Nông nghiệp đồng bằng “khát” vốn FDI

Nông nghiệp đồng bằng “khát” vốn FDI
ĐBSCL là vùng có thế mạnh về nông nghiệp, nhưng đến nay, số doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực này vẫn còn khá khiêm tốn, nguồn vốn đầu tư hiện tại chỉ chiếm khoảng 6% trên tổng vốn đầu tư của cả nền kinh tế.

Còn nhiều vướng mắc

Tại hội thảo nằm trong tuần lễ giao lưu Văn hóa và Thương mại Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 2 vừa tổ chức tại TP.Cần Thơ, ông Sasaki Horiyuki - Tổng Giám đốc Tập đoàn Brainworks Asia (Nhật bản), đề cập: “Sau nhiều buổi giao lưu và nắm tình hình thực tế tại Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, chúng tôi nhận thấy đây là một vùng đất đầy tiềm năng. Theo thống kê, chúng tôi được biết có hơn 70% số DN Nhật Bản muốn đầu tư vào Việt Nam. Nhưng để có thể đầu tư, điều chúng tôi lo ngại nhất vẫn là đất đai và thủ tục”.

 nong nghiep dong bang “khat” von fdi hinh anh 1

Ngành nông nghiệp ĐBSCL thu hút vốn FDI rất khiêm tốn. Ảnh: Chúc Ly

Theo số liệu thống kê từ VCCI, chi nhánh Cần Thơ, tính đến cuối năm 2016, toàn vùng ĐBSCL thu hút hơn 130 dự án FDI (tổng vốn đăng ký hơn 1.200 tỷ USD). Số dự án này còn khá khiêm tốn và phân bổ không đồng đều ở các địa phương.

 

Một thực tế cần nhìn nhận, chúng ta vẫn chưa có chính sách tạo quỹ đất xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho các công đoạn sau thu hoạch. Bên cạnh đó, việc vận chuyển những hàng hóa sau khi sản xuất đến nơi tiêu thụ còn gặp khó vì cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ. Ngoài ra, DN muốn thuê đất sản xuất phải chịu chi phí trung gian và chi phí quản lý lớn do ký hợp đồng với nhiều hộ nhỏ lẻ.

Theo các chuyên gia kinh tế, chúng ta chưa giải quyết được bài toán lợi ích giữa DN, nhà đầu tư nước ngoài và người nông dân. Ngoài ra, công tác vận động xúc tiến FDI vào nông nghiệp chưa thực sự hiệu quả, chưa có kết nối toàn cầu; chính sách, chiến lược định hướng thu hút FDI vào nông nghiệp chưa xác định rõ ràng, còn nhiều bất cập.

Mạnh dạn thay đổi tư duy

Để thu hút FDI nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, theo các chuyên gia, cần phải đổi mới trong chính sách, trước tiên là về đất đai. Để có được nguồn đất sạch, ngay từ bây giờ phải xác định quy hoạch vùng trồng trọt cụ thể. Ngoài ra, Nhà nước nên hạn chế tham gia vào hoạt động của DN, nhằm phát huy tính chủ động của DN và nông dân khi đầu tư nông nghiệp, nông thôn.

Theo ông Nguyễn Phương Lam - Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, khi kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp, bên cạnh giới thiệu về tiềm năng, lợi thế, để những nhà kinh doanh quan tâm, đầu tư nhiều hơn; chúng ta phải chứng minh và giới thiệu để họ thấy đầu tư vào nông nghiệp không chỉ trồng lúa và trái cây nữa, mà nó là một chuỗi sản phẩm, có thể khai thác được từ nguyên liệu ban đầu đến nguyên liệu cuối cùng.

PGS-TS Nguyễn Văn Sánh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ, chia sẻ: “Để thu hút FDI nông nghiệp thì phải nâng cấp kết cấu hạ tầng để khuyến khích các DN đầu tư mở rộng quy mô, đầu tư mới, ứng dụng khoa học công nghệ để tăng giá trị sản phẩm. Đồng thời, cần tạo sự bình đẳng giữa nhà đầu tư FDI và nhà đầu tư trong nước”.

Song song đó, theo góp ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế nhà nước cần phải có chiến lược kêu gọi đầu tư. Đã đến lúc ĐBSCL phải thay đổi tư duy thu hút FDI vào nông nghiệp và nhất là phải thay đổi tư duy của nông dân, để họ trở thành những con người tập thể…

Theo Chúc Ly - Bình An/ Dân Việt