Nông sản sạch từ xã nông thôn mới

Nông sản sạch từ xã nông thôn mới
Hai năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Nông đã dành toàn bộ 5 sào đất ruộng của gia đình tại khu 8, xã Dậu Dương, huyện Tam Nông để tiến hành sản xuất rau an toàn theo Chương trình phát triển nông nghiệp cận đô thị của tỉnh. Được hỗ trợ giống, tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch theo quy trình sản xuất an toàn, quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), cây đu đủ, bí xanh và các loại rau nhà ông vẫn trồng hàng năm cho năng suất cao hơn hẳn và giá bán ngay tại chợ quê cũng nhỉnh hơn.
 Đường bê tông nội đồng thuộc chương trình Nông thôn mới trên cánh đồng áp dụng quy trình sản suất nông sản an toàn của xã Dậu dương.
Đường bê tông nội đồng thuộc chương trình Nông thôn mới trên cánh đồng áp dụng
quy trình sản suất nông sản an toàn của xã Dậu dương.


Đủng đỉnh ra ruộng đỗ cuối mùa vặt nắm quả về chuẩn bị cho bữa trưa, ông Nông bày tỏ: “Sản xuất rau an toàn nhà mình ăn thấy thật sự yên tâm mà mang ra chợ bán cũng đỡ áy náy. Dù không còn chương trình hỗ trợ, từ nay nhà tôi vẫn tiếp tục quy trình kỹ thuật đã được tập huấn trong canh tác rau màu. Không riêng gì nhà tôi, số lượng người dân trong vùng áp dụng kỹ thuật sản xuất rau an toàn vừa đảm bảo an toàn sức khỏe bản thân, gia đình và xã hội vừa có lợi nhuận kinh tế bền vững ngày càng nhiều…”. Cách thửa ruộng nhà ông Nông dăm bảy trăm mét, mấy năm nay vườn táo cũng mang về cho gia đình bà Phùng Thị Chì (khu 7) nguồn thu ổn định vài chục triệu đồng mỗi dịp giáp tết cổ truyền. Nhẹ tay lựa những quả táo vỏ xanh vàng láng bóng bỏ vào giỏ chuẩn bị giao cho thương lái, bà Chì phân trần: “3 sào ruộng khoán nhà tôi tiến hành trồng táo cả. 2 sào này có tất cả 72 gốc được hỗ trợ theo Chương trình phát triển nông nghiệp cận đô thị. Số tiền hỗ trợ không nhiều, nhưng quan trọng là mình được tập huấn, hướng dẫn trồng, chăm sóc, thu hoạch theo quy trình an toàn, và sản phẩm làm ra có thương hiệu VietGap nên dễ bán và có giá cao hơn hẳn. Cứ lấy bình quân 10 nghìn đồng một cân thì vườn táo nhà tôi cũng cho thu về hơn hai chục triệu đồng mỗi vụ. Vừa nhàn vừa có lợi nhuận cao hơn hẳn trồng lúa”…

Diện tích canh tác ít trong khi sản xuất nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo, nguồn thu chính đảm bảo cuộc sống của đại đa số người dân, nhiều năm nay, Đảng ủy, chính quyền xã Dậu Dương đã xác định phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị hàng hóa, lợi nhuận kinh tế là giải pháp trọng tâm giúp nhanh chóng giảm nghèo bền vững. Được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của người dân, các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi được tổ chức thường xuyên trên địa bàn và nhanh chóng được áp dụng, triển khai, phát huy hiệu quả tích cực với những mô hình kinh tế cụ thể như: Cánh đồng mẫu lớn, sử dụng giống lúa lai chất lượng cao, phương pháp gieo sạ, SRI; các mô hình trồng táo, đu đủ, bí đỏ, nuôi bò lai sind, lợn nái ngoại, gà ri lai...

Năm 2013, 66 gia đình của xã Dậu Dương được lựa chọn tham gia sản xuất rau an toàn theo Chương trình phát triển nông nghiệp cận đô thị của tỉnh với diện tích 4ha. Được hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch đảm bảo quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với lợi nhuận bước đầu cao hơn hẳn do năng suất, chất lượng vượt trội và quan trọng hơn là thương hiệu “nông sản an toàn” được thị trường đánh giá cao, người dân trong xã đã có chuyển biến rõ rệt trong phương thức tổ chức sản xuất. Số lượng người áp dụng quy trình sản xuất an toàn với các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế gia đình, thổ nhưỡng địa phương ngày càng nhiều. Đồng đất được sử dụng thâm canh chiêm mùa nối tiếp vụ đông không những giúp Dậu Dương đảm bảo an ninh lương thực mà còn cho thu nhập bình quân 70-80 triệu đồng mỗi ha/năm. Xã thuần nông nhưng thu nhập của người dân Dậu Dương đã đạt trung bình 24,36 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3%; gần 90% gia đình trong xã đạt tiêu chuẩn văn hóa.

Kinh tế - xã hội phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng cao là nền móng vững chắc, nguồn lực mạnh mẽ giúp xã triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ các nguồn vốn đầu tư và sự ủng hộ đóng góp tích cực của người dân, mấy năm gần đây, hàng loạt các công trình kết cấu hạ tầng của xã đã được thi công xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng phục vụ cuộc sống sinh hoạt, sản xuất. Trong 5 năm (2011-2015), tổng kinh phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn của xã đã đạt hơn 43,5 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 1,5 tỷ đồng. Phát huy vai trò chủ thể, các hộ dân đã chủ động hiến hơn 20.000m2 đất các loại phục vụ giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Cuối năm trước, Dậu Dương đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới.

Không riêng xã nông thôn mới Dậu Dương, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao lợi nhuận kinh tế, xây dựng thương hiệu “nông sản sạch” với quy trình sản xuất an toàn để có chỗ đứng vững chắc trên thị trường đã và đang được nhiều địa phương xác định là hướng phát triển bền vững có hiệu quả tích cực giúp nhanh chóng giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sông toàn diện cho người dân.

Theo Báo Phú Thọ