Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp: Nghị quyết 120 vực dậy hợp tác xã nông nghiệp
- Chủ nhật - 28/04/2019 12:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
NNVN có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp xoay quanh vấn đề này.
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp |
- NQ 120 đã được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 17/11/2017, sau gần 3 năm triển khai ở Đồng Tháp đã đạt được những kết quả và chuyển biến gì rõ nét nhất?
Có thể nói Đồng Tháp gần 3 năm triển khai thực hiện NQ 120, đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu. Những chính sách nêu trên thể hiện tầm nhìn chiến lược của Chính phủ đối với HTX trong tiến trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp (TCCNN) cả nước, đặc biệt trong bối cảnh ĐBSCL đã và đang chịu ảnh hưởng do biến đổi khí hậu (BĐKH).
Thời gian qua, các địa phương trong vùng ĐBSCL đã chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của kinh tế hợp tác, vừa chuyển đổi, củng cố các HTX kém hiệu quả, vừa củng cố, thành lập các HTX kiểu mới theo Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 21/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Nhìn chung, bước đầu đã mang lại các hiệu ứng tích cực trong thực hiện TCCNN và xây dựng NTM.
Đến nay, tỉnh Đồng Tháp có 153 HTXNN đang hoạt động theo Luật HTX 2012. Đa phần các HTX kinh doanh đa dịch vụ, đồng thời đẩy mạnh kết nối với DN để tiêu thụ nông sản cho xã viên. Trong đó, nổi bật là mô hình "HTX cho nông dân tạm trữ lúa tại kho của HTX sau khi thu hoạch tại thời điểm giá lúa thấp", gồm: HTXNN Tân Bình và HTX DVNN Tân Cường; mô hình "Canh tác lúa thông minh" do HTX DVNN Mỹ Đông 2 phối hợp cùng Cty Rynan Smart Fertilizers (Trà Vinh) thực hiện; mô hình "Ứng dụng công nghệ nhà màng và tưới nhỏ giọt để SX giống ớt sạch bệnh" của HTX Tân Bình; mô hình "Ứng dụng công nghệ blockchain vào truy xuất nguồn gốc và áp dụng thương mại điện tử" cho mô hình "Cây xoài nhà tôi" của HTX Mỹ Xương; mô hình "Ruộng nhà mình" của HTX Thuận Tiến kết hợp với các DN để SX và kinh doanh sản phẩm gạo tối ưu giá tại thị trường Hà Nội…
Đồng Tháp đang vượt qua "lời nguyền" đó, không thể tiếp tục SX cá thể, "mạnh ai nấy làm", mà phải cùng hợp tác với nhau một cách tự nguyện |
Bên cạnh đó, Đồng Tháp đã mạnh dạn, chủ động thực hiện mô hình "Hội quán" trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, tự chủ, tự quản của người dân, là một thiết chế đa chức năng mới ở nông thôn với phương châm "Chăm chỉ - Tự lực - Hợp tác" nhằm chia sẻ những "chuyện làng, chuyện xóm" và hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh.
Đến nay, đã thành lập 68 Hội quán và hoạt động ổn định, có hiệu quả, với tổng số 3.700 thành viên tham gia; đồng thời đã có 14 hợp tác xã được thành lập từ nền tảng mô hình Hội quán. Chúng tôi tin rằng, sự thành công của các mô hình này sẽ dẫn dắt cho kinh tế hợp tác của tỉnh nhà phát triển bền vững trong thời gian tới.
- Với đặc thù của tỉnh, cần tổ chức thế nào để phát triển nông nghiệp hàng hóa theo mô hình HTX?
Đó là tổ chức lại không gian SX, quy mô SX, quy hoạch lại ngành hàng phù hợp với mỗi vùng sinh thái đặc trưng. Đồng thời, để tăng sức cạnh tranh, các chuỗi ngành hàng nông sản phải được hình thành. Trong điều kiện đó, HTX phải trở thành chỗ dựa, phát huy kinh tế hộ đang manh mún, nhỏ lẻ, giữ vai trò liên kết với doanh nghiệp.
Để thích ứng với BĐKH, không chỉ cần có các giải pháp công trình như: đê, kè, đập... mà còn cần đến giải pháp phi công trình do chính cộng đồng dân cư tổ chức thực hiện, với sự điều chỉnh của quy hoạch chung. Thích ứng BĐKH cần hướng tới đa dạng hóa phát triển nông nghiệp, thay đổi lịch thời vụ; xây dựng các chương trình, kế hoạch thích ứng với BĐKH trong lĩnh vực quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước tại các ngành, các cấp. Đồng thời, nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng bền vững tài nguyên nước thích ứng với BĐKH.
Như vậy, HTX hoạt động dựa trên triết lý lợi thế về quy mô, hợp tác của nhiều thành viên sẽ trở thành sức mạnh cộng đồng. Không có HTX đủ mạnh, hoạt động hiệu quả sẽ không thể thay đổi cấu trúc các ngành hàng nông sản cũng như lịch thời vụ phù hợp với BĐKH, thời tiết cực đoan, suy giảm tài nguyên nước như trong thời gian qua.
Xoài Đồng Tháp được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới |
Con đường xây dựng thương hiệu nông sản cho ĐBSCL, theo nhiều chuyên gia, phải mất nhiều năm và đang phụ thuộc vào một chiến lược được định hình từ quy hoạch ngành hàng trong điều kiện thích ứng với BĐKH. Một chiến lược dài hạn không thể thực thi khi "tư duy mùa vụ" của nông dân và "tư duy thương vụ" của DN còn tồn tại. Thương hiệu nông sản không thể xây dựng với hàng triệu hộ nông dân riêng lẻ, mà phải là chuỗi ngành hàng có sự liên kết. Chuỗi ngành hàng phải được hình thành dựa trên chiến lược dài hạn thay cho tư duy ngắn hạn và dựa vào niềm tin của từng đối tác trong chuỗi đó. Niềm tin chỉ có được khi liên kết có tầm quản trị chiến lược thay cho lợi ích của một nhóm thành viên. |
Theo khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới, nông sản Việt Nam kém sức cạnh tranh vì "chi phí cao và chất lượng kém".
Như vậy, để nông sản phát triển bền vững, vừa thích ứng với BĐKH, vừa thích ứng với thị trường, cần một chương trình hành động cụ thể, đồng bộ, liên tục, kiên trì để thoát khỏi "lời nguyền chi phí cao, chất lượng kém".
Để vượt qua "lời nguyền" đó, không thể tiếp tục SX cá thể, "mạnh ai nấy làm", mà phải cùng hợp tác với nhau một cách tự nguyện.
Điều đó cho thấy HTX là giải pháp duy nhất có tác động đến sự thành công của tiến trình TCCNN.
- Vậy HTX đóng quay trò quan trọng gì trong NQ 120 triển khai tại Đồng Tháp?
Triết lý của HTX là "lợi thế dựa trên quy mô". Quy mô HTX càng lớn, thành viên càng nhiều, sẽ giúp giảm giá thành do lợi thế "mua chung", tăng khả năng thích ứng với thị trường và năng lực đàm phán nhờ "bán chung".
"Sản xuất chung" một quy trình sẽ giúp tăng chất lượng nông sản. HTX không chỉ dừng lại là liên kết tiêu thụ nông sản cho các thành viên, mà phải tổ chức các hoạt động phân loại, bảo quản, sơ chế, chế biến trong một hay nhiều công đoạn nào đó của chuỗi ngành hàng.
HTX không chỉ hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, mà còn tổ chức các dịch vụ phi nông nghiệp, vừa mang lại nguồn thu cho HTX, vừa hỗ trợ nâng cao phúc lợi xã hội cho thành viên và người dân nông thôn.
Như vậy, nông dân vừa thu về được lợi nhuận từ SX và chuỗi giá trị gia tăng, đồng thời và quan trọng hơn, là lợi ích nhận được từ giảm được chi phí SX và nâng cao chất lượng nông sản.
Được biết, tới đây Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện NQ 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Ông có những đề xuất, kiến nghị gì cho địa phương?
Nghị quyết 120 đã mở ra tầm nhìn chiến lược cho ngành nông nghiệp, trong đó, có ngành hàng lúa gạo. Giảm diện tích trồng lúa là chủ trương hoàn toàn phù hợp với điều kiện BĐKH và xu thế của thị trường. Nhưng cần cụ thể hóa chủ trương này thành kế hoạch và các chính sách hỗ trợ cần thiết. Để chủ động thực hiện giảm 500.000ha đất SX lúa, bao gồm giảm SX 3 vụ và thay diện tích trồng lúa bằng cây trồng, vật nuôi khác như chủ trương của Bộ NN-PTNT, cần hình thành các hình thức hợp tác trong nông dân. Có như vậy, mới không chuyển rủi ro từ ngành hàng lúa gạo sang rủi ro ở ngành hàng khác.
Xin cảm ơn ông!
Cần một nghị định riêng cho hợp tác xã nông nghiệp Theo đánh giá của ông Lê Minh Hoan, HTX là giải pháp duy nhất để thực hiện TCCNN và xây dựng NTM, làm chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, giúp người dân cùng nhau thay đổi phương thức SX trong điều kiện BĐKH. HTX cần hỗ trợ để tiếp cận các giải pháp ứng phó với BĐKH, công nghệ bảo quản, sơ chế, chế biến, đóng gói, bao bì... Do đó, cần tách HTXNN thành một Nghị định riêng, tiến dần đến ban hành Luật về HTXNN. Và, không nên đặt mục tiêu huy động tăng trưởng của khu vực kinh tế hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vào GDP của nền kinh tế ít nhất trong 5 hoặc 10 năm tới. Nhìn với góc độ khác, HTX có vai trò quan trọng trong hình thành chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu nông sản như định hướng của nhiều DN và đề xuất của nhiều chuyên gia tâm huyết với ngành hàng lúa gạo. |