Nuôi tôm siêu thâm canh “lên ngôi”
- Chủ nhật - 01/10/2017 21:32
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Gần đây, tại “thủ phủ ngành tôm” ĐBSCL phát triển mạnh mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, áp dụng công nghệ cao. Điều này mở ra hướng đi mới trong lĩnh vực nuôi tôm và dần hình thành chuỗi liên kết, góp phần đưa ngành tôm xuất khẩu đạt mục tiêu 10 tỷ USD vào năm 2020 như Chính phủ đặt ra.
Kiểm soát được môi trường, dịch bệnh
Trước đây, mô hình nuôi tôm công nghiệp (ao đất) rất phổ biến và phát triển mạnh tại ĐBSCL. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài, mô hình này đã bộc lộ những hạn chế như phụ thuộc nhiều yếu tố thời tiết, dịch bệnh, rủi ro cao…
Ghi nhận thực tế của tại nhiều vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… cho thấy tình trạng “treo ao” diễn ra khắp nơi. Có người đã nhiều năm gắn bó với nghề này, nay đành phải “gác kiếm” vì không còn vốn để tái đầu tư, sổ đỏ cũng đã cầm cố tại ngân hàng. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có khoảng 9.610ha nuôi tôm công nghiệp; trong đó, diện tích đang thả nuôi chiếm không quá 50%, còn lại thường xuyên “treo ao” hoặc chuyển sang đối tượng nuôi khác. Tương tự, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bến Tre… cũng vậy.
Trong khi đó, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, áp dụng công nghệ cao lại phát triển mạnh. Điển hình như mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính của Tập đoàn Việt - Úc. Từ khi triển khai tại xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) vào năm 2015, đến nay, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh với công nghệ tiên tiến phát triển mạnh tại vùng thủ phủ tôm ĐBSCL như quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng của Tập đoàn CP Việt Nam, mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh 2 giai đoạn (áp dụng công nghệ Biofloc) của Công ty TNHH SX-TM Trúc Anh (tỉnh Bạc Liêu). Công ty TNHH Dịch vụ và thương mại MTV Việt Mỹ (tỉnh Cà Mau), sau nhiều năm nghiên cứu cũng đưa ra quy trình nuôi tôm “tuần hoàn nước khép kín”…
Các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trên được Bộ NN-PTNT đánh giá cao vì đã góp phần đưa ngành nuôi tôm nước ta bắt kịp với công nghệ nuôi hiện đại trong khu vực, kiểm soát được môi trường, nguồn nước, dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm; giảm thiểu rủi ro, cung ứng nguồn nguyên liệu sạch; truy xuất nguồn gốc từ tôm bố mẹ, giống, thức ăn…
Hình thành chuỗi liên kết
Qua thực tế cho thấy, lực cản hiện nay của mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đòi hỏi người nuôi phải có trình độ kỹ thuật cao, lượng điện tiêu thụ nhiều, chi phí đầu tư ban đầu lớn… nên nông dân khó tiếp cận. Do đó, để phát triển rộng mô hình này đã có một số doanh nghiệp liên kết với nông dân để chia sẻ công nghệ nuôi tôm. Hiện ở tỉnh Cà Mau, Công ty TNHH Dịch vụ và thương mại MTV Việt Mỹ đã tiên phong liên kết với nhiều nông dân triển khai mô hình nuôi tôm siêu thâm canh theo quy trình “tuần hoàn nước khép kín” (nước trước khi lấy vào ao nuôi đã được xử lý vi sinh đạt các thông số kỹ thuật. Sau khi thu hoạch, nguồn nước được đưa trở ra hệ thống ao lắng, ao lọc và xử lý triệt để rồi mới đưa trở lại vào ao cấp, ao nuôi). Tùy theo điều kiện của người nuôi mà công ty liên kết đầu vào một phần hoặc toàn phần, từ vật tư trang bị ao nuôi, vi sinh xử lý nước, con giống, thức ăn, kể cả việc thu mua tôm nguyên liệu khi thu hoạch…
UBND tỉnh Bạc Liêu đánh giá, đối với mô hình nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh thì tổng doanh thu đạt 710 triệu đồng/ha, tổng chi phí 378 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân 332 triệu đồng/ha; giá thành sản xuất bình quân 106.000 đồng/kg, tỷ lệ có lãi khoảng 30%, hòa vốn 40%, lỗ vốn 30%. Còn với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh sẽ có tổng doanh thu 2,7 tỷ đồng/ha/vụ, tổng chi phí khoảng 2,1 tỷ đồng/ha/vụ, lợi nhuận bình quân 600 triệu đồng/ha/vụ, giá thành sản xuất bình quân 70.000 đồng/kg.
Là một trong những hộ liên kết với Công ty TNHH Dịch vụ và thương mại MTV Việt Mỹ, ông Nguyễn Văn Dững (xã Hòa Tân, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) chia sẻ: “Tôi đã nuôi tôm công nghiệp được 8 năm. Tuy nhiên, nuôi theo mô hình này thất bát nhiều hơn trúng mùa nên phải “treo ao”, gia cảnh lâm nợ. Sau đó được Công ty TNHH Dịch vụ và thương mại MTV Việt Mỹ liên kết đầu tư theo hình thức toàn phần. Nhờ nuôi theo quy trình “tuần hoàn nước khép kín” nên đạt chỉ số an toàn cao vì kiểm soát được nguồn nước, ô nhiễm và dịch bệnh. Hiện có nhiều hộ dân khác đã liên kết nuôi theo mô hình này. Riêng tôi thấy “dễ thở” trở lại sau nhiều năm nuôi tôm công nghiệp thất bại”.
Khi đánh giá mô hình liên kết nuôi tôm siêu thâm canh, trong các cuộc họp gần đây, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, kết luận: “Tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát huy ưu điểm, hỗ trợ khắc phục hạn chế của mô hình liên kết đang được doanh nghiệp triển khai thực hiện như các công ty Việt Mỹ, Thanh Đoàn, Chánh Diện… để tiếp tục nhân rộng, đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành và điều kiện thực tế sản xuất của người dân”. Ông Hải cũng yêu cầu các cơ quan chức năng vận động các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng tôm giống, thức ăn, vật tư phục vụ nuôi tôm có uy tín; người nuôi và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu sản xuất tham gia xây dựng các mô hình liên kết chuỗi trong ngành tôm.