Nuôi kết hợp vừa lợi ích kinh tế, vừa đảm bảo môi trường
- Thứ bảy - 20/08/2016 22:48
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mô hình nuôi kết hợp ốc hương với hải sâm và rong biển |
* Hiệu quả kinh tế và đảm bảo môi trường
Vừa qua, tại huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III tổ chức hội thảo nhân rộng mô hình “Nuôi tôm kết hợp ốc hương với hải sâm và rong biển cho một số tỉnh ven biển miền Trung”.
Th.S Kim Văn Tiêu, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, thực hiện chương trình KH-CN phục vụ xây dựng NTM, năm 2015 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì xây dựng mô hình nuôi kết hợp tôm sú, ốc hương, hải sâm và rong biển ở các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên và Khánh Hòa. Trung tâm đã phối hợp với Viện Nghiên cứu NTTS III xây dựng 2 quy trình công nghệ nuôi kết hợp ốc hương với hải sâm và rong biển và nuôi kết hợp tôm sú với hải sâm và rong biển.
Lợi ích của mô hình là hải sâm ăn lọc, rong câu hấp thụ các chất dinh dưỡng hòa tan làm giảm quá trình ô nhiễm từ hoạt động nuôi ốc hương. Sau đó là hải sâm, rong biển sẽ chuyển dạng năng lượng thấp (chất thải) sang năng lượng cao và hữu ích; đồng thời giúp người nuôi tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
“Qua 2 năm triển khai các mô hình tại một số tỉnh ven biển miền Trung đều thành công và khẳng định hiệu quả. Đối với mô hình nuôi kết hợp tôm sú với hải sâm và rong biển cho thu nhập 150 triệu đồng/ha; còn nuôi kết hợp ốc hương với hải sâm và rong biển đạt 200 triệu đồng/ha. Thành công của mô hình này đã đánh thức các vùng nuôi tôm bị bỏ hoang, từ nuôi thâm canh chuyển sang nuôi kết hợp, đảm bảo lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường”, ông Tiêu nhấn mạnh.
TS Thái Ngọc Chiến, Viện Nghiên cứu NTTS III nhận định, nghề NTTS hiện nay đối mặt với ô nhiễm lớn, trong quá trình nuôi, lượng chất thải đưa ra môi trường chiếm đến 70%. Để hạn chế tình trạng trên, các nhà khoa học khuyến cáo nuôi kết hợp sử dụng các loài ăn lọc để nuôi ghép.
“Hiện công nghệ nuôi kết hợp đã trở thành phổ biến được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng như Philippines, Ấn Độ, Thái Lan… Tính tiên tiến và ưu việt của mô hình này là dùng hải sâm và rong biển ăn chất thải của ốc hương thông qua quá trình lọc nước”, TS Thái Ngọc Chiến chia sẻ.
Tham quan mô hình nuôi kết hợp của ông Nguyễn Văn Dương |
"Mô hình nuôi kết hợp rất dễ áp dụng và phù hợp với nông dân miền Trung nên cần được nhân rộng. Tuy nhiên lâu nay bà con chỉ quen nuôi đơn thuần, trong khi nuôi kết hợp nhiều đối tượng đòi hỏi phải có kiến thức và nắm vững kỹ thuật mới thành công. Vì vậy, trung tâm khuyến nông các tỉnh cần tăng cường tập huấn để nông dân nắm bắt", Th.S Kim Văn Tiêu. |
Trong năm 2016, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã xây dựng mô hình liên kết và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị tại 2 tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa với quy mô 2ha/mô hình.
Ông Nguyễn Văn Dương ở thôn Xuân Đông, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) áp dụng mô hình nuôi 1ha kết hợp ốc hương với hải sâm và rong biển cho biết, được nhà nước hỗ trợ 30% thức ăn; 50% giống và 100 lưới trồng rong nho.
Trước đây ông chỉ nuôi ốc hương đơn thuần và thường xuyên bị thua lỗ vì dịch bệnh. Khi tham dự án ông được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, bắt đầu nuôi bài bản. Trước kia nuôi ốc hương với mật độ dày, nay chỉ thả 50 con/m2; hải sâm 0,5 con/m2 và rong nho 500kg/ha.
“Đến nay đã thả nuôi hơn 3 tháng. Ốc hương, hải sâm và rong biển sinh trưởng và phát triển tốt. Dự kiến thu hoạch trong tháng 9 tới. Hải sâm sẽ thu gom vào giai và thả tiếp vụ sau, còn ốc hương sẽ thu hoạch. Riêng rong nho sau hơn 1 tháng nuôi đã thu hoạch, đến nay xuất bán 3 đợt được 1,6 tấn thu 48 triệu đồng”, ông Dương nói.
Tại tỉnh Ninh Thuận, mô hình nuôi tôm sú kết hợp với hải sâm và rong biển cũng cho kết quả tốt. Ông Nguyễn Tin, GĐ Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận cho biết, quy mô tham gia dự án 2ha, mật độ thả tôm sú 20 con/m2, hải sâm 1 con/m2, rong biển 500kg/ha. Đến nay mô hình đã triển khai được 70 ngày, nông dân thu hoạch trên 2 tấn tôm, rong biển và hải sâm đang phát triển tốt.
“Thời gian qua với tình hình nắng hạn gay gắt, tình hình nuôi thủy sản ở nhiều địa phương bị tổn thất, nhưng mô hình nuôi kết hợp này cho kết quả khả quan. Sau khi kết thúc dự án, tỉnh sẽ tiếp thu để nhân rộng mô hình”, ông Tin chia sẻ.