Nông sản Việt chinh phục nước Nhật: Chuối vượt “sát hạch” thế nào?
- Thứ tư - 21/12/2016 06:56
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chuối Việt nhọc nhằn vượt “sát hạch”
Có những dự án hợp tác phát triển nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản kéo dài nhiều năm bàn bạc, thảo luận nhưng vẫn chưa thể triển khai.
Thanh long là mặt hàng nông sản đã được xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: T.L
Theo lộ trình Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), đến năm 2020, sẽ có trên 800 dòng sản phẩm nông sản và thủy sản Việt Nam vào Nhật với thuế suất 0%. Cụ thể, từ năm 2014 đã có gừng, chuối, xoài, đậu tương được cắt giảm thuế. Đến năm 2016 có tiêu, rau chân vịt, ngô… Các dòng thuế có lộ trình giảm từ 3 - 5 năm, bao gồm 14 sản phẩm có nhiều tiềm năng xuất khẩu. GS - TS Võ Tòng Xuân cho rằng, đây là lợi thế cần được nắm bắt và tận dụng ngay.
|
Một trong những sản phẩm nông nghiệp được nhắc đến nhiều trong các hội nghị hợp tác Việt – Nhật gần đây là chuối tươi Việt Nam. Người Nhật rất chuộng ăn chuối vì loại trái cây này giàu chất xơ, kali, giúp tái tạo năng lượng nhanh mà lại an toàn cho sức khỏe, không gây béo phì…
Theo Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản, trái cây mà nước này nhập khẩu chủ yếu là chuối, dứa. Mỗi năm, riêng chuối, Nhật Bản nhập khẩu trên 1 triệu tấn, chủ yếu từ Đài Loan, Philippines. Chuối và dứa chiếm đến 65% giá trị nhập khẩu trái cây vào Nhật Bản.
Tại Việt Nam, theo đánh giá của Bộ NNPTNT, chuối được trồng khá nhiều trên cả nước, trong đó Đồng Nai có diện tích trồng chuối khá lớn, với hơn 7.000ha các loại. Chuối cũng là cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu của nhiều địa phương phía Bắc. Tuy nhiên, diện tích trồng chuối hiện phân bố rải rác, nhỏ lẻ nên việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn, đẩy chi phí giá thành lên cao. Các doanh nghiệp xuất khẩu do phải thu gom chuối nhiều nơi nên việc bảo quản không đảm bảo, ảnh hưởng tới chất lượng, giá bán ra của sản phẩm.
Tại TP.HCM, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) cũng đang hợp tác với Nhật để xây dựng vùng nguyên liệu chuối xuất khẩu với số lượng lớn tại các nông trường của Sagri ở huyện Củ Chi và Bình Chánh. Thế nhưng, theo một đại diện của doanh nghiệp này, sau nhiều lần thương thuyết, bàn bạc từ “đời” lãnh đạo tiền nhiệm, đến nay, dự án vẫn chưa thể triển khai cụ thể gì thêm.
Theo GS-TS, chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân, giá hàng hóa nông sản ở Nhật rất đắt đỏ, cao hơn gấp nhiều lần so với hàng cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác. Do đó, Chính phủ Nhật dựng rào cản lớn để bảo hộ sản xuất nội địa. Nông sản Việt Nam muốn vào Nhật phải vượt qua các vòng “sát hạch” rất gắt gao.
TS Xuân ví dụ, người Nhật rất thích ăn chuối nhưng để đảm bảo các tiêu chuẩn “sạch” của người tiêu dùng trong nước, doanh nghiệp nước này phải chủ động sang Philippines hướng dẫn nông dân cách trồng chuối theo tiêu chuẩn chất lượng của họ. Doanh nghiệp Nhật cũng hợp tác lập đồn điền hàng ngàn ha để trồng chuối rồi xuất về nước. Đây cũng là hướng phát triển mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang hướng tới, hợp tác trực tiếp với Nhật để làm theo đơn đặt hàng.
Doanh nghiệp “đau đầu” vì chất lượng
Không thiếu sản lượng nhưng để “làm ăn” được với thị trường Nhật, nhiều địa phương phải “đau đầu” vì yếu tố chất lượng. Nhiều nơi sẵn hợp đồng nhưng vẫn không dám ký vì không thể đáp ứng được cả số lượng lẫn chất lượng.
Ông Võ Quang Thuận - đại diện Công ty Huy Long An (huyện Đức Hòa, Long An) cho rằng, từ khi bắt tay vào làm nông sản xuất khẩu sang Nhật, vấn đề sản lượng, hợp đồng, giá cả… đều không đáng lo ngại. Vấn đề ông lo là chất lượng sản phẩm phải đồng nhất và đảm bảo đúng tiêu chí nhà nhập khẩu đưa ra. “Chuối, trái cây các loại ở ĐBSCL thì rất nhiều. Các vùng nguyên liệu cũng đã hình thành khá tốt nhưng làm nông nghiệp ở xứ mình căng nhất là đảm bảo chất lượng, sự đồng nhất. Kiểu trái to trái nhỏ rồi trái chín trái xanh… thì rất khó xuất khẩu” - ông Thuận phân tích.
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nhiều năm qua, Đồng Tháp đặt mục tiêu phát triển các triển vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào Nhật. Tuy nhiên, cái khó của Đồng Tháp hiện nay là sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, chịu ảnh hưởng nhiều từ thời tiết, trong khi vấn đề bảo hiểm nông nghiệp chưa được triển khai hiệu quả. Do đó, để nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển nông nghiệp hiện đại, cho ra sản phẩm chất lượng cao, tỉnh này kêu gọi xã hội hóa hoạt động bảo hiểm nông nghiệp cho các sản phẩm như lúa gạo, cây ăn trái…
Theo GS- TS Võ Tòng Xuân, thói quen sản xuất của nông dân Việt Nam hiện nay là vấn đề cần phải thay đổi nếu muốn có được những làng “nông nghiệp Nhật Bản” tại Việt Nam. Hơn nữa, phải nhanh chóng đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, hợp tác trao đổi để chuyển giao kỹ thuật từ phía Nhật Bản. Từ đó, dễ dàng đáp ứng được yêu cầu từ phía đối tác đưa ra.
Theo Thuận Hải/ Dân Việt