Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao "bắt tay" với du lịch…
- Thứ ba - 31/10/2017 20:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Kinh nghiệm từ “thành phố ngàn hoa”
Để thực tế việc phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp cao gắn với du lịch, trung tuần tháng 10, đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh là trưởng đoàn đã có cuộc khảo sát tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long cùng đoàn công tác của tỉnh thực tế mô hình trồng hoa công nghệ cao tại TP Đà Lạt. |
Sau hơn 13 năm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Lâm Đồng đã trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Diện tích nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh đạt 50.000ha (chiếm khoảng 17% tổng diện tích canh tác), doanh thu bình quân 150 triệu đồng/ha/năm, trong đó diện tích rau đạt 400-500 triệu đồng/ha/năm (cá biệt rau thủy canh 8-9 tỷ đồng/ha/năm), thu nhập từ hoa đạt từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm… Các nhà vườn hiện nay đã và đang sử dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới, công nghệ sinh học, thủy canh, tự động hóa và đặc biệt là công nghệ robot và nano trong nông nghiệp.
Đồng chí Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, từ năm 2004, tỉnh đã xác định Chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Lâm Đồng dành khoảng 60% kinh phí đầu tư cho khoa học vào việc đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao như: Chọn tạo giống, cung cấp và chuyển giao cho người dân… Hiện, xuất khẩu nông sản của Lâm Đồng chiếm 80% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh; thu hút 77 doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn trên 266 triệu USD.
Nhiều nhà vườn của Đà Lạt đang thực hiện song song việc bán sản phẩm rau, củ, quả trồng thủy canh với việc giới thiệu sản phẩm tới du khách. |
Không chỉ sản xuất ra các sản phẩm rau, hoa sạch cung ứng cho thị trường, du lịch nhà vườn (hay còn gọi là du lịch canh nông) cũng đang là ngành nghề “hái ra tiền” ở “thành phố ngàn hoa” Đà Lạt. Anh Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Công ty TNHH Đà Lạt Rau thủy canh, TP Đà Lạt, cho biết: Công ty phát triển mô hình trồng hoa và rau thủy canh khoảng 3 năm nay, hiệu quả cao hơn hẳn so với việc canh tác thông thường. Đầu năm 2017, chúng tôi với mở cửa đón khách du lịch vào tham quan mô hình, dự kiến ban đầu mỗi ngày đón khoảng 300-500 lượt khách, nhưng đến nay mỗi ngày đã đón từ 5.000-7.000 lượt khách, tính trung bình mỗi du khách tham quan trả 40.000 đồng vé vào cửa thì mỗi năm chúng tôi đã thu về vài tỷ đồng.
Hay như tại Công ty CP công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt, theo anh Hầu Cao Mỹ Hưng, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Trước đây, mảng du lịch chỉ là mảng nhỏ trong hoạt động kinh doanh, nhưng do lượng du khách đến với Đà Lạt ngày càng lớn và có nhu cầu được trải nghiệm các hoạt động như: Quá trình sản xuất sản phẩm hoa, ươm cây giống… nên thời gian qua Công ty đã đẩy mạnh về du lịch. Mặc dù không thu vé tham quan, nhưng đại đa số khách trải nghiệm dịch vụ đều mua các sản phẩm của Công ty. Như vậy, ngoài lượng hàng đã được các đối tác đặt hàng, công ty còn tiêu thụ được khá nhiều sản phẩm bán lẻ cho khách du lịch.
Rộng mở cho doanh nghiệp đầu tư
Qua tìm hiểu, được biết hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng đã có một số doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đáng chú ý, doanh nghiệp cũng đã nghĩ tới hướng phát triển du lịch canh nông.
Bà Bùi Thị Thể, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại 188 (thứ 2, phải sang) giới thiệu về hệ thống trồng rau thủy canh đến đoàn công tác tỉnh Thái Nguyên. |
Điển hình như Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại 188 (TX Đông Triều). Trao đổi với chúng tôi, bà Bùi Thị Thể, Giám đốc Công ty cho biết: Năm 2016, chúng tôi đầu tư khoảng 15 tỷ đồng để phát triển mô hình thủy canh hồi lưu trên diện tích 5.000m2. Sản phẩm rau thủy canh thời gian đầu khi tiếp cận thị trường cũng khá khó khăn, nhưng chỉ sau thời gian ngắn, khi thị trường biết tới sản phẩm này rồi thì sức tiêu thụ lại rất tốt. Bây giờ mỗi ngày chúng tôi xuất ra thị trường từ 4-5 tấn rau, củ, quả các loại. Hiện chúng tôi cũng đang nghiên cứu phát triển đưa du lịch canh nông vào để khai thác song song với sản xuất thủy canh. Theo đó, du khách đến đây có thể được tham quan tất cả các giai đoạn ươm, trồng, chăm sóc rau thủy canh; thậm chí họ còn có thể tham gia vào quá trình này. Hình thức du lịch này tuy mới nhưng theo tôi là hấp dẫn và khả thi ở Quảng Ninh, do đó, chắc chắn trong thời gian tới chúng tôi sẽ phát triển mô hình này.
Rau trồng theo phương pháp thủy canh tại Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại 188. |
Hiện Quảng Ninh có trên 200 sản phẩm nông nghiệp. Để phát huy giá trị nông sản, tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu; từng bước đưa sản phẩm nông nghiệp vào hệ thống siêu thị lớn. Đối với du lịch canh nông, dù là hình thức mới, nhưng thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp để phát triển loại hình này.
Trao đổi sau chuyến khảo sát của đoàn công tác tỉnh tại TP Đà Lạt, Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Đức Long nhấn mạnh: Thời gian qua, tỉnh luôn rộng mở chính sách, cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, giai đoạn hiện nay, tỉnh đang rất khuyến khích doanh nghiệp gắn phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với du lịch để tạo sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn tại Quảng Ninh. Các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp có thể thông qua kênh như địa phương, chương trình Café Doanh nhân, hay từ các sở, ngành để thông tin đến tỉnh. Từ đó, tỉnh sẽ xem xét, ban hành các cơ chế chung cũng như cơ chế riêng cho doanh nghiệp đặc thù để phát triển mô hình du lịch mới mẻ này.
Quảng Ninh đang có thế mạnh về du lịch, việc phát triển tour tuyến rất bài bản sẽ là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn từ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nếu phát triển đúng hướng, doanh nghiệp sẽ gia tăng được giá trị của nông sản, việc tiêu thụ sản phẩm cả kênh bán buôn và bán lẻ chắc chắn cũng đem lại lợi thuận tốt hơn.