Nuôi thủy sản theo hướng an toàn sinh học: Hiệu quả nhìn từ thực tiễn

Nuôi thủy sản theo hướng an toàn sinh học: Hiệu quả nhìn từ thực tiễn
Nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học là hướng đi bền vững cho ngành thủy sản Việt Nam với nhiều lợi ích tối ưu. Điều này được minh chứng thông qua mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học tại một số địa phương.
Chăn nuôi cá theo hướng an toàn sinh học tại Bắc Giang đã đem lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi. Ảnh minh họa

Hướng phát triển mới

Những năm qua, nuôi trồng thủy sản nước ta có những bước phát triển vượt bậc. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản cả nước năm 2014 ước đạt 3,62 triệu tấn, tăng trưởng khoảng 8,69% so với năm ngoái. Tuy nhiên, kéo theo đó, nuôi trồng thủy sản cũng gặp rất nhiều khó khăn như các mầm bệnh lây lan trong vùng nuôi rất khó trị, chất lượng con giống, thức ăn và nguồn nước kém, dư lượng hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm ngày càng cao nên đã ảnh hưởng đến chất lượng thủy sản...


Thực trạng trên đòi hỏi cần có phương pháp để giúp người dân nuôi thủy sản có thể hạn chế được những khó khăn và rủi ro gặp phải. Nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học được xem là hướng đi mới nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực trên, giúp nghề nuôi phát triển bền vững, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, hỗ trợ cho các hoạt động xuất khẩu.


Theo đó, mô hình nuôi theo hướng an toàn sinh học sẽ không sử dụng các loại hóa chất độc hại mà dùng chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi trồng để hạn chế tối đa dịch bệnh, khắc phục hiện trạng ô nhiễm môi trường nước, giúp giảm thiểu rủi ro, góp phần ổn định đầu ra, đem lại kinh tế cao và đảm bảo an toàn, phát triển bền vững.


Thực tiễn tại các địa phương

Nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh Bắc Giang đang phát triển mạnh. Sản lượng năm 2014 đạt hơn 29,5 nghìn tấn, đứng đầu khu vực Trung du miền núi phía Bắc. Toàn tỉnh đã hình thành nhiều khu nuôi thâm canh và bán thâm canh, khu sản xuất hàng hóa tập trung.Tuy nhiên, người nuôi cá chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, coi trọng số lượng mà chưa thực sự chú ý bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường ao nuôi và dịch bệnh. 


Trước thực trạng trên, tỉnh có định hướng phát triển nuôi thủy sản theo hướng an toàn sinh học, mục tiêu đến năm 2015 quy hoạch 295 ha; năm 2020 là 750 ha. Để thực hiện được, hằng năm Chi cục Thủy sản xây dựng mô hình nuôi cá theo hướng an toàn sinh học tại Việt Yên, Tân Yên với diện tích hơn 70 ha. Các hóa chất sử dụng chủ yếu là vôi bột, muối hạt, tỏi xay nhuyễn và đặc biệt là sử dụng chế phẩm sinh học để ổn định các thông số môi trường trong ao; sử dụng chế phẩm sinh học, quạt nước để ổn định môi trường nước; ôxy luôn được duy trì với nồng độ cao, cá không bị ngạt, giảm thời gian nổi đầu, tăng quá trình trao đổi chất. Chính vì thế, cá khỏe và hấp thu thức ăn tốt hơn. Trong suốt quá trình, người nuôi trồng thủy sản sử dụng chế phẩm sinh học EMINA để bổ sung các vi sinh vật có lợi, làm ổn định các thông số môi trường. Đây là điều kiện tốt giúp cá sinh trưởng và phát triển, hấp thụ thức ăn tốt, giảm chi phí đầu tư thức ăn, tăng lợi nhuận cho người nuôi. 


Nhờ áp dụng mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh an toàn sinh học đã cho năng suất vượt trội so với mô hình SX truyền thống. Từ tháng 5/2015, trên diện tích 4 ha thuộc xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, 7 hộ gia đình đã chuyển từ nuôi trồng thủy sản theo hướng truyền thống sang nuôi thâm canh. Dẫn chúng tôi tham quan khu nuôi trồng thủy sản của gia đình mình khi đang chuẩn bị thu hoạch, ông Nguyễn Văn Thức ở xã Lê Thanh phấn khởi cho hay, qua nuôi 6 tháng, trọng lượng cá rô phi đạt bình quân 0,65 kg/con. Đây là con số ấn tượng mà trước đây khi nuôi trồng theo hướng truyền thống, ông chưa bao giờ đạt được.


Năm 2015 được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Trạm Khuyến nông Mỹ Đức xây dựng mô hình nuôi thủy sản theo hướng thâm canh an toàn thực phẩm tại xã Lê Thanh. Ông Thức nhận tham gia ngay. Bà Nguyễn Thị Khanh, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Mỹ Đức cho hay, sau khi nhận được kế hoạch của Trung tâm Khuyến nông giao, trạm đã khảo sát và chọn xã Lê Thanh làm mô hình, bởi xã đã quy hoạch vùng thủy sản tập trung. Các hộ ở đây hưởng ứng nhiệt tình và đầu tư bài bản, có sự liên kết với nhau để trao đổi kinh nghiệm nuôi đảm bảo có hiệu quả. Từ khi được triển khai, Trạm đã tiến hành cấp 100% giống gồm cá rô phi và chép cho các hộ tham gia. Kết quả, tỉ lệ sống của cá sau khi thả đạt 98%; có hướng dẫn xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học để xử lý ao nuôi; cho cá ăn loại cám có chất lượng tốt nhất thị trường hiện nay; trước khi thu hoạch phải dừng thuốc ít nhất 7 ngày.
 

Cũng giống Mỹ Đức, Thanh Oai là một huyện ngoại thành Hà Nội, trong những năm gần đây phong trào nuôi thủy sản đã phát triển mạnh. Trong đó các xã Cao Dương, Thanh Văn, Liên Châu, Tam Hưng là những điểm sáng từ khi áp dụng mô hình nuôi thủy sản an toàn sinh học. Nhiều chân ruộng trũng của xã cấy lúa bấp bênh kém hiệu quả đã được người dân chuyển sang nuôi cá. Các lớp tập huấn về nuôi trồng thủy sản của Trạm Khuyến nông huyện Thanh Oai đã giúp người nuôi cá được nâng cao. Năng suất và sản lượng cá nuôi tăng hơn hẳn so với nuôi truyền thống, thời vụ ngắn và tập trung hơn. Nhiều biện pháp quản lý ao mới được áp dụng vào mô hình như sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường nước ao, định kỳ hàng tháng trộn thuốc vào thức ăn cho cá để phòng bệnh, nuôi cá hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp viên nổi... Phương pháp nuôi theo hướng an toàn sinh học giúp môi trường ao nuôi được đảm bảo hơn so với nuôi truyền thống.
 

Gia đình ông Phạm Đắc Vân ở xã Thanh Văn là một trong 4 hộ của xã được chọn làm mô hình với diện tích 1,5 ha. Ông Vân cho biết, gia đình được hỗ trợ khoảng 15.000 con cá giống, 6 kg chế phẩm sinh học và 4 kg thuốc kháng sinh, 108 bao cám... Nuôi theo hướng an toàn sinh học, quản lý tốt lượng thức ăn dư thừa nên không gây ô nhiễm nguồn nước. Năng suất cá đạt trên 15 tấn/ha, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 82 triệu đồng/ha, cao hơn 30 - 40 triệu đồng/ha so với nuôi truyền thống.


Đối với nuôi thủy sản nước ngọt, công tác khuyến nông  của tỉnh Tiền Giang thời gian qua tập trung vào các đối tượng có giá trị xuất khẩu như nuôi cá tra, cá điêu hồng nuôi bè, cá tai tượng, cá rô phi và các đối tượng thủy sản có giá trị khác như cá rô đồng, cá sặt rằn, lươn, ếch, ba ba, cá tra và sản xuất giống thủy sản. Những tiến bộ kỹ thuật chính được áp dụng vào các mô hình hướng dẫn nuôi thủy sản theo hướng an toàn sinh học được khuyến khích áp dụng và đã đạt những thành công bước đầu.


Cụ thể, mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong ươm cá mè vinh, cá tra cho lợi nhuận 35 triệu đồng/ha/vụ đối với cá mè vinh và 400 triệu đồng/ha/vụ đối với cá tra. Mô hình giúp bà con nắm vững quy trình sản xuất tiên tiến theo hướng bền vững, thân thiện môi trường, tạo sản phẩm mang tính cạnh tranh cao. Hướng đến tạo ra vùng sản xuất giống cá tra đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, phục vụ vùng nuôi thương phẩm trong và ngoài tỉnh. Nuôi ếch thương phẩm trái vụ cho lợi nhuận 5 triệu đồng/1.000 con ếch, gấp đôi so với nuôi vụ thuận. Mô hình có thời gian nuôi ngắn, diện tích nhỏ nên khả năng nhân rộng cao, đặc biệt ở các nông hộ có ít vốn sản xuất và khu vực thành thị.


Còn đối với mô hình kết hợp cá - lúa, lợi nhuận của mô hình 3 vụ lúa kết hợp 1 vụ cá cao gấp 2 lần so với chỉ trồng 3 vụ lúa, vì ngoài thu hoạch lúa với sản lượng cao hơn 8 - 10% so với ruộng bình thường do nuôi cá trên ruộng sẽ tận dụng được thức ăn thừa của cá và phân cá thải ra làm tăng độ phì nhiêu của đất, tiết kiệm được 10 - 12% chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho lúa. Đặc biệt, đây là mô hình tạo ra sản phẩm cá - lúa an toàn, sản xuất thân thiện với môi trường là hướng đi bền vững trong tương lai.


Đối với các mô hình nuôi thủy sản nước lợ, Trung tâm khuyến nông tỉnh tập trung vào các đối tượng có giá trị cao như nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, nghêu… Trong thời gian qua, Trung tâm khuyến nông đã đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào nghề nuôi tôm nước lợ như nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi luân canh tôm - lúa, nuôi ghép tôm sú với cá rô phi hoặc tôm thẻ chân trắng, nuôi đối tượng mới (tôm càng xanh toàn đực, tôm thẻ chân trắng, cá kèo…), ươm cá tra giống sau vụ tôm, nuôi tôm quảng canh cải tiến luân canh trồng lúa.


Nuôi tôm sú luân canh trồng lúa theo hình thức 1 vụ tôm - 1 vụ lúa, tạo nên môi trường ao nuôi bền vững theo quy trình này thì nền đáy ao sẽ có thời gian phục hồi giúp cho tôm nuôi trở nên bền vững hơn, thể hiện nhiều ưu thế phát triển, phù hợp với xu thế chung, nhất là rủi ro dịch bệnh thấp, tạo ra sản phẩm sạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Hiện nay, diện tích nuôi tôm - lúa toàn tỉnh khoảng 1.000 ha, chủ yếu ở huyện Tân Phú Đông, năng suất lúa 5 - 6 tấn/ha, năng suất tôm khoảng 500 - 600 kg/ha.


 Như vậy, để tăng giá trị và hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích nuôi, tạo được sản phẩm thủy sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng thì cần phải hình thành các vùng nuôi tập trung thâm canh theo hướng an toàn sinh học đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là hướng phát triển trong tương lai.
Theo Hội Nông dân