Nông sản trong tầm nhìn xuất khẩu
- Thứ bảy - 25/08/2018 10:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Và cũng như nhiều quốc gia chậm phát triển, nền kinh tế ngoại thương ở ta được hình thành rất muộn. Phải tới khi người Pháp vào thực dân, nó mới mơ hồ thành hình, mà chủ yếu đáp ứng những tính toán ích kỷ của đám ngoại bang xâm lược. Trước đấy nội thương tuy cũng có đôi chút thành tựu, nhưng tinh thần chủ đạo vẫn là một tâm thức tiểu nông tự cung, tự cấp. Do vậy những lúc được mùa, thóc gạo rau quả bỗng bị hạ giá thê thảm tới mức cho không. Có phải vậy chăng mà nỗi niềm vất vả đó vẫn ám ảnh người nông dân cho đến tận hôm nay. Rất dễ thấy điều này trong những chiến dịch giải cứu nông sản mới đây thôi. Hết dưa hấu miền trung thì đến su hào Hà Nội. Hết tỏi Lý Sơn thì đến củ cải Hải Dương, cho dù giờ đây có không ít những cục, những ban chiến lược về định hướng chế biến lẫn xuất khẩu nông sản. Nguyên nhân thì được giới chuyên môn uyên bác chỉ ra nhiều lắm. Nào là do công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn kém. Nào là chúng ta chưa biết cách “xuất tinh” mà chủ yếu là “xuất thô”. Nào là khâu quảng bá, xây dựng thương hiệu còn vô số hạn chế... Tất cả đều đúng, nhưng ở đây hình như có hằn đậm một căn tính văn hóa rất Việt.
Người Việt yêu nước vô cùng. Một trong những lý do lớn để hình thành nên lòng yêu vĩ đại ấy là nhờ tình yêu quê hương, mà cụ thể là làng là xóm là những gì gần gũi quen thuộc. Thế giới phẳng ở đâu thì không biết, thế nhưng phần lớn tầm nhìn của người Việt, khi mơ mộng ngắm xa xa chân trời vẫn thấy thích một lũy tre một bờ ao một thành giếng. Những lũy những thành những bờ này có phải là một sự cản trở hay không thì cứ hỏi những người nông dân. Chỉ biết khi không có những cái đó thì chợt thấy liêu xiêu, nao nao. Thăng hoa trên một tâm thức như vậy, hầu hết những lễ hội ở nông thôn đều mang đậm chất nông nghiệp. Dưới biển là lễ cầu ngư, trung du thì lễ xuống đồng, vùng núi thì hội cơm mới. Căn tính tiểu nông chưa bao giờ bị khuất lấp, ngay cả bây giờ đang là thời đô thị hóa, nhiều nông dân đã tràn ra phố sống ở các căn hộ chung cư cao cấp, ngày hai bữa mua thực phẩm tại siêu thị tối tân sáng choang bê-tông với vách nhôm kính. Chẳng có gì là lạ khi rất nhiều người không ăn được đồ Tây đồ Tầu. Cứ phải đi xa một tý là nhớ rau muống nhớ nước mắm và cồn cào thèm cơm. Nỗi nhớ này không những quấy rầy những người chân chất vai lấm tay bùn, mà ngay cả những người được tiếng là sành sỏi sang trọng cũng luôn bị “hành hạ”. Nhà văn Vũ Bằng là một thí dụ điển hình.
Ông Vũ khét tiếng là một ẩm thực gia tinh tế. Ông ăn nhiều, nghĩ nhiều và viết rất nhiều. Một món quê kiểng bình thường qua tay ông bỗng nhiên trở thành long lanh đặc sản. “Một rổ cá rô don ngày trước bán đắt lắm cũng chỉ đến hai hào. Đem về làm chẳng tốn kém gì, bất quá chỉ thêm một hai xu lá gừng, cọng gừng và một ấm trà Tầu đặc là cùng. Làm vẩy, mổ ruột bỏ đi rồi xếp vào nồi, cứ một lớp lá gừng và cọng gừng lại một lớp cá. Đoạn rồi lấy một nồi đất úp lên trên, lấy tro và trấu trét lại cho nồi thật kín. Lúc đó mới bện rơm xung quanh rồi vùi xuống tro có lửa lim dim. Đến lúc mở ra thì cá rô đỏ đòng đọc mà dừ nhuyễn ăn ngon gấp bội cá mòi đóng hộp. Nhất định cả thế giới này không có một món ăn nào sánh nổi”. (Thương nhớ mười hai). Đoạn văn có hào khí của một bài hịch, phơi phới một sự tự tôn dân tộc lành mạnh. Hơn mươi năm gần đây có nhiều khảo thuyết công phu khẳng định Vũ Bằng là một nhà tình báo lớn, đã được nhiều khen thưởng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Chẳng có ai ngạc nhiên cả, khi phải sống trong lòng địch mà vẫn yêu những món ăn đậm đà phong vị quê hương đến vậy, thì chắc chắn ông phải là nhà tình báo.
Ăn như vậy thì sẽ tiêu dùng như vậy, hầu hết người Việt đều không thích tha hương mưu sinh. Không tính những cơ quan hay công ty ngoại thương nhà nước mà tầm vóc hiện nay còn rất khiêm tốn, thì đối với phần lớn dân chúng, chủ động kinh doanh nông sản để xuất khẩu tới một thị trường mới lạ luôn là một công việc bỡ ngỡ. Thói quen văn hóa tự sản tự tiêu rồi tự tôn hình như đã là một căn tính. Xin trở lại chuyện ông Vũ. Văn chương viết về ẩm thực của ông vừa hay vừa độc đáo là nhờ những món ông đam mê tả thường gần gũi với người nông dân. Cũng như nhiều người Việt ưa nhai kỹ, khi kể về những món ăn thuần ta, bao giờ ông Vũ cũng “xỏ xiên” chê bai những món ăn xứ khác. Đấy là sự cảm động của văn ông. “Mù tạt là cái gì, nước cà tô mát là cái gì, ma di là cái gì. Trứng cà cuống tôi nhất định tin là còn khuya cái món cavia của Âu Mỹ mới mong sánh kịp”. Người đọc “xô vanh” theo ông mà rưng rưng nước mắt. Có thể nói, trong nhiều thời đoạn lịch sử gian nan nhất, dân tộc ta vẫn vững vàng giữ được nước là nhờ ở những lũy tre làng.
Dông dài như thế cốt để nhấn mạnh rằng, trên một mảnh đất bi tráng thuần nông “sáng chắn bão giông chiều ngăn địch họa” thì tư duy về kinh tế thị trường cởi mở thường gặp vô số trở ngại. Không phải ngẫu nhiên mà các vương triều hiển hách như Lý, như Trần, như Lê... với những võ công giữ nước vĩ đại cùng với một nghệ thuật dựng nước minh triết uyển chuyển luôn trùng trùng điệp điệp hiện diện các nhà chính trị, nhà quân sự, nhà văn hóa lỗi lạc. Vậy mà không hiểu sao, trên một phong khí thăng hoa đỉnh cao, người Việt vẫn hiếm hoi các nhà kinh tế lớn. Thật may mắn, thế hệ hôm nay đã có câu trả lời. Đó là phát huy tiềm năng nội lực sẵn có nghìn năm của cả dân tộc, đồng thời vươn mình hòa nhập với tầm cao thế giới. Thí dụ đơn giản nhất là vài năm gần đây, vải thiều Thanh Hà (Sơn Nam hạ) đã chiếm một thị phần đáng kể ở các bang miền Tây nước Úc.
Chắc chắn rằng, xuất khẩu nông sản Việt sẽ chuyển mình sang trang mới.