Ở nơi lưng chừng trời: Đàn ông chiều bò ngang chiều vợ

Ở nơi lưng chừng trời: Đàn ông chiều bò ngang chiều vợ
Ông Thành - chủ nhân của 1 trong 4 con bò chọi to nhất làng ở lưng chừng trời cho biết: “Chiều vợ là cho đi làm ít hơn một tí, là thỉnh thoảng cho đi chợ phiên để mua quần áo mới. Chiều bò là không cho nó đi cày nữa, mùa đông che chuồng cho khỏi rét, mang cám ấm cho ăn, mang nước muối cho uống, mùa hè buộc ra chỗ thoáng mát, tìm cỏ non cho ăn”.

Trong 4 bò chọi ở Làng Lỷ thì con của ông Lý Văn Thành là lớn nhất, to như một con voi nhỡ, trọng lượng dễ đến 7-8 tạ. Vừa nhìn thấy người lạ là nó nghiêng nghiêng đầu, phì phì thở, móng guốc cào cào vào đá đến tóe bụi...

Không gì sợ bằng đôi mắt của bò

Cứ mỗi lần nhìn vào đôi mắt ấy tôi lại cảm thấy ớn lạnh. Nó rừng rực như ngún lửa bên trong. Nó long sòng sọc như muốn ăn tươi nuốt sống. Đôi mắt của con vật vẫn còn ào rần rật trong từng đường gân, thớ thịt máu huyết đầy hoang dã.

Làng Lỷ, một bản cheo leo bám vào cuối trời Nội Thôn (huyện Hà Quảng, Cao Bằng) có vỏn vẹn 28 hộ Mông cùng 7 hộ Nùng nhưng lại có tới 4 nhà có vật cưng là “bò tót” dùng cho việc chọi. Đó là giống vật nuôi được tổ tiên người Mông thuần hóa từ một loài bò rừng.

Hôm nay, ông Lý Văn Kiều dắt bò ra đám ruộng bậc thang để luyện võ. Như một người khổng lồ bị nhốt trong một ngôi nhà chật hẹp nên khí lực thừa thãi, hễ thấy đất là bò ngứa sừng, nghiêng đầu nghênh chiến.

 o noi lung chung troi: dan ong chieu bo ngang chieu vo hinh anh 1

Con bò của ông Kiều

Cặp sừng nhọn hoắt của nó như những lưỡi kiếm cắm vào đất cứng, phát ra những tiếng “phùn phụt” như cắm xuống bùn. Bởi biết rõ sự hung hăng của bò nên chủ nhân không bao giờ cho nó ra chỗ nương có đá kẻo mà gãy sừng hay thậm chí đổ máu đầu, gục xuống ngay.

Con vật được ông Kiều mua từ một người Mông ở bên Lào về với giá 40 triệu. Tiêu chuẩn để chọn bò của ông Kiều như sau: Mắt nhỏ, đảo liếc liên tục, đầu to, da đầu dày, thân chặt, cổ bè, ngực nở, bụng thon, chân sau hơi cong, khôn và biết võ…Con người đấu nhau bằng gươm bằng súng còn con bò bằng cặp sừng. Có mấy kiểu là sừng thẳng, sừng cong và sừng chữ V nhưng dù kiểu nào yêu cầu đầu tiên cũng là phải dài trên 30 cm và nhọn.

Mỗi loại sừng có các miếng đánh hiểm ác khác nhau. Sừng thẳng lợi ở thế móc vào mang tai đối thủ. Sừng cong lợi ở thế khóa đầu mà đẩy đến lúc đối thủ phải ngã vì kiệt sức. Sừng chữ V lợi ở thế móc gáy. Theo ông Kiều, bò mới mua về phải dắt đi leo dốc, leo núi mỗi ngày 1-2 lần, mỗi lần nửa tiếng để luyện gân, luyện cốt.

Gân cứng, cốt bền rồi mới dắt ra ruộng bậc thang luyện sừng. Do chỉ nặng 4 tạ nên bò của ông Kiều mùa giải này phải thi đấu ở hạng B chứ lên hạng A. Dù 6 con bò đã qua tay ông nhưng chỉ có con hiện nay thắng nổi hai trận và chưa bao giờ vào được chung kết.

Trong 4 bò chọi ở Làng Lỷ thì con của ông Lý Văn Thành là lớn nhất, to như một con voi nhỡ, trọng lượng dễ đến 7-8 tạ. Vừa nhìn thấy người lạ là nó nghiêng nghiêng đầu, phì phì thở, móng guốc cào cào vào đá đến tóe bụi, đuôi quất liên tục, hung hăng như muốn lồng lên húc. Ẩn chứa bên trong núi cơ bắp cuồn cuộn đó là sức mạnh long trời, lở đất. Phải khó khăn lắm ông Thành mới kìm nổi nó.

 o noi lung chung troi: dan ong chieu bo ngang chieu vo hinh anh 2

Con bò khổng lồ của ông Thành

Nhìn con vật khổng lồ đó không mấy ai nghĩ lúc nó còn nhỏ xíu đã được ông Thành mua từ Tổng Cọt về với thời giá năm 2011 là 6,4 triệu. Tuy hồi ấy nó nhỏ thật nhưng ẩn bên trong là một tầm vóc tuyệt đẹp. Xương to, sừng nhú, mắt tinh, chân mảnh, đi đứng rất nhanh nhẹn.

Để khắc chế tính hoang dã của nó ông Thành bắt luyện cày. Một ngày con bò ngốn hết 1 gánh cỏ, 2 xô cám nấu và lớn nhanh như thổi. Đến năm thứ hai trong giải thi ở Lũng Nặm nó thắng liên tiếp 5 con bò khác và giành ngay giải nhất ở hạng B. Điều đặc biệt là cái thế đánh hiểm hóc, lao thẳng đối thủ rồi móc sừng vào, dùng sức nặng của toàn thân xoay vặn hệt như người ta bật bia. Đòn bật bia này khiến cho 4/5 đối thủ của nó bị hạ knock out.

 o noi lung chung troi: dan ong chieu bo ngang chieu vo hinh anh 3

Cận cảnh con bò của ông Thành

Đến năm thứ ba thì nó thăng hạng A vì trọng lượng thêm nặng nhưng lại thua vì sừng kém. Không gì vui bằng mắt, bằng tai của người thắng bò chọi. Nhìn đâu cũng như thấy hoa nở, nghe gì cũng thấy như chim hót, rượu chiêu đãi rót ra cứ uống tràn, say ngã quay ra ngủ lúc nào không biết. Không gì buồn bằng mắt, bằng tai của người thua bò chọi. Nhìn đâu cũng như thấy đá tai mèo xanh xám, nghe gì cũng như thấy tiếng côn trùng nỉ non, rượu rót ra tràn mà chẳng thèm nhấp uống.  

Chiều bò ngang chiều vợ

Con bò của ông Lý Văn Thành từng được trả tới 80 triệu sau trận thắng nhất huyện Hà Quảng năm 2014 nhưng kỷ lục đó nhanh chóng bị xô đổ bởi con bò của ông Đào Văn Kính ở huyện Bảo Lâm (Cao Bằng), được trả tới 140 triệu.

Xã nào có người Mông là có chọi bò. Người ta say đến mức có thể dắt bò đi bộ từ Bảo Lâm, Bảo Lạc băng 100-200km đường rừng đến Hà Quảng. Cứ đêm đi ngày nghỉ, bột ngô “đấm” mồm người lẫn mồm bò, ròng rã 3-4 ngày mới đến được nơi, nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng cả tuần rồi thi đấu. Thua là hậm hực bán bò để rồi lại tìm một con mới mà huấn luyện, mà mơ về mùa giải tới.

Hồi cánh ông Lý Văn Sinh, Dương Văn Lự ở Làng Lỷ thi chọi bò không hề có giải thưởng còn ngày nay tiếng là có nhưng cũng chỉ chút ít khích lệ, động viên. Bởi vậy mà nhà nào kinh tế thật dồi dào mới dám chơi bò chọi, hễ thua bị bán thành bò thịt lỗ ngay 10-20 triệu còn thắng thì may ra là hòa vốn.

 o noi lung chung troi: dan ong chieu bo ngang chieu vo hinh anh 4

Phải vất vả lắm ông Thành mới kìm nổi con bò

Chọi bò thường diễn ra vào mồng 4, 5 tết. 24 con bò của huyện Hà Quảng được chia ra hai hạng thi, đấu chọi tay đôi cho đến khi vào chung kết để phân nhất nhì. Thành tích chọi bò của ông Thành lừng lẫy nhất vùng với hai lần về nhất. Con nhất đầu tiên hiện đã bán vì quá già, còn con nhất thứ hai đang là con đẹp như thiên thần trộn lẫn ác quỷ đứng trong chuồng kia.

Vì mê nó mà có lần ông xuống thăm người thân ở Thái Nguyên 3 ngày đã phải nhảo về, chẳng thể nào ngủ được. Yên tâm làm sao được khi sợ không đủ cỏ non cho nó ăn, không đủ nước sạch cho nó uống, không đủ người trông giữ nó. Hễ bò ngủ đâu là người ngủ đấy, lúc ở chuồng kề nhà đã đành khi lên lán ông cũng đi theo nó.

Ông Thành chiều bò ngang với chiều vợ: “Chiều vợ là cho đi làm ít hơn một tí, là thỉnh thoảng cho đi chợ phiên để mua quần áo mới. Chiều bò là không cho nó đi cày nữa, mùa đông che chuồng cho khỏi rét, mang cám ấm cho ăn, mang nước muối cho uống, mùa hè buộc ra chỗ thoáng mát, tìm cỏ non cho ăn”.

Dù đang vục mặt trong cái máng nhưng hễ ngửi thấy mùi của chủ theo gió bay về từ đầu con dốc Làng Lỷ là mồm nó đã phè phè ra dọa yêu, mắt nó đổi màu nhìn âu yếm. Chủ đến gần là nó liếm vào tay, lim dim mắt chờ được xoa xoa vào cái đầu to như một tảng đá lớn. Hễ mà chủ làm ngơ là nó gặm vào áo, gặm vào quần không buông tha.

Mỗi lần chủ dắt ra khỏi chuồng là nó biết sắp được đi chọi, đầu hướng về phía trước, đuôi dựng thẳng lên, chân bước chỉ có tiến chứ không hề biết lùi. Bò chọi được tẩm bổ bằng bột ngô, bột cám, cỏ non và lá nghiến. Thứ cây thuộc tứ thiết này vốn nổi tiếng gỗ cứng, lá của nó cũng có những chất tương tự nên ăn vào da thịt bò như sắt như đồng.

 o noi lung chung troi: dan ong chieu bo ngang chieu vo hinh anh 5

Con bò của ông Lý Văn Thành từng được trả tới 80 triệu sau trận thắng nhất huyện Hà Quảng năm 2014

Con bò khôn lắm, cỏ mà dính phân bò, phân lợn hay nước đái là không thèm ăn đã đành còn cỏ mọc trên đống phân bò vẫn ngoảnh mặt đi như thường. Chuồng quen nó mới ăn còn lạ nó cũng đành để bụng đói.

Vì quá yêu nó mà ông Thành tìm chỗ thật “môn đăng hộ đối” cho là hai con bò cái to lớn của ông Lý Văn Súng và Lý Tu Be. Khi cả hai đậu thai thì ông mừng ra mặt, đến lúc đẻ thì hồi hộp đợi chờ. Thế mà chúng đều chỉ đẻ ra bê cái khiến cho cơ hội nối dõi của con bò đực nhà ông biến mất, buồn hơn cả bầu trời ngày đầy mây xám.

 
Theo Dương Đình Tường (NNVN)