Nông sản sạch: Gỡ khó để phát triển
- Thứ năm - 19/10/2017 10:21
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhiều chính sách hỗ trợ
Ông Trương Hữu Lan - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, để khuyến khích các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 210 với hàng loạt ưu đãi. Tùy vào tính chất và lĩnh vực, các DN được hỗ trợ miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; đầu tư hạ tầng thiết yếu; trang bị máy móc; đào tạo nhân lực, phát triển thị trường; áp dụng khoa học công nghệ... “Sau hơn 3 năm triển khai Nghị định 210, đã có 65 DN đăng ký tham gia. Để khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các bộ, ngành Trung ương đang dự thảo một nghị định khác để bổ sung, thay thế Nghị định 210 theo hướng giúp DN dễ tiếp cận hơn với chính sách”, ông Lan cho biết.
Về phía ngành Thuế, cũng có nhiều chính sách ưu đãi thuế trong lĩnh vực chế biến tiêu thụ nông sản. Theo ông Trần Sỹ Quân - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, hiện nay, có nhiều chính sách ưu đãi thuế khi đầu tư vào các lĩnh vực: khuyến nông, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Bên cạnh các ưu đãi về chính sách thuế thu nhập DN, còn có các chính sách ưu đãi thuế giá trị gia tăng hay chính sách ưu đãi trong thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước. Những năm qua, ngành Thuế đã tập trung triển khai các chính sách này để tạo điều kiện hỗ trợ DN đầu tư vào các lĩnh vực: khuyến nông, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, chính sách thuế còn có các ưu đãi liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.
Cũng theo ông Trương Hữu Lan, ngoài các chính sách của Trung ương, UBND tỉnh còn ban hành nhiều chính sách riêng của địa phương nhằm thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp. Chẳng hạn như Quyết định 2488 về ưu đãi, hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh dành cho 3 đối tượng gồm: DN, tổ chức đại diện nông dân và nông dân. Gần đây nhất, tháng 3-2017, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn Khánh Hòa giai đoạn 2017 - 2020 theo Quyết định 661 đã được UBND tỉnh ban hành. Đây là những quyết sách được kỳ vọng sẽ là cú hích giúp cho nông nghiệp Khánh Hòa cất cánh. Theo đó, có 7 lĩnh vực được hỗ trợ, trong đó có các lĩnh vực rất quan trọng như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng; phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; ứng dụng công nghệ cao, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP); chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung…
Cần giải quyết vướng mắc
Trong khi đó, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, để khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, Ngân hàng Nhà nước đã có chương trình cho vay đối với các lĩnh vực này theo Quyết định 813 ban hành tháng 4-2017. Các ngân hàng dành 100.000 tỷ đồng để cho vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn 0,5 - 1,5%/năm so với các chương trình cho vay khác. Trước khi có gói tín dụng 100.000 tỷ đồng, một số khách hàng vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh cũng được tạo điều kiện để giải ngân nguồn vốn. Từ khi Quyết định 813 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giới thiệu 8 tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay từ gói tín dụng 100.000 tỷ đồng này.
Trong câu chuyện với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, vấn đề vốn để đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch hiện nay không còn là yếu tố nan giải, bởi gói tín dụng 100.000 tỷ đồng được các ngân hàng thương mại tích cực hưởng ứng. Tuy nhiên, số DN, cá nhân trên địa bàn tỉnh tiếp cận được còn hạn chế, cụ thể thời điểm trước ngày 31-3 có 2 khách hàng được vay với dư nợ cho vay 7,576 tỷ đồng để đầu tư trồng dưa lưới và nuôi heo trong phòng lạnh; sau đó có thêm 1 khách hàng vay đầu tư nuôi heo trong phòng lạnh với dư nợ 2,48 tỷ đồng. Từ khi Quyết định 813 của Ngân hàng Nhà nước ban hành đến nay chưa giải ngân cho khách hàng nào trên địa bàn tỉnh vay phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch dù ngành nông nghiệp đã giới thiệu 8 khách hàng; chỉ có dự án nuôi tôm công nghệ cao của Công ty Thủy sản Thông Thuận đã được cam kết cho vay 30 tỷ đồng.
Để nguồn vốn từ gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch được khơi thông, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa đề nghị giải quyết các vướng mắc đặt ra hiện nay. Cụ thể, địa phương phải có quy hoạch, chính sách cụ thể cho khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch phát triển. Bên cạnh đó, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi mới, tiềm ẩn nhiều rủi ro, trên địa bàn tỉnh lại chưa có tổ chức bảo hiểm nào bán bảo hiểm cho đối tượng sản xuất nông nghiệp, vì vậy cần quan tâm đến chính sách bảo hiểm nông nghiệp. Một tồn tại nữa cần giải quyết là sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn manh mún, nhỏ lẻ và tự phát, các dự án muốn tiếp cận gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cần đáp ứng tiêu chuẩn theo Quyết định 738 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được cấp giấy chứng nhận mới được áp dụng chính sách của gói tín dụng này; trong khi hầu hết các hộ dân mới bắt đầu triển khai dự án, chưa được cấp giấy chứng nhận nên chưa đủ điều kiện vay vốn theo chương trình. Đối với những khách hàng đủ điều kiện vay vốn thì cần quan tâm đến tài sản thế chấp, bởi thực tế khách hàng không có tài sản đảm bảo khi tiếp cận nguồn vốn vay này.
Đang có những tháo gỡ cụ thể
Với ngành chăn nuôi, ông Lê Đình Công - Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam Chi nhánh Khánh Hòa cho rằng, bên cạnh việc quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng để hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, hộ gia đình đầu tư vào chăn nuôi sạch thì khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đạt chuẩn tại TP. Nha Trang cần sớm được xây dựng. Bởi đơn cử như việc chăn nuôi heo của công ty, đảm bảo an toàn từ con giống, quá trình chăn nuôi đến khi xuất chuồng, nhưng đến khâu giết mổ thì chưa đảm bảo được do địa phương chưa có khu giết mổ tập trung. “Mới đây, tôi được biết lãnh đạo tỉnh đã đi khảo sát thực tế và chỉ đạo TP. Nha Trang sớm xây dựng khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại xã Phước Đồng; kinh phí để thực hiện dự án trong giai đoạn 1 là 100 tỷ đồng đã được UBND tỉnh phê duyệt. Hy vọng dự án sẽ hoàn thành trong năm 2017 như quyết tâm của UBND TP. Nha Trang”, ông Công bày tỏ.
Một câu chuyện lâu nay vẫn được nhiều người trăn trở, đó là thương hiệu gạo Ngọc Quang (thị xã Ninh Hòa) tuy đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận độc quyền nhãn hiệu từ tháng 2-2016 nhưng đến nay vẫn thiếu vốn để phát triển. Được biết, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp 1 Ninh Quang cần khoảng 5 tỷ đồng để mua lúa tích trữ, sau đó chế biến thành gạo cung cấp dần cho thị trường nhưng các kênh huy động vốn đang bế tắc. Lý giải về nguyên nhân HTX này chưa thể tiếp cận được vốn, ông Phạm Mạnh Cường - Phó Trưởng phòng Kinh tế hợp tác và trang trại, Chi cục Phát triển nông thôn cho hay: Hiện nay, chỉ mới 15% HTX tiếp cận được với nguồn vốn vay từ các ngân hàng. Riêng trường hợp HTX Nông nghiệp 1 Ninh Quang chưa thể tiếp cận vốn từ kênh ngân hàng do không có tài sản đảm bảo.
Trong khi đó, theo ông Đinh Văn Dũng - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, để giải quyết khó khăn về nguồn vốn cho các HTX nói chung và HTX Nông nghiệp 1 Ninh Quang nói riêng, hiện nay, Liên minh HTX tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để đề nghị UBND tỉnh thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh. Với nguồn vốn từ quỹ này, các HTX sẽ thuận lợi hơn trong việc tiếp cận vốn để đầu tư phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, mở rộng phạm vi dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh những chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo hướng bền vững, trước mắt ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang tích cực triển khai các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn theo VietGAP để cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn đến người dân. Theo ông Nguyễn Ngọc Việt - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, trong quý II/2017, chi cục đã triển khai xây dựng 2 mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm rau, quả an toàn; 3 mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm rau, quả đã được chứng nhận VietGAP; 3 mô hình trên cây lúa cũng đã được triển khai… Hiện nay, chi cục đang tiếp tục triển khai mới 14 mô hình trên các loại cây trồng như: ớt, hồ tiêu, xoài, bí xanh, sầu riêng, mía, dưa kiệu...
Hy vọng, với nhiều chính sách ưu đãi đối với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch đã và đang được triển khai, cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng để tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN trong việc tiếp cận các chính sách, trong tương lai không xa, nông nghiệp Khánh Hòa sẽ phát triển bền vững và quan trọng hơn là người tiêu dùng sẽ được sử dụng các sản phẩm nông nghiệp sạch, không còn lo lắng cho bữa ăn hàng ngày của mình.
Theo Báo Khánh Hòa