/năm lên 32 triệu đồng/người/năm vào năm 2017, tức là tăng 3,6 lần và vượt mục tiêu đề ra. 

Về xây dựng nông thôn mới, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 là đạt 50% số xã, nhưng khả năng đến năm 2019 chúng ta sẽ đạt được mục tiêu 50% số xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới. Về thu nhập của người nông dân, Nghị quyết 26 đặt ra mục tiêu trong vòng 10 năm sẽ giúp thu nhập của người nông dân ở nông thôn tăng 2,5 lần nhưng thực tế đến nay đã tăng 3,6 lần.

Điều đó cho thấy, đây là nghị quyết rất trúng, rất đúng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Vì vậy, khi đi vào cuộc sống, nghị quyết này nhận được sự đồng tình ủng hộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. 

 Trong nông nghiệp, người nông dân và doanh nghiệp quan tâm nhất hiện nay vẫn là “đầu ra” cho nông sản. Thành tựu sau 10 năm là những gì thưa bộ trưởng?

 Nhờ có nhận thức đúng và đầu tư mạnh cho nông nghiệp - nông thôn mà sản xuất nông nghiệp tiếp tục được củng cố, phát triển lên một tầm cao mới, thể hiện qua những trụ cột của tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Việt Nam tiếp tục trở thành một trong những quốc gia có sức sản xuất nông nghiệp lớn, đáp ứng nhu cầu cho 100 triệu dân và trở thành nước xuất khẩu nông sản thứ 15 trên thế giới. Đến nay, các mặt hàng nông sản Việt Nam đã có mặt tại 180 quốc gia, vùng lãnh thổ. Chúng ta đã có 10 sản phẩm nông sản xuất khẩu có giá trị trên 1 tỷ USD. Cùng với các sản phẩm chủ lực như thủy sản, trái cây, lúa gạo, đồ gỗ, lâm sản, cao su, cà phê… hiện nay, ngay cả ngành chăn nuôi cũng đang bắt đầu chinh phục thị trường xuất khẩu mà vốn dĩ trước đây chúng ta chưa thể làm được. Cụ thể là đến nay, chúng ta đã xuất khẩu cả thịt gà và thịt heo sang các nước khác. Dự kiến, đến cuối năm nay có những công ty mỗi tháng sẽ xuất khẩu khoảng 300 - 400 tấn thịt gà. Từ đầu năm 2018 đến nay, chúng ta ghi nhận sự phát triển nổi bật của khu vực chăn nuôi - điều mà trước đây chưa bao giờ làm được như thế. 

Chúng ta đã xây dựng được trục sản phẩm cấp quốc gia và được củng cố theo hướng hiện đại, liên kết rõ hơn. Trục sản phẩm cấp tỉnh được tổ chức trên một nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ, tổ chức chặt chẽ, gắn từ vùng nguyên liệu đến chế biến và tổ chức thương mại.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, nông dân và doanh nghiệp của chúng ta vẫn đứng ngồi không yên vì phải đối mặt với quá nhiều nỗi lo, thách thức khi đầu tư vào nông nghiệp?

Bên cạnh những thuận lợi, chúng ta cũng phải xác định trước là cũng có rất nhiều khó khăn, thách thức và cả rủi ro. Thách thức lớn nhất là hiện nay chúng ta vẫn đang duy trì một nền nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, kiểu hộ gia đình, mặc dù trong 10 năm qua những điểm sáng về tổ chức sản xuất theo quy mô hàng hóa đã xuất hiện những mô hình, xu thế mới. Vì vậy, để khắc phục những hạn chế về quy mô sản xuất, chúng ta phải tổ chức thật nhanh, thật hiệu quả để chuyển nền sản xuất nhỏ, quy mô hộ thành liên kết sản xuất lớn, không có yếu tố này sẽ không thể thành công được.

Rủi ro, thách thức thứ hai là về biến đổi khí hậu, càng ngày càng thấy rõ mặt trái của biến đổi khí hậu tác động cực đoan đến thời tiết, khí hậu Việt Nam. Trong đó, tác động tới vùng nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngày càng cực đoan, khốc liệt. Trong nhiều năm gần đây, thiên tai liên tục đe dọa sản xuất nông nghiệp. Năm 2017 và 2018, biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết bất thường, vô cùng cực đoan trên thế giới và cả ở Việt Nam. Chưa khi nào thế giới lại đối mặt với tình trạng nhiều siêu bão, siêu mưa, siêu nắng nóng như hiện nay. Ngay cả Nhật Bản, một cường quốc có kinh nghiệm về thích ứng với thiên tai mà vẫn có những trận lụt gây chết nhiều người. Vừa qua, tại Trung Quốc cũng xảy ra tình trạng ngập lụt chưa từng gặp. Tại Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2018, riêng khu vực miền núi phía Bắc có những điểm mưa gấp đôi năm ngoái, gấp đôi bình thường, có những trận mưa lên tới 1.000mm. Năm nay, có đặc điểm là cả hai miền của nước ta đều có mưa nhiều.

Trong năm 2017, miền Trung bị thiệt hại nặng nề vì bão lớn. Trên biển đã có siêu bão; lũ tại đồng bằng sông Cửu Long đang lên cao nhất sau 7 năm, dự báo năm nay nước lũ sẽ lên vượt báo động 3. Không chỉ thiên tai, hạn hán, bão lũ ngày càng bất thường mà hiện nay nông dân và doanh nghiệp còn đang đối mặt với khó khăn về thị trường tiêu thụ, rồi dịch bệnh hoành hành trở lại. Thiên tai bất thường cũng đồng hành với nguy cơ bệnh tật sẽ phát triển với xác suất cao. Hiện tại, thế giới đang phải lo đối mặt với bệnh dịch tả châu Phi ở heo. Tại Trung Quốc dịch đang lây lan, tại Nhật Bản cũng đã có dịch và nguy cơ cao tràn vào Việt Nam. Qua hơn 1 năm cực kỳ khó khăn do đối mặt với khủng hoảng thừa, hiện nay doanh nghiệp và bà con nông dân của chúng ta đã dần phục hồi sản xuất, xây dựng lại thị trường thì lại đang đối mặt với nguy cơ dịch bệnh bùng phát.

Về thị trường tiêu thụ, chưa khi nào hết khó khăn. Hội nhập cũng mang lại mặt trái, nếu chúng ta không cố gắng thì sẽ thua, mất thị trường ở ngay sân nhà. Chúng ta cần xác định vai trò của nông dân, nông nghiệp và nông thôn vẫn rất quan trọng trong lộ trình công nghiệp hóa đất nước.

Vậy làm cách nào để hóa giải những nút thắt do khó khăn, thách thức trong giai đoạn 10 năm tới?

Quan trọng nhất là trong giai đoạn tới, chúng ta phải xác định được cơ hội và thách thức. Cơ hội lớn là những kết quả nền tảng trong giai đoạn vừa qua, là tiền đề tốt, hội nhập kinh tế vào đời sống toàn cầu rất tốt. Hiện nay, tiến bộ khoa học - công nghệ thời đại 4.0 đã mở ra một triển vọng cho phát triển kinh tế nói chung, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, đây là cơ hội tốt để nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam tiếp tục phát triển trong quá trình công nghiệp hóa kinh tế đất nước. Trong tái cơ cấu nông nghiệp, nếu không có doanh nghiệp làm hạt nhân, rường cột để cùng tổ chức lại thì chúng ta không thể thành công.

Điều đáng mừng, trong giai đoạn vừa qua, bằng cơ chế chính sách, bằng sự chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp đã quan tâm nhiều hơn tới nông nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam đã tập trung, ưu tiên vào khu vực nông nghiệp. Đây là tín hiệu rất tốt cùng với tín hiệu này, Chính phủ đã hoàn thiện các cơ chế, chính sách như: Nghị định 57 thay Nghị định 210 về ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, Nghị định 98, sửa tiếp Nghị định 55 về cơ chế tín dụng, cho doanh nghiệp vay vốn làm ăn… để tháo gỡ các nút thắt cho nông nghiệp. Bộ NN-PTNT cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện cơ chế chính sách, nhất là về đất đai, đề xuất sửa Luật Đất đai để tạo động lực mới cho tăng trưởng nông nghiệp và phát triển nông nghiệp - nông thôn. 

 Xin cảm ơn ông!


Tác giả bài viết: PHÚC HẬU

Nguồn tin: www.sggp.org.vn