Nông nghiệp giá trị cao ở vùng đất “khó”

Thạch Thất là địa phương nằm trong vùng quy hoạch quan trọng của thành phố với nhiều dự án về phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ… Tuy nhiên, không vì thế mà Thạch Thất bỏ quên nông nghiệp. Trong 10 năm qua, lĩnh vực này trên địa bàn huyện đã có sự bứt phá ngoạn mục nhờ nỗ lực vượt khó, tìm được mô hình phù hợp…

 

Chăm sóc rau hữu cơ tại Trang trại Hoa Viên, xã Yên Bình (huyện Thạch Thất). Ảnh: Bá Hoạt

Nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao “lên ngôi”

Chị Trương Kim Hoa, chủ Trang trại Hoa Viên, xã Yên Bình chia sẻ, ngay sau ngày hợp nhất, chị và những người thân trong gia đình đã “khăn gói” từ nội đô lên đây gây dựng trang trại. Ngày đầu với muôn vàn khó khăn: Không đường, không điện, không nước, người dân cũng không hề biết thế nào là sản xuất hữu cơ… nhưng được sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự ham học hỏi của những người nông dân nơi đây mà mô hình hữu cơ của Trang trại Hoa Viên “lớn lên” từng ngày. Với diện tích 60ha đất đồi dốc được cải tạo thành ruộng bậc thang trồng rau hữu cơ, quy tụ nhiều loại quý hiếm - Trang trại Hoa Viên trở thành một trong những mô hình trồng rau hữu cơ lớn nhất Thủ đô. Hiện tại, Trang trại Hoa Viên với thương hiệu Rau đại ngàn đã được cấp chứng nhận hữu cơ phù hợp tiêu chuẩn IFOAM (Norms for Organic Production).

Chủ tịch UBND xã Yên Bình Nguyễn Giáp Dần chia sẻ, đây là mô hình nông nghiệp hữu cơ khép kín từ chăn nuôi đến trồng trọt đầu tiên trên địa bàn xã, mỗi năm cung cấp cho thị trường gần 1 vạn con lợn giống, hàng nghìn tấn lợn thương phẩm chất lượng cao và hơn 300 tấn rau hữu cơ; tạo việc làm cho khoảng 100 lao động với thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng. Nhờ có Trang trại Hoa Viên đầu tư nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghệ cao, những người nông dân nơi đây đã được đào tạo, tập huấn và thay đổi tư duy làm nông nghiệp. Đây là cái “được” lớn nhất đối với nông dân vùng này trong 10 năm trở lại đây, tạo tiền đề thúc đẩy nhiều mô hình nông nghiệp tương tự phát triển…

Cũng như Trang trại Hoa Viên, khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái Ngọc Linh tại xã Tiến Xuân, có quy mô 5ha, do Công ty TNHH Lạc Hòa đầu tư xây dựng, áp dụng công nghệ phá vỡ màng tế bào không sinh nhiệt, công nghệ nano ứng dụng vào nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Qua đó, tạo ra thực phẩm đạt chất lượng cao như: Rau hữu cơ công nghệ Nhật Bản, sản phẩm trứng gà Codycep AM+ chống ung thư được xuất bán sang thị trường Nhật Bản…

Ngoài ra, tuy không có điều kiện đất đai rộng như các xã miền núi, nhưng nhiều địa phương khác của Thạch Thất cũng đã ứng dụng công nghệ cao để phát triển trang trại tổng hợp. Điển hình như trang trại 1,4ha của anh Nguyễn Đỗ Thế Cường (xã Hương Ngải) với ao nuôi cá lăng hàng nghìn con; 2 sào trồng chùm ngây - một loại rau có giá trị dinh dưỡng cao; một vườn lan với hơn 100 loài… Bên cạnh đó, Thạch Thất còn có nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả như: Mô hình giống lúa cao sản chất lượng cao, hoa ly, hoa lan ở các xã: Đại Đồng, Yên Bình; mô hình trồng nấm, đông trùng hạ thảo, nấm linh chi tại xã Tiến Xuân…

Gỡ khó để thành công

Theo số liệu tổng hợp của UBND huyện Thạch Thất, đến nay, toàn huyện có 179 trang trại chăn nuôi đầu tư công nghệ cao về con giống cho hiệu quả kinh tế khá, 115 mô hình chuyển đổi từ ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. 

Đặc biệt, sau dồn điền đổi thửa, huyện đã xây dựng được 121 mô hình chăn nuôi, thả cá kết hợp trồng cây ăn quả…

Trong 10 năm qua, Thạch Thất đã quan tâm, chỉ đạo phát triển nông nghiệp một cách toàn diện. Huyện ủy đã ban hành Chương trình 02-CTr/HU; UBND huyện ban hành Đề án “Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả bền vững”, Đề án “Mở rộng phát triển sản xuất nông nghiệp mới có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao”. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn gặp khó khăn do nhiều xã vướng quy hoạch các dự án trọng điểm như: Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội, Khu đô thị sinh thái huyện Phúc Thọ (có thu hồi 200ha đất thuộc địa phận xã Đại Đồng)...

Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn cho biết, đối với các xã vướng quy hoạch, huyện xác định, nếu xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ rất khó đáp ứng yêu cầu của thành phố, bởi tiêu chuẩn quy định đối với đề án vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phải bảo đảm 20ha trở lên. Tuy nhiên, để tránh lãng phí tài nguyên đất đai, huyện đề xuất với thành phố cho phép các xã không đủ diện tích chuyển đổi sang trồng rau an toàn, hoa, cây cảnh, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. 

Cụ thể, huyện quy hoạch 30 vùng trồng rau, 2 vùng trồng hoa và 8 trang trại chăn nuôi nằm trong danh sách vùng sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016-2020 trình thành phố phê duyệt. “Đối với các xã miền núi có lợi thế về đất đai, huyện hướng tới thu hút doanh nghiệp, hộ cá nhân có tiềm lực kinh tế để đầu tư nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, công nghệ cao… qua đó, tạo “đòn bẩy” cho nông nghiệp ở miền núi phát triển bền vững. Đi kèm với thu hút đầu tư vào nông nghiệp, huyện tích cực xây dựng thương hiệu nông sản, sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi…” - Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn khẳng định.

Tác giả bài viết: Bạch Thanh

Nguồn tin: Báo Hà Nội Mới