Ô nhiễm đất & nước - Giải pháp nào? Thay đổi ngay nhận thức về phân bón

Ô nhiễm đất & nước - Giải pháp nào? Thay đổi ngay nhận thức về phân bón
Đến thời điểm này, Viện Thổ nhưỡng nông hóa (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã tiến hành khảo, kiểm nghiệm hàng ngàn sản phẩm phân bón. Trong đó chủ yếu là phân bón NPK.

 

Mặc dù chủng loại phân bón NPK ngày càng đa dạng và chất lượng ngày càng nâng cao nhưng trên thị trường chỉ có một vài sản phẩm phân bón chiến lược, được nông dân sử dụng phổ biến.

15-46-11_o-nhiem-dt-2
Đất nông nghiệp đang bị thoái hóa do sử dụng phân bón mất cân đối. Ảnh: PV
 

Thậm chí, một sản phẩm phân bón NPK có thể được dùng cho nhiều loại cây trồng khác nhau, hoặc cho cùng một cây trồng trên các vùng đất khác nhau.

Trong khi đó, nhu cầu dinh dưỡng của mỗi một loại cây trồng ở mỗi chất đất, mỗi vùng sinh thái là rất khác nhau. Như vậy, cùng một loại phân bón NPK sẽ không đáp ứng đúng nhu cầu của cây trồng, gây ra hiện tượng chỗ thừa, chỗ thiếu.

Trước đây, một số nước như Thái Lan, nông dân cũng sử dụng rất nhiều phân bón NPK. Tuy nhiên, họ đang có xu hướng sử dụng phân đơn (phân bón NPK thường chỉ được sử dụng trong kỳ bón lót để cây trồng đủ dưỡng chất ban đầu).

Tùy từng thời kỳ sinh trưởng và biểu hiện của cây trồng, nông dân sẽ biết cần bón loại phân gì để cung cấp lượng vừa đủ dinh dưỡng cho cây trồng. Như thế, hiệu quả sử dụng phân bón được nâng cao và sự thất thoát phân bón sẽ giảm thiểu.

Nhưng để làm được điều đó, chúng ta phải phổ biến kiến thức cho nông dân. Viện Thổ nhưỡng Nông hóa mong muốn được kết hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia để tập huấn cho đội ngũ khuyến nông viên các cấp.

 Nội dung tập huấn nhấn mạnh vào việc hướng dẫn cách thức nhận biết chất lượng đất trực tiếp ngoài đồng ruộng bằng các phương pháp đơn giản và nhận biết nhanh nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng thông qua biểu hiện về sinh trưởng của cây, từ đó hướng dẫn nông dân bón phân hợp lý.

Viện cũng đang thực hiện đề tài nghiên cứu sản xuất phân bón qua nước tưới cho những cây trồng giá trị cao như cà phê, hồ tiêu, điều, thanh long, cam...

 Từ việc sử dụng phân bón qua nước tưới, chúng ta có thể đưa phân bón trực tiếp vào vùng rễ với lượng vừa đủ cho cây trồng và có thể bón làm nhiều lần (thay vì 4 lần/vụ) để không gây dư thừa, gây ô nhiễm đất.

Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ chiến lược là phải có cơ chế khuyến khích người dân sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân vô cơ. Việc bón phân hữu cơ sẽ làm giảm thiểu những tổn hại do sử dụng quá mức phân bón vô cơ đối với đặc tính vật lý, hóa học và sinh học của đất.

Tuy nhiên, muốn người dân đồng tình ủng hộ, trước tiên cần phải giúp họ nhận thức được rằng việc bảo vệ môi trường đất vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi của chính họ. Cần tạo ra một thị trường minh bạch về chất lượng sản phẩm, phân định rõ từng phân khúc sản phẩm và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Theo Minh Vương/nongnghiep.vn