Nuôi heo sạch bằng cám thảo dược

Nuôi heo sạch bằng cám thảo dược
Bằng việc tận dụng các phế phẩm nông nghiệp kết hợp với dung dịch thảo dược, mô hình chăn nuôi heo sạch tại Quảng Ngãi đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Không chỉ sản phẩm xuất ra được thị trường ưa chuộng, giá bán cao mà mô hình còn góp phần bảo vệ môi trường.

15-22-06_1
Heo nuôi bằng thảo dược sinh trưởng tốt, ít dịch bệnh nên giảm được nhiều chi phí đầu vào.

Đầu năm 2019, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Hội Nông dân huyện Nghĩa Hành triển khai hỗ trợ cho hợp tác xã (HTX) chăn nuôi Tân Hòa Phú (xã Hành Tín Tây) triển khai mô hình chăn nuôi heo sạch bằng thảo dược.

Mô hình được thực hiện với quy mô 72 con heo có trọng lượng bình quân từ 12 – 16kg/con trong đó HTX được hỗ trợ 100% con giống và 30% thức ăn thảo dược đậm đặc.

Đây là mô hình được thực hiện theo hộ anh Tạ Hùng Đậu (TX Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). Mô hình đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công bằng việc sử dụng những nông sản sẵn có ở địa phương được phối trộn với cám thảo dược để nuôi heo thịt theo quy mô nông hộ, được nhà nước bảo hộ độc quyền.

Quá trình chăn nuôi từ lúc thả heo đến lúc xuất bán thực hiện với tiêu chí 3 không: Không sử dụng thức ăn cám công nghiệp, không sử dụng thuốc kháng sinh, không sử dụng các chất kích thích tăng trưởng. Toàn bộ thức ăn của heo đều bằng nguồn thức ăn tự nhiên như cám gạo, bột bắp, bột mì và cám thảo được được pha trộn theo tỷ lệ 3:1.

Anh Lê Quang Trung, Giám đốc HTX Tân Hòa Phú cho biết, nuôi heo bằng phương pháp này sử dụng con giống địa phương và các phế phẩm từ nông nghiệp nên chi phí đầu vào rất ít.

Heo nuôi sinh trưởng tốt, ít xảy ra dịch bệnh nên không tốn thuốc thú y, đảm bảo tiêu chí không sử dụng thuốc kháng sinh. Trong quá trình nuôi chủ yếu chỉ sử dụng các loại cây thảo dược tại địa phương để trị các bệnh đơn giản như nhiễm nước, bỏ ăn, tiêu chảy…

15-22-06_2
Thức ăn của heo chỉ sử dụng các sản phẩm tự nhiên cùng với cám thảo dược theo tỷ lệ 3:1.

Cũng theo anh Trung, để tăng thêm hiệu quả của mô hình thì khi làm chuồng nuôi nên xây dựng nền chuồng bằng gạch men. Bởi với nền chuồng như thế thì có thể hạn chế được hoạt động của heo, ít tiêu hao năng lượng. Ngoài ra, khi heo tiết mồ hôi thì mùi thảo dược sẽ không bị hấp thụ vào nền chuồng mà quay ngược trở lại con heo, tạo mùi thơm đặc trưng của thịt heo so với sản phẩm heo thịt thông thường.

Đến nay, qua 4 tháng nuôi, heo đạt trọng lượng bình quân 80kg/con, tăng 60kg/con so với lúc đầu nuôi. So với nuôi bằng cám công nghiệp, thì heo được nuôi bằng thức ăn thảo dược tăng trưởng chậm hơn, trọng lượng ít hơn khoảng 40kg/con trong cùng 1 thời gian chăm sóc. Tuy nhiên, mô hình này lại đưa ra thị trường sản phẩm thịt sạch có chất lượng thơm ngon, màu sắc tươi đẹp bắt mắt, giá bán cao hơn.

“Mô hình không chỉ thúc đẩy chăn nuôi tại địa phương, nâng cao đời sống và thu nhập mà còn hướng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Heo nuôi bằng thảo dược được người tiêu dùng đánh giá cao.

Hiện nay, sản lượng đàn heo của HTX đạt 4.800kg heo hơi. Với giá bán bình quân 42.000 đồng/kg heo hơi, cao hơn từ 10.000 - 12.000 đồng/kg heo hơi so với giá thị trường, mô hình thu về 240 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lại 60 triệu”, ông Trung cho biết.

Thấy được hiệu quả mà mô hình mang lại, HTX Tân Hòa Phú đã tổ chức nhân rộng ra cho 16 xã viên của HTX và cam kết với tỉnh sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 300 con heo sạch trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Đây cũng là động lực cho nền kinh tế tại địa phương phát triển và cũng cho các xã viên cũng như người dân tham gia liên kết có cơ hội tiếp cận với nền chăn nuôi bền vững, sản phẩm nông nghiệp sạch.

15-22-06_3
Sau 4 tháng, heo nuôi bằng thảo được đạt trọng lượng bình quân 80kg/con, giá bán cao hơn thị trường từ 10.000 – 12.000 đồng/kg heo hơi.
Ông Từ Văn Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghĩa Hành cho biết: "Để nhân rộng mô hình chúng tôi đã đầu tư hỗ trợ thêm cho HTX. Bên cạnh đó, sắp tới Hội Nông dân huyện sẽ tổ chức hội nghị để đánh giá kết quả đề án vừa rồi cho các hội viên nông dân có tâm đắc với chăn nuôi trên toàn huyện nắm bắt được thông tin cũng như điều kiện tổ chức sản xuất để phát triển mô hình rộng rãi hơn nữa”.
LÊ KHÁNH – KIM SƠ/ Nông nghiệp