Nông nghiệp trước thách thức lớn về nguồn nhân lực
- Thứ năm - 14/09/2017 04:21
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hiện nay ở nước ta có khoảng 10 triệu hộ nông dân với hơn 30 triệu lao động trong độ tuổi nhưng chỉ có 17% trong số đó được đào tạo thông qua các lớp tập huấn khuyến nông sơ sài, còn lại 83% là lao động chưa qua đào tạo, chưa có trình độ chuyên môn trong sản xuất nông nghiệp.
Nhiều lao động chưa đủ chuyên môn trong nông nghiệp |
Thấy rõ thực tế này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 1-7-2015 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009. Đến hết năm 2016, có 62/63 tỉnh, thành phố bố trí 235 tỷ đồng kinh phí của Trung ương và địa phương để thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp.
Đặc biệt có 19 địa phương bố trí kinh phí bằng, hoặc vượt mức; 26 địa phương bố trí kinh phí bằng 50% đến dưới 100% so với năm 2015. Mặc dù có những cố gắng như vậy nhưng năm 2016, số lao động được học nghề nông nghiệp cũng chỉ là 126 nghìn lao động (đạt 78,3% so với kế hoạch đề ra) và thấp hơn so với năm 2015 là 35%.
Đó mới là con số về lượng, chưa nói đến chất lượng đào tạo. Như thế, có thể thấy mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao đứng trước thách thức rất lớn về nguồn nhân lực, trong khi lẽ ra đây phải là yếu tố đi trước một bước.
Để làm nông nghiệp công nghệ cao, trước hết chúng ta cần phải lựa chọn phân khúc phù hợp, từ đó có mô hình đào tạo phù hợp. Trong hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, có lẽ bây giờ chưa phải thời điểm thích hợp để ta làm những khâu chuyên môn rất sâu trong nông nghiệp, những thứ đòi hỏi kiến thức hàn lâm và khoa học tiên tiến nhất.
Thực tế hơn là làm ra những sản phẩm nông nghiệp hàng hóa an toàn, đáp ứng trước hết cho thị trường khá rộng lớn với 93 triệu dân của chúng ta, sau đó là xuất khẩu. Có nghịch lý là chúng ta không thiếu gạo, không thiếu nông sản, thế mà vẫn phải chi hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm để nhập về những sản phẩm tương đương chứ không phải là loại không sản xuất được!
Xác định như thế thì thấy cần có hình thức tổ chức đào tạo khác với hiện nay. Một mặt cần đào tạo một số ít những kỹ sư, “thợ cả” hàng đầu một cách bài bản, có thể đào tạo ở nước ngoài. Số này sau đó sẽ là những người đào tạo lại đội ngũ “ong thợ” về quy trình sản xuất sạch, tiên tiến.
Mà muốn như vậy thì vai trò của các doanh nghiệp lớn, có đủ tiềm lực phát triển nông nghiệp công nghệ cao như TH True Milk hay Vingroup là rất quan trọng.
Doanh nghiệp biết họ cần bao nhiêu lao động loại gì, cho những khâu nào nên quá trình đào tạo sẽ mang tính thực tiễn cao. Nhà nước rất nên có chính sách khuyến khích mô hình trường đào tạo nghề trong doanh nghiệp.
Nhìn rộng ra, nếu có chính sách tốt, thỏa đáng để thu hút được các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao thì họ sẽ tự có nhu cầu về nhân lực nông nghiệp qua đào tạo và sẽ tự tổ chức đào tạo một cách hiệu quả hoặc đặt hàng các cơ sở đào tạo hiện có.
Nói như vậy không có nghĩa là phó thác cả cho doanh nghiệp. Vai trò định hướng của Nhà nước trong vấn đề này vẫn hết sức quan trọng. Ở các nước, như Trung Quốc, có Bộ chuyên trách quản lý nguồn nhân lực và an sinh xã hội, Bộ này có trách nhiệm cân đối nguồn lực và “đặt hàng” để Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành đào tạo.
Công tác đào tạo có sự phân tầng và định hướng rất rõ. Tôi cho rằng xu hướng đại học đại trà như hiện nay - nói chung, không cứ gì lĩnh vực nông nghiệp - vừa làm lãng phí nguồn lực xã hội (vì rất nhiều người tốt nghiệp đại học vẫn bị thất nghiệp hoặc không được làm đúng chuyên ngành đã học); lại vừa không đáp ứng được yêu cầu có những lao động lành nghề, có kỹ năng thành thục trong công việc.
TS BÙI SỸ LỢI
Phó Chủ nhiệm UB về các vấn đề xã hội của Quốc hội
Nguồn: nongthonviet.com