Nữ kỹ sư hơn 15 năm gắn bó với cây lúa

Nữ kỹ sư hơn 15 năm gắn bó với cây lúa
Lần trước tôi gọi điện xin “cái hẹn”, chị đang ở Tiền Giang, kiểm tra mấy ruộng lúa lai thử nghiệm, lần này, chị lại đang cùng đồng nghiệp lội ruộng ở Cần Thơ….

Cứ thế, chị quanh năm gắn bó với ruộng đồng, với phòng thí nghiệm và những giống lúa mới. Chị là kỹ sư Bạch Thị Vững – Trưởng Bộ môn lúa (Công ty CP giống cây trồng miền Nam, SSC).

 nu ky su hon 15 nam gan bo voi cay lua hinh anh 1

Chị Bạch Thị Vững (giữa) bên ruộng lúa lai trồng thử nghiệm.

Kỹ sư mê lúa lai

Tôi được nghe rất nhiều về nữ kỹ sư mê cây lúa Bạch Thị Vững, về những thành tích mà chị đã gặt hái trong hơn 15 năm gắn bó với ruộng đồng. Thế nên, tôi không hình dung được dáng người nhỏ bé, da ngăm đen của cô kỹ sư này…

Tốt nghiệp kỹ sư nông học năm 1988 (ĐH Nông - Lâm TP.Hồ Chí Minh), năm 1999, chị Vững về “đầu quân” cho Cty CP giống cây trồng miền Nam (SSC) để thực hiện khát vọng về cây lúa của mình. 

Ngay từ ngày đầu về đơn vị, chị được giao nhiệm vụ lai tạo và khảo nghiệm giống lúa lai 3 dòng bắc ưu 903 kháng bạc lá. Đây là một giống lúa của nước ngoài được trồng ở miền Bắc, năng suất cao, nhưng lại không thích hợp ở miền Nam vì lúa bị bệnh đạo ôn, vàng lùn và bạc lá. 

Thử thách đầu tiên không hề đơn giản với một cô kỹ sư vừa ra trường lúa bấy giờ như chị. Ấy thế nhưng, với quyết tâm cải thiện giống lúa này, chị đánh liều đem trồng ngay tại ĐBSCL, đem cả mầm sâu bệnh cấy vào cây lúa để nghiên cứu. Ròng rã hơn 5 năm trời, từng bước vượt khó, năm 2005, dự án thành công, giống được bán rộng rãi cho nông dân. 

Từ đó đến nay, chị Vững và đồng nghiệp đã cho ra đời 6 giống lúa lai, mang lại lợi nhuận rất lớn cho nông dân. Với những thành tích đạt được, chị Vững là người phụ nữ duy nhất trong 9 cá nhân đoạt giải Tôn Đức Thắng năm 2013 do LĐLĐ TPHCM trao tặng.

“Đã chọn công việc này thì phải chấp nhận dầm mưa, dãi nắng, sống ngoài đồng ruộng như nông dân. Có hiểu cây lúa thì mới có thể cho ra đời những giống lúa tốt”, chị Vững tâm sự.

Lặn lội thân cò cùng cây lúa

Để được gặp mặt, trò chuyện cùng chị Bạch Thị Vững, tác giả bài viết này đã nhiều lần gọi điện, nhắn tin “xin” đăng ký hẹn làm việc, thậm chí, “giở chiêu hăm dọa”. Ấy thế mà, chị Vững vẫn cứ cười xuề xòa: “Chị ở ngoài đồng hoài em ơi, được hôm lên Thành phố họp thì phải gom nhiều việc vào làm cho hết để rồi còn về xem giống má dưới ruộng. Có lúc nhớ nhà, nhớ con quá mà kẹt lúa đang cần theo dõi, không dứt ra được”, chị Vững giải thích.

Gần đây nhất, chị Vững cùng đội ngũ kỹ sư của SSC “mất ăn mất ngủ” với dự án lai tạo giống lúa lai thơm, năng suất cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cho vùng ĐBSCL, trong đó có giống lúa KC06-1 và KC06-5. Sau nhiều năm gắn bó, tới thời điểm hiện tại, cả hai giống KC06-1 và KC06-5 bước đầu đem lại hiệu quả cao

“Cả hai giống KC06-1 và KC06-5 đều phù hợp vùng đất trồng 2 - 3 vụ lúa/năm và đất lúa - tôm tại ĐBSCL. Chúng tôi đã cho khảo nghiệm ở nhiều nơi, các giống lúa trên đều có ưu điểm vượt trội, năng suất trung bình vụ ĐX đạt từ 7 - 9 tấn/ha, được bà con ưa chuộng”, chị Vững hào hứng khi chia sẻ về hai giống lúa mới.

Cuối tuần này, một số bà con trồng giống lúa KC06 -1 và KC06-5 tại Kiên Giang sẽ thu hoạch. Đây là vụ mùa mà hai giống lúa này được trồng với diện tích khá lớn ở vùng Kiên Giang. Do đó, không chỉ bà con nông dân mà bản thân chị Vững cũng rất hồi hộp chờ đợi kết quả.

Với những đóng góp tích cực cho ngành nông nghiệp nước nhà, năm 2013, chị Vững là gương mặt nữ duy nhất trong số 9 cá nhân đoạt giải Tôn Đức Thắng, góp phần không nhỏ vào việc tăng năng suất và chất lượng giống lúa lai, mang lại lợi ích cho công ty hàng tỉ đồng mỗi năm, góp phần khẳng định vị thế lúa gạo Việt Nam trên trường quốc tế.

 “Những giống lúa mới mang lại lợi nhuận hàng tỉ đồng cho công ty, giúp bà con tiết kiệm chi phí đầu tư trị sâu, bệnh cho lúa. Ngoài ra còn cho gạo đẹp hơn, cơm dẻo hơn, năng suất cao, gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, bà con nông dân rất vui, tôi cũng hạnh phúc lắm”, chị Bạch Thị Vững vui vẻ chia sẻ.


Theo Hải Anh/ Dân Việt