Nữ doanh nhân trên vùng nông thôn mới

Sinh ra và lớn lên trong gia đình gốc công nhân, đi lên từ khó khăn nên bà Nguyễn Thị Nhung, Giám đốc Công ty TNHH Thiện Minh (xã Bảo Vinh, TX.Long Khánh) chọn lập nghiệp ở vùng quê.
Với bà Nguyễn Thị Nhung (đứng), luôn gắn lợi ích của doanh nghiệp với người lao động. Ảnh: B.NGUYÊN

Với bà, đầu tư mở doanh nghiệp (DN) không chỉ để làm giàu cho bản thân mà còn góp phần tạo cuộc sống tốt hơn cho  những người dân quê.

* Lập nghiệp ở vùng quê

Thiện Minh là DN có nhiều đóng góp vào chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ngoài việc góp tiền xây dựng đường sá trong chương trình nông thôn mới, đóng góp lớn nhất của nữ doanh nhân này là tạo việc làm ổn định cho gần 500 lao động nông thôn, trong đó khoảng 40% là người dân tộc thiểu số.

Chia sẻ về những ngày đầu mở DN, bà Nhung kể năm 2008, bà về xã Bảo Vinh lập DN trong ngành chế biến hạt điều với quy mô chỉ khoảng 20 công nhân làm thủ công. Thời đó, đời sống người dân còn khó khăn, đa số các tuyến đường ở đây được trải đá dăm, nắng bụi, mưa lầy. Nhờ chương trình nông thôn mới, các tuyến đường đều được nhựa hóa, xe container về tận xưởng để chở hàng; việc tổ chức thu mua, vận chuyển nông sản của bà con nông dân cũng thuận tiện hơn nhiều. Đặc biệt, việc tham gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần cải thiện điều kiện sống cho công nhân và cho chính lợi ích của bản thân DN.

Thiện Minh rất quan tâm chăm lo đời sống công nhân lao động. Nhiều năm qua, DN tổ chức bữa cơm trưa miễn phí cho công nhân, chế độ lương thưởng luôn được đảm bảo tốt. Công ty còn tạo điều kiện cho nhiều lao động nữ cao tuổi vào làm việc, nhất là những đối tượng có hoàn cảnh neo đơn, khó khăn. Bà Nhung tâm sự: “DN có đông công nhân nhưng mọi người rất đoàn kết, quan tâm lẫn nhau. Sức lao động của mọi người luôn được ghi nhận, không phân biệt là người dân tộc thiểu số, lao động lớn tuổi. Tôi đi lên từ khó khăn nên khi làm chủ DN tôi càng không phụ công người lao động”.

* Vững vàng trong khó khăn

Bà Nhung nói vui: “Đầu tư trong ngành chế biến nông sản phải có tinh thần thép mới trụ được vì rủi ro trong ngành này thường rất cao, nhất là thị trường hay biến động bất thường. Tôi từng rơi vào cảnh mất ăn mất ngủ vì kho nguyên liệu quá tải, sản xuất không kịp nên nợ đọng bạn hàng. Từ những bài học thực tế đó, tôi càng thận trọng để biết lượng sức mình trong đầu tư, phát triển”. Nhờ vậy, trong những năm ngành chế biến hạt điều gặp khó khăn, không ít DN phá sản, Thiện Minh vẫn giữ tăng trưởng ổn định. Hiện DN đang trực tiếp xuất khẩu qua hơn 10 nước trên thế giới, như: Australia, Singapore, Mỹ, các nước châu Âu...

Bà Nhung chia sẻ, mọi kinh nghiệm quản lý, điều hành DN đều đúc kết được từ vấp ngã, khó khăn do bản thân trải nghiệm từ thực tế làm việc. “Tôi luôn tin tưởng những bạn hàng cung cấp nguyên liệu cho mình. Họ cũng không e ngại gối đầu hàng cho DN rồi lấy tiền sau. Những khách hàng mới, tôi sẵn sàng bỏ chi phí ra nước ngoài để tìm hiểu xem họ làm ăn như thế nào, tin tưởng mới ký hợp đồng. Trong làm ăn, tôi chấp nhận có lời có lỗ nhưng chữ tín thì luôn phải giữ” - bà Nhung nói. 

Theo: baodongnai.com.vn