Nuôi tôm sạch không lo giá cả và đầu ra

Mô hình nuôi tôm sạch không sử dụng kháng sinh đã và đang mở ra giai đoạn mới và cần được tuyền truyền, từng bước nhân rộng trong tương lai.

Hiện nay, nhiều Hợp tác xã (HTX) ở ĐBSCL đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi tôm sạch, nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc sử dụng vi sinh trong nuôi trồng. Bước đầu, mô hình được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, giúp giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, đặc biệt là vấn nạn sử dụng hóa chất, kháng sinh trong quá trình nuôi, góp phần làm tăng giá trị sản phẩm con tôm của Việt Nam.

Năm 2016 là năm đầu tiên HTX Hòa Nghĩa ở ấp Cảng Buối, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng được Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên giới thiệu, ký kết hợp đồng tiêu thụ tôm sạch trong vòng 3 năm với Công ty Stapimex. Theo đó, nếu trong quá trình nuôi không sử dụng kháng sinh và đạt tiêu chuẩn ASC (tiêu chuẩn của Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản), giá trị con tôm sẽ được bán với giá cao hơn thị trường từ 10-15%.

 

nuoi tom sach khong lo gia ca va dau ra hinh 1
Nuôi tôm sạch và liên kết với doanh nghiệp để có sản phẩm đạt chất lượng, đầu ra ổn định. (Ảnh minh họa: KT)
Đại diện HTX Hòa Nghĩa cho biết, dù là năm đầu thực hiện, tỷ lệ thành công cao, ít xảy dịch bệnh và môi trường nước ô nhiễm cũng dần được giải quyết. Kế hoạch năm nay, HTX sẽ tăng diện tích lên hơn 90 ha với 29 thành viên.

“Từ nuôi tôm sạch theo hướng VietGAP cho đến tiêu chuẩn cao hơn là ASC đều được HTX nuôi thành công nhiều hơn khi chưa làm mô hình. HTX có 19 thành viên, chỉ có 1 người nuôi tôm hòa vốn, 2 người nuôi bị lỗ, còn lại là làm ăn có lời, mỗi hộ lời ít nhất từ 100 triệu, cao nhất đến gần 1 tỷ đồng”, ông Ngô Thanh Tuấn, Giám đốc HTX Hòa Nghĩa cho biết thêm.

Cùng quan điểm này, ông Ngô Công Luận, Giám đốc HTX Nông Ngư 14/10 ở huyện Mỹ Xuyên khẳng định, nuôi tôm không sử dụng kháng sinh, sản lượng thu về không giảm, tỷ lệ thành công cao và sản phẩm tôm bán được giá.

Ông Luận cho rằng, trong xu thế thị trường hiện nay, các xã viên HTX đều nhận thức chỉ có nuôi tôm sạch và liên kết với doanh nghiệp mới có sản phẩm đạt chất lượng, đầu ra ổn định. Trên diện tích 27ha, mỗi năm HTX cung ứng khoảng 50 tấn tôm sạch ra thị trường với lợi nhuận từ 3-4 tỷ đồng/năm.

“Qua 4 năm thực hiện HTX nuôi tôm không sử dụng kháng sinh, sản lượng nuôi luôn được giữ vững và có thể khẳng định là mô hình thành công. So với những năm trước kia khi còn sử dụng kháng sinh, 4 năm gần đây hiệu quả đạt tốt hơn”, ông Luận chỉ rõ.

Trong những năm qua, ngành thủy sản Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế của đất nước. Trong đó, phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của nghề nuôi tôm.

Tuy vậy, hiện nghề nuôi tôm cũng đang vấp phải nhiều khó khăn, trở ngại, nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như thị trường. Sự hình thành mô hình nuôi tôm sạch và bền vững đã từng bước giải quyết được vấn đề khó khăn trên.

Nhiều đại diện HTX cho biết, mô hình nuôi tôm sạch, không sử dụng kháng sinh đã mở ra một giai đoạn mới và cần được tuyền truyền, từng bước nhân rộng trong tương lai.

Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cũng nhấn mạnh, hiện nay xu thế của các nước trên thế giới đang áp dụng những rào cản kỹ thuật, nhất là rào cản về an toàn thực phẩm, cũng như là hiệp định đối với sản phẩm tôm nói riêng và nông sản nói chung.

Để xóa bỏ những rào cản này, ngành nuôi tôm phải làm tốt việc sản xuất trong nước, vì đây là giải pháp quan trọng để sản phẩm tôm Việt Nam thích ứng với thị trường xuất khẩu thế giới trong thời gian tới.

“Giải pháp bền vững nhất đối với nuôi tôm là phải áp dụng biện pháp kỹ thuật, làm sao sản phẩm tôm nói riêng và những sản phẩm nông sản nói chung không có dư lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với cả thị trường trong nước và thế giới”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám chỉ rõ.

Vụ sản xuất tôm năm năm nay, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương phải tăng cường kiểm soát và quản lý tốt chất lượng con giống, vật tư đầu vào; Thực hiện thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp trong nuôi trồng thủy sản.

Bên cnahj đó, các cơ sở thu gom, chế biến tôm, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất, nhằm hướng đến sản phẩm tôm đạt tiêu chuẩn, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm./.

Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL