Nông thôn Trà Bồng khởi sắc

Nông thôn Trà Bồng khởi sắc
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), diện mạo nông thôn huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân không ngừng cải thiện và từng bước được nâng cao.
tr56t.jpg
Trà Bồng tập trung phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp mang tính đột phá, thu nhập cao, bền vững.

Xây dựng nhiều mô hình

Năm 2019, Ban chỉ đạo Chương trình MTQG  về XDNTM huyện Trà Bồng tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhằm không ngừng nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân về chương trình giai đoạn 2016-2020.

Xây dựng mới mô hình “Vườn hoa nông thôn” (xã Trà Bình), “Đường hoa nông thôn” tại Chi hội Phú Hòa (xã Trà Phú), “Bờ rào xanh” tại Chi hội Thôn Cả (xã Trà Hiệp) và nhân rộng mô hình “Giỏ rác gia đình” tại Chi hội Trường Biện (xã Trà Tân)...

Phong trào hiến kế, hiến ngày công XDNTM được nhiều người dân trong huyện tình nguyện tham gia hiến đất xây dựng đường giao thông nông thôn, đường dân sinh và nhà văn hóa, tham gia đóng góp tiền, ngày công để làm đường liên thôn; vận động phát dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm…, góp phần làm cho cảnh quan của địa phương ngày càng xanh - sạch - đẹp.

Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã tạo sự chuyển biến rõ nét, trong đó hai ngành lâm nghiệp và chăn nuôi đã từng bước hình thành và phát triển có hiệu quả theo hướng tập trung hàng hóa, chăn nuôi gia trại, trang trại gắn với XDNTM.

Nhiều mô hình SX trồng trọt và chăn nuôi có hiệu quả tiếp tục được phát triển như: Nuôi cá nước ngọt thương phẩm tập trung, nuôi dế sữa,  trồng nấm, trồng măng tây và chăn nuôi gia cầm tập trung; dự án rau củ quả, rau thủy canh, trang trại chăn nuôi công nghiệp tập trung khép kín tiếp tục phát triển và mở rộng quy mô.

Một số giống vật nuôi mới được đưa vào như: Hươu sao, bò lai BBB, Zebu..., Đặc biệt, việc hỗ trợ bò đực lai, bò cái lai sinh sản đã góp phần nâng tỷ lệ bò lai lên từng năm; các dự án sản xuất, chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị được hình thành.

Dự án trồng rừng gỗ lớn tại tiểu khu 47 xã Trà Thủy đã hoàn thành với diện tích thực hiện 11ha. Song song đó, nhờ công tác tuyên truyền, tập huấn, các địa phương đã thực hiện chuyển hóa khoảng 10ha rừng trồng nguyên liệu gỗ nhỏ sang rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn (người dân tự chuyển hóa), góp phần nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích gấp 2-3 lần so với khai thác keo ở độ tuổi từ 5-6 năm, giá trị thu nhập khoảng 400-450 triệu đồng/ha. Một số vùng chuyên canh cây quế, cây bản địa, cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao bước đầu được hình thành.

Lĩnh vực cơ giới hóa được quan tâm đầu tư và có bước phát triển đáng kể. Tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu vận chuyển đạt 50% được tính chung cho các loại cây trồng ngắn ngày; tỷ lệ cơ giới trong khâu xay xát gạo đạt 60%.

Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã được các địa phương quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Cải tạo vườn tạp được người dân tại nhiều địa phương thực hiện chuyển sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế (sầu riêng, bưởi da xanh, chuối...) và trồng các loại cây bản địa, cây gỗ nguy cấp quý hiếm góp phần tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị; đặc biệt, qua nguồn vốn đối ứng của tỉnh, huyện giao Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ cây cau hàng niên cho người dân ở các xã, thị trấn trồng trọt với nguồn kinh phí 5 tỷ đồng.

Trong năm 2019, công tác chuyển đổi từ đất trồng keo sang trồng quế tiếp tục được Trà Bồng quan tâm triển khai; một số vùng sau khi khai thác keo, người dân chuyển hẳn sang trồng quế, trong đó đáng kể nhất là các xã Trà Hiệp, Trà Lâm, Trà Bùi, Trà Thủy với diện tích chuyển đổi khoảng 30ha.

Sau 10 năm triển khai XDNTM, số tiêu chí bình quân trên toàn huyện đạt 12,11 tiêu chí. Xã Trà Bình đạt chuẩn NTM năm 2018; 01 xã đạt 17/19 tiêu chí (xã Trà Phú), 7/9 xã đạt 10-12 tiêu chí (Trà Sơn, Trà Giang, Trà Lâm, Trà Hiệp, Trà Tân, Trà Bùi, Trà Thủy).