Nông nghiệp vẫn là động lực tăng trưởng chính

Nông nghiệp vẫn là động lực tăng trưởng chính
Theo TS. LƯU BÍCH HỒ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nông nghiệp vẫn sẽ là động lực tăng trưởng chính của năm 2018, đặc biệt là ngành thủy sản, chăn nuôi và rau quả.

- Đánh giá tổng quan về kinh tế năm 2017, theo ông đâu là điểm sáng?

- Nếu nói về kinh tế thực, tôi đánh giá rất cao nông nghiệp. Việc chuyển đổi cơ cấu của nông nghiệp từ lúa sang thủy sản, cây ăn trái và một số sản phẩm chăn nuôi khác đã đem lại cho nền kinh tế bước đà tăng trưởng. Quan trọng là, mặc dù thiên tai, khí hậu khắc nghiệt, mưa bão rất nhiều nhưng bà con vẫn khắc phục và làm tốt, tốc độ tăng trưởng không những không suy giảm còn tăng lên gấp đôi. Trong giá trị gia tăng nội địa, nông nghiệp chiếm tỉ trọng lớn nhất, hứa hẹn nhiều điểm tích cực trong những năm tới. Đây là điều tôi rất mừng.

Điểm sáng thứ hai là về dịch vụ. Năm 2017, Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị APEC nên cũng thúc đẩy, thu hút và giúp ngành du lịch quảng bá Việt Nam ra thế giới. Điểm sáng nữa là về xuất khẩu. Xuất khẩu năm nay đóng góp rất nhiều trong tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên tất cả những điểm sáng đó không thể tạo ra nếu không gắn với cải cách thể chế. Nhà nước đã có chủ trương, hành động hợp lý trong năm 2017 nên đã thúc đẩy được tăng trưởng. Đó cũng là bài học quý giá mà năm 2017 để lại cho năm 2018.

  Nguồn: baohungyen.vn

- Ông nghĩ sao về thách thức của nền kinh tế trong năm nay?

- Bên cạnh nền tảng thuận lợi mà năm 2017 đã tạo ra, tôi cho rằng năm 2018 không nên chủ quan bởi sẽ có nhiều khó khăn và thách thức đối với nền kinh tế. Thứ nhất là cải cách doanh nghiệp nhà nước vẫn còn chậm, cần phải có kế hoạch cụ thể và thúc đẩy quá trình cổ phần hóa nhanh hơn. Thứ hai, nợ xấu và nợ công tuy không còn căng thẳng như trước nhưng vẫn còn rất lớn. Khả năng trả nợ hiện nay đã lên đến 26% chi ngân sách, bên cạnh đó phải tính tới những năm sau, tỷ lệ này sẽ còn duy trì và tiếp tục tăng, nên xem xét khả năng trả nợ là rất quan trọng. Số doanh nghiệp đã tăng lên gần 130 nghìn trong năm 2017, nhưng với hơn 60 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động cũng sẽ có ảnh hưởng lớn. Chúng ta phải tạo cho những doanh nghiệp mới nhiều điều kiện tốt để phát triển, hoạt động và làm cho những doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường có điều kiện sớm quay trở lại.

Một thách thức nữa là thiên tai vẫn phức tạp và đang rình rập đối với nông nghiệp và đối với chung toàn nền kinh tế, đây là yếu tố khách quan khó lường trước. Về quốc tế và thị trường thế giới, tuy kinh tế thế giới có dấu hiệu đang phục hồi từng bước nhưng vẫn chưa đủ mạnh để chúng ta có thể lạc quan. Đi đôi với việc phục hồi ấy là sự cạnh tranh rất lớn, đòi hỏi phải có bảo hộ xen vào. Do đó, một mặt chúng ta phải đối diện với thách thức từ các đối thủ để nâng cao khả năng cạnh tranh, mặt khác phải đối diện với yếu tố bảo hộ.

2018 là năm quyết định Việt Nam sẽ được công nhận hay không được công nhận là nền kinh tế thị trường. Chúng ta cần thực hiện các quyết định của năm 2018 về các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Nếu vượt qua được thách thức, tranh thủ được các yếu tố thuận lợi và cơ hội, thì nền kinh tế sẽ đạt được những bước tiến mạnh hơn trong tương lai.

- Theo ông, động lực tăng trưởng của năm 2018 sẽ là gì?

- Tôi nghĩ nông nghiệp vẫn sẽ là động lực chính, trong đó đặc biệt là thủy sản, chăn nuôi và cây ăn trái. Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, da giày đều là động lực quan trọng bởi chiếm tỉ trọng rất lớn trong thị trường xuất khẩu, các thị trường vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Một ngành nữa mà chúng ta rất quan tâm đó là bất động sản. Nếu xử lý tốt thị trường bất động sản thì phân khúc nhà thu nhập trung bình, nhà ở xã hội sẽ được cho vay nhiều hơn để có thể khởi sắc hơn. Làm được điều này sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn thị trường bất động sản đang phải đối măt.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Nguyễn Thủy/daibieunhandan.vn