Nông nghiệp công nghệ cao - Kinh nghiệm của Lâm Đồng
- Thứ sáu - 20/01/2017 02:46
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
|
Là tỉnh có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, Lâm Đồng xác định ứng dụng CNC vào nông nghiệp là một trong những khâu đột phá, đưa nông nghiệp phát triển mạnh, trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về sản phẩm nông nghiệp CNC.
Hơn 10 năm qua, Lâm Đồng đã đưa ra những định hướng lớn đối với nông dân và DN về nông nghiệp ứng dụng công nghệ; tập trung nguồn lực xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Trong đó, đặc biệt chú trọng nghiên cứu tạo chọn giống mới có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng và phù hợp với chất đất, khí hậu tại địa bàn. Lâm Đồng trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về diện tích giống cây trồng mới, đặc biệt là giống rau, hoa, chè, cà phê. |
Nhận thức vai trò của doanh nghiệp (DN) trong liên kết ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp, tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ ứng dụng CNC nhằm thu hút nông dân, DN tham gia. Đến nay, toàn tỉnh có hàng trăm mô hình liên kết nông dân - DN trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Điều này giúp nông dân thu nhập ngày càng ổn định, kỹ thuật nâng cao. Ngược lại, phía DN cũng khẳng định lợi thế chủ động nguồn nguyên liệu, giám sát chất lượng đầu vào, mở rộng quy mô kinh doanh mà không lo chi phí đầu tư ban đầu.
Trong quy trình sản xuất sạch, Lâm Đồng đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu phục vụ nông nghiệp CNC, từ đó xây dựng các quy trình canh tác đạt tiêu chuẩn. Nhiều công nghệ tiên tiến trên thế giới cũng được chuyển giao và áp dụng có hiệu quả như: Công nghệ sinh học, tưới nhỏ giọt, thủy canh, trồng rau trong ống nhựa treo trên không. Quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP... được áp dụng rộng rãi. Do vậy chất lượng nông sản đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nhờ áp dụng các tiến bộ công nghệ cùng với sự chung sức của DN và nông dân trong chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, Lâm Đồng đã đạt được nhiều thành tựu trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Hàng nghìn hộ làm giàu nhờ nghề nông. Điển hình là gia đình anh Nguyễn Trọng Bằng, xã Tà Nông (TP Đà Lạt). Sau gần 10 năm rời quê ở thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), anh đã gây dựng được trang trại trồng hoa hồng môn, địa lan có tiếng ở Đà Lạt. Toàn bộ hoa đều trồng trên giá thể xơ dừa. Hệ thống tưới tiêu tự động, nhỏ giọt hoặc phun sương. Trung bình mỗi năm, trừ chi phí, trang trại thu lãi 4-5 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 12 lao động với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Trang trại trồng hoa của gia đình anh Nguyễn Trọng Bằng, xã Tà Nông, TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Ảnh: Trịnh Lan |
Đến nay, diện tích đất nông nghiệp áp dụng CNC tại Lâm Đồng hơn 43 nghìn ha. Những sản phẩm ứng dụng CNC có giá trị xuất khẩu chiếm hơn 80% giá trị xuất khẩu của tỉnh. Nhiều diện tích cây trồng ứng dụng CNC đạt từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/ha/năm.
Từ chuyến đi thực tế ở Lâm Đồng, căn cứ vào điều kiện của Bắc Giang, đoàn công tác đã tham mưu với tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Trong đó giai đoạn 2016-2020, tỉnh tập trung ứng dụng CNC vào rau, hoa. Chọn tạo giống chủ yếu bằng nuôi cấy mô tế bào. Hỗ trợ tổ chức, cá nhân hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao, lựa chọn công nghệ có hiệu quả. Tiếp tục liên kết với các đối tác quốc tế như Hà Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Israel nhập khẩu giống mới, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ bảo quản sau thu hoạch.
Đi đôi với biện pháp trên là xây dựng chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đẩy mạnh ứng dụng CNC vào nông nghiệp. Thực hiện dồn điền đổi thửa, xây dựng các vùng sản xuất rau, hoa, quả an toàn ứng dụng CNC; tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong chuỗi liên kết giữa nhà nước, nhà khoa học, DN và nông dân về ứng dụng CNC trong nông nghiệp.
Trồng dưa lưới leo giàn
Đến khu thực nghiệm của Công ty cổ phần Giống cây trồng Bắc Giang, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi thấy những trái dưa hình bầu dục màu xanh, vàng treo lủng lẳng trên giàn cây leo. Bởi lẽ, trái dưa này thường chỉ có trên các sạp hàng kinh doanh còn nơi trồng ra ở trong tỉnh thì hiếm có. Đó là giống dưa lưới Quế Á được Công ty sản xuất nhờ chuyển giao công nghệ độc quyền của Viện Khoa học Quảng Tây (Trung Quốc). Trên diện tích 4 sào nhà lưới có hệ thống nước tưới tự động, Công ty đã sản xuất thành công 7 giống dưa thuộc dòng dưa lưới. Sau hơn hai tháng trồng, dưa cho thu hoạch. Năng suất bình quân hơn 9 tạ/sào, giá bán 25 nghìn đồng/kg, trừ chi phí lãi 13 triệu đồng/sào (tương đương hơn 350 triệu đồng/ha). Ông Đỗ Duy Đông, Phó Giám đốc Công ty cho biết: “Nhờ áp dụng đồng bộ kỹ thuật và có nhà lưới, dưa không bị sâu bệnh, đơn vị không phải sử dụng bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Từ kết quả này, Công ty đang phân vùng, mở rộng diện tích; cung cấp sản phẩm sạch, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng”. Làm “phòng nghỉ” cho lợn
Anh Thân Văn Hùng, thôn Phúc Lâm, xã Hoàng Ninh (Việt Yên) có trang trại chăn nuôi lợn sinh sản ở xã Tự Lạn (cùng huyện). Mỗi tháng, trang trại xuất chuồng hơn 2,5 nghìn con lợn giống, thu về khoảng 1 tỷ đồng. Với diện tích 2,4 ha, anh áp dụng kỹ thuật chăn nuôi liên hoàn tiên tiến với đội ngũ nhân lực gồm hơn 30 bác sĩ thú y. Các dãy chuồng khép kín, lắp đầy đủ quạt thông gió, hệ thống phun nước tự động trên mái, bảo đảm ấm áp về mùa đông, thoáng mát mùa hè; có máng ăn, vòi uống nước tự động; hệ thống sưởi ấm, xử lý nước thải. Một trong những bí quyết thành công của chủ trang trại là quy trình diệt khuẩn, sát khuẩn được thực hiện nghiêm ngặt. Trước khi vào cổng, khách phải lội qua nước diệt trùng. Khách thăm chuồng trại phải tắm và thay quần áo tại nhà tắm được bố trí ở cổng. Anh Hùng nói: “Chỉ ở trong môi trường sạch bệnh, không khí trong lành thì vật nuôi mới không bị bệnh. Các chuồng nuôi được thiết kế như một “phòng nghỉ” dành cho lợn, luôn thoáng đãng, sạch sẽ”.
Trường Sơn |
Theo Đức Kiên/ Báo Bắc Giang