"Nông nghiệp cho cuộc sống tốt đẹp hơn"

Chủ doanh nghiệp Miền Ðất Hy Vọng Việt Nam, Võ Trung Tín, quê Bình Ðịnh, sau khi học Ðại học Nông Lâm Huế chuyên ngành Nông nghiệp phát triển bền vững tiếp tục đi Nhật học Thạc sĩ về chương trình phát triển nông nghiệp bền vững. Và, anh Tín bắt đầu bén duyên với mảnh đất Lâm Ðồng bằng chính những ý tưởng phát triển nông nghiệp sạch gắn với bảo vệ môi trường.
Sản phẩm cà chua bi sạch cung cấp cho người Nhật sử dụng. Ảnh: N.Thu
Hướng đi mới của một doanh nghiệp trẻ
 
Công ty TNHH Miền Đất Hy Vọng Việt Nam (Hopeland Vietnam) đi vào hoạt động với câu  Slogan là “Nông nghiệp cho cuộc sống tốt đẹp hơn”, đã truyền đạt được thông điệp mà ông chủ trẻ muốn hướng tới về sản phẩm, dịch vụ của mình. Công ty TNHH Miền Đất Hy Vọng Việt Nam chính thức thành lập  năm 2012 tại N’Thol Hạ, Đức Trọng với 5,5 ha, trong đó có 4 điểm, sản xuất 20 loại sản phẩm khác nhau tùy theo mùa; có 15 loại củ quả thu hoạch hàng ngày trong tổng số 20 sản phẩm. Những ngày đầu thành lập, doanh nghiệp chỉ có 16 lao động, trong đó có 6 người đồng bào dân tộc thiểu số. 
 
Anh Võ Trung Tín mở đầu câu chuyện với chúng tôi rất bình dị, vì xuất phát từ việc là một người Việt Nam có tố chất của người nông dân, mà người nông dân phải gắn với đất để tạo sản phẩm nông nghiệp. Bất kỳ đơn vị nào muốn tồn tại thì phải có bộ phận “nghiên cứu và tự làm mới mình”, mỗi công ty cần phải cải tiến, tiếp cận thị trường mới, tự làm mới mình mới có thể tồn tại được.
 
Qua tìm hiểu được biết, hiện tại Công ty Miền Đất Hy Vọng Việt Nam có 2 mảng sản xuất rau củ quả, đang tập trung có chọn lọc là rau củ quả Nhật Bản vì vừa ngon vừa dễ sản xuất tại địa phương. Mặt khác, công ty chọn đối tượng phục vụ là người Nhật đang sinh sống tại Việt Nam, những công ty đang cung ứng sản phẩm cho người Nhật tại Việt Nam, người có thu nhập tương đối khá ở Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. 
 
Con đường đi của rau củ quả
 
Cùng với quy trình sản xuất an toàn, khép kín từ con giống đến khi xuất sản phẩm, đóng gói chuyển đến khách hàng, chủ doanh nghiệp đã có sáng kiến mới trong việc sản xuất ra đất đề trồng trọt, theo mục tiêu sản xuất dựa vào đất, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, tối ưu hóa hoạt động của vi sinh vật. Mô hình này được đánh giá là có cái mới mà vẫn dựa trên quy trình lên men truyền thống của người Việt đã sử dụng hàng ngàn đời.
 
Sản phẩm của Công ty TNHH Miền Ðất Hy Vọng Việt Nam được trồng theo quy trình và tiêu chuẩn của Nhật Bản dưới sự hướng dẫn của tập đoàn Hopeland Hokkaido.
 
Khách hàng của Hopeland Vietnam phần lớn là người Nhật. Ngoài ra, các ản phẩm của công ty đã và đang được phân phối đến các cửa hàng rau sạch và công ty cung ứng thực phẩm tại TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Ðồng Nai, Ðà Nẵng và Hà Nội. 
 
Thị trường phân phối trực tiếp là theo chuỗi phân phối. Và, cách tiếp cận của Công ty Miền Đất Hy Vọng Việt Nam chọn chính là “sản xuất ít nhưng tiếp cận đến tận tay khách hàng” để tăng giá trị sản xuất cho người nông dân, làm sao để khách hàng và người nông dân được quyền hưởng lợi cao nhất. Tức là tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm nông nghiệp từ khi trồng đến khi lên bàn ăn đạt hiệu quả cao nhất. Được hỏi tại sao lại chọn Nhật Bản là thị trường hướng đến, anh Võ Trung Tín cho rằng, vì  2 nước có mối quan hệ văn hóa, chính trị tốt, người Nhật có tính cần cù, chịu khó rất gần với đức tính người Việt Nam nên dễ học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.
 
Một lĩnh vực thứ hai công ty đang hướng tới đó là sản xuất cà phê sinh học. Theo anh Võ Trung Tín, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về sản lượng cà phê, trong đó Tây Nguyên là thủ phủ cà phê và Lâm Đồng là tỉnh thứ hai trong cả nước về cung cấp sản lượng cà phê. Số hộ sản xuất cà phê của Lâm Đồng khá lớn. Tuy nhiên, thị trường Nhật Bản, người Nhật lại không biết đến cà phê Việt Nam, đây là điều rất đáng tiếc khiến ông chủ trẻ quyết tâm làm cho bằng được. Qua quá trình theo học tại Nhật, anh tìm hiểu và biết được người Nhật không hề biết đến vị cà phê Việt Nam như thế nào, nhiều người Nhật ngạc nhiên đặt câu hỏi “Ồ có cà phê Việt Nam sao?”. Chính từ sự tò mò dễ thương đó của người Nhật đã thôi thúc người chủ doanh nghiệp chọn cà phê là sản phẩm để đầu tư phát triển sản xuất. 
 
Nhưng điều đặc biệt hơn so với nhiều doanh nghiệp sản xuất cà phê tại Lâm Đồng hiện nay, đó là sản xuất cà phê sinh thái, tức là không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bán hàng đến sản phẩm cuối cùng. Quá trình trồng, thu hoạch, phơi, rang xay, đóng gói cà phê thành sản phẩm bán đến tay người tiêu dùng.
 
Câu hỏi được đặt ra cho doanh nghiệp lúc này là làm thế nào và làm cái gì để phát triển bền vững và giảm thiểu tác hại về môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu? Anh Tín chia sẻ: Thứ nhất là nghiên cứu sản xuất phân compost, tức là phân ủ bằng khí, từ phế phụ phẩm, từ quá trình lên men của vi sinh vật, mà không phải mua. Sử dụng quy trình sản xuất vi sinh của Nhật từ cám gạo, trấu của Việt Nam, tạo dòng men từ địa phương. Mặt khác, sản lượng vỏ cà phê của Lâm Đồng đứng thứ hai cả nước, vì thế chúng tôi chọn cách sử dụng nguồn phế phụ phẩm này để sản xuất phân bón. Nghiên cứu hệ thống sục khí, hiếu khí có sự tác động của con người. Đây là cái mới để cho ra sản phẩm vi sinh từ quá trình lên men, thổi không khí tăng lên 70 độ, để côn trùng ăn hết phế phụ phẩm, tạo ra phân bón. Hãy làm chủ đất của mình để sản xuất, mang sản phẩm của mình đến trực tiếp tới tay người tiêu dùng Nhật Bản. Thương hiệu cà phê sinh thái Miền Đất Hy Vọng Việt Nam đã được lên báo địa phương, tham gia Lễ hội Ẩm thực của làng Kato Nhật Bản. Chỉ tính trong 1 ngày tham gia lễ hội với 1.300 khách tham gia, công ty đã trực tiếp rót bán được 3 ngàn ly cà phê. Điều này cho thấy sự tương tác tốt, vị cà phê thơm ngon, hấp dẫn gu thưởng thức của người Nhật. Được biết, anh Tín phải mất một năm để có thể tìm ra vị cà phê như ý để bán được như hiện nay và đã được thị trường chấp nhận. Ngày nay, công ty đã xuất  khẩu được 2 ngàn gói, mỗi gói 2 lạng trong năm đầu. Bước đầu được như vậy là thành công với một người trẻ tuổi nhiều đam mê, quyết tâm chinh phục thị trường Nhật và đã định vị được thương hiệu “Nông nghiệp cho cuộc sống tốt đẹp hơn” tại Nhật Bản. 
 
NGUYỆT THU/baolamdong.vn