Ông bố Hà Nội chi 70 triệu đồng cải tạo sân thượng để trồng rau, nuôi gà

Ông bố Hà Nội chi 70 triệu đồng cải tạo sân thượng để trồng rau, nuôi gà
Hiện nay, tình trạng "ăn xổi" như việc phun thuốc trên rau buổi sáng và thu hoạch vào buổi chiều rồi đem ra chợ bán không phải chuyện hiếm gặp.

Mới đây nhất, sáng 19/10, UBND TP Hà Nội tổ chức kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với việc ăn bán trú tại một số trường mầm non và tiểu học trên địa bàn. Tại trường mầm non Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai Hà Nội) đoàn kiểm tra xét nghiệm bằng thiết bị thử nhanh cho thấy mẫu rau dư trong bếp ăn đã dương tính với thuốc BVTV. Đây là loại thuốc BVTV có tên Delfin – 32 WG có công dụng trừ các loại sâu tơ, sâu khoang, sâu đo và nhiều loại sâu khác trên cải bắp, hành, mồng tơi. 

Như vậy, tưởng chừng như ở môi trường là trường học, an toàn thực phẩm cho học sinh được kiểm soát chặt nhưng hóa ra vẫn phải trông chờ lương tâm của người cung cấp thực phẩm.

Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vẫn là vấn đề gây bức xúc từ trước tới nay và được đề cập nhiều lần trong các hội thảo, hội nghị về nông nghiệp, môi trường… Thế nhưng, trong khi các nhà quản lý đang loay hoay tìm giải pháp thì thuốc BVTV vẫn được sử dụng ngày càng nhiều.

Nằm ven sông Hồng, đất đai màu mỡ, tại các vườn rau ở xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội bao giờ cũng có khoảnh để ăn, khoảnh để bán. Tại khoảnh vườn rau được trồng để ăn, nếu như “gia chủ” phải “lao tâm khổ tứ”, phải cặm cụi bắt sâu, nhổ cỏ, đuổi bướm (để không cho đẻ trứng rồi nở thành sâu trên lá rau) để có được rau xanh, sạch ăn thì tại khu vườn trồng rau để bán, họ nhàn nhã hơn nhiều, chỉ việc phun và phun thuốc trừ sâu là xong.

Vệ sinh thực phẩm trường học: Rau nhiễm độc hay rau sạch trông chờ... lương tâm - Ảnh 1

Phun thuốc sâu cho rau cải ở Đông Anh. Ảnh: báo Dân trí

Một nông dân trồng rau ở đây “bật mí”: “Nếu phun thuốc BVTV có 3 cái lợi: thời gian thu hoạch rút ngắn từ một nửa đến 2/3 thời gian, rau lại xanh mướt, bắt mắt làm cho dễ bán, từ đó dẫn đến lợi nhuận thu nhanh và nhiều hơn so với trồng rau theo cách truyền thống. Như rau ngót chẳng hạn, nếu theo cách trồng truyền thống, phải gần một tháng mới được thu hoạch mà chưa chắc rau nhìn đã ngon do bị sâu ăn, xoăn lá… vì thế việc buôn bán cũng không thuận lợi.

Nhưng nếu phun thuốc bảo vệ thực vật, rau vừa dễ bán vì đẹp mắt vừa chỉ mất 10 ngày là thu hoạch được. Bắp cải hay cải xanh cũng vậy, nếu phun thuốc bảo vệ thực vật, không những lá rau không bị đục lỗ chỗ do sâu ăn mà thời gian thu hoạch cũng giảm 1/3 so với rau không phun thuốc. Ngoài ra lá rau còn xanh non, hấp dẫn và cuốn rất chặt”.

Thậm chí, theo phản ánh của bác Lưu Sĩ Phong, cựu cán bộ giảng dạy Đại học Nông nghiệp Hà Nội, có những hộ nông dân trồng rau muống đã sử dụng cả thuốc diệt cỏ 2,4-D để ngâm rau muống đã hái về chuẩn bị đem bán. Sau một đêm rau muống mọc dài thêm 2 cm ở phần ngọn, xanh mướt, nhìn rất bắt mắt! Nông dân không hề biết 2,4-D là loại thuốc diệt cỏ rất hiệu quả và có khả năng gây ung thư gan, lá lách. Đây là loại thuốc nằm trong danh sách cấm sử dụng tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới.

Có thể thấy, trong lĩnh vực trồng trọt, bà con nông dân đang lệ thuộc rất nhiều vào thuốc BVTV để giữ vững năng suất, chất lượng cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực. 

 

 

 

 

 
 

Sử dụng thường xuyên là vậy, nhưng bà con nông dân lại có kiến thức hạn chế về các loại hoạt chất trong thuốc BVTV, cách thức và quy trình cách ly chưa đúng hướng dẫn khiến tình trạng sử dụng thuốc BVTV thiếu hiệu quả và an toàn, làm tăng chi phí sản xuất và nguy cơ mất ATTP, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và môi trường.

Việc lạm dụng thuốc hóa học BVTV đem lại những hệ lụy xấu, tiêu cực. Thuốc gây độc hại cho người và gia súc, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng, làm ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm đất, nước và không khí,thậm chí diệt cả côn trùng và vi sinh vật có ích, từ đó tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển, bùng phát mạnh hơn.

Đặc biệt với tình trạng "ăn xổi" như hiện nay, thuốc BVTV còn để lại dư lượng độc hại trên nông sản gây ngộ độc, giảm chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản. Sử dụng thuốc BVTV càng nhiều, càng rộng, càng không đúng kỹ thuật thì những nhược điểm, hạn chế, tiêu cực của thuốc càng lớn, càng nguy hại!.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, hàng năm, qua các chương trình giám sát chủ động, tiến hành lấy hàng chục nghìn mẫu thực phẩm tại các vùng miền, kết quả cho thấy tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép trên rau, củ, quả vẫn chiếm khoảng 3-5%, trong khi các nước khác chỉ khoảng 2%.

Nguyên nhân chủ yếu là do trong quá trình dùng thuốc bảo vệ thực vật bà con nông dân vẫn còn mắc nhiều hạn chế, thiếu sót trong việc sử dụng thuốc như sử dụng thuốc quá nhiều, quá mức cần thiết, sử dụng thuốc quá liều lượng khuyến cáo, tùy tiện hỗn hợp khi sử dụng. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không tuân thủ thời gian cách ly, nguyên tắc sử dụng thuốc BVTV “4 đúng” (đúng thuốc, đúng thời gian, đúng liều lượng và đúng cách) gần như không được áp dụng.

Ngay sau khi phun thuốc có một lượng thuốc tương đối nhiều bám dính trên cây trồng đủ khả năng tiêu diệt sâu bệnh. Lượng thuốc này có thể gây độc cho người và gia súc khi ăn nông sản. Phải qua một thời gian thuốc mới phân hủy xuống mức không còn gây hại cho người và gia súc.

Khoảng thời gian ngắn nhất từ khi phun thuốc lên cây cho đến khi thuốc phân hủy đạt tới mức dư lượng tối đa cho phép gọi là thời gian cách ly, viết tắt theo tiếng Anh là PHI (Pre-Harvest Interval). Trong thực tế, thời gian cách ly được quy định là từ ngày phun thuốc lần cuối lên cây trồng cho đến ngày thu hoạch nông sản làm thức ăn cho người và vật nuôi, được tính bằng ngày.

Thời gian cách ly khác nhau với từng loại thuốc trên mỗi loại cây trồng và nông sản tùy theo tốc độ phân hủy của thuốc trên cây trồng và nông sản đó. Thí dụ thời gian cách ly của thuốc Cypermethrin được quy định với rau ăn lá là 7 ngày, rau ăn quả là 3 ngày, bắp cải 14 ngày, hành 21 ngày. Thời gian cách ly của thuốc Dimethoate với rau là 7 ngày; với lúa, khoai tây, cây ăn quả 14 ngày.

Các thuốc trừ sâu sinh học nói chung có độ độc với người thấp và mau phân hủy nên thời gian cách ly cũng ngắn. Thuốc trừ sâu vi sinh Bt có thời gian cách ly trên các cây trồng chỉ từ 3 – 5 ngày. Thuốc có thời gian cách ly ngắn phù hợp với sản xuất cây ăn quả, nhất là với các loại rau.

Để khắc phục những mặt tồn tại của thuốc BVTV, các cơ quan quản lý Nhà nước cần kiểm soát tốt việc sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất BVTV. Loại bỏ dần những thuốc BVTV độc hại, lạc hậu, khuyến khích sử dụng thuốc BVTV sinh học, thuốc BVTV thế hệ mới, thuốc bảo quản rau, quả an toàn. Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc tự bảo vệ và sử dụng thuốc BVTV một cách có ý thức.

Nguyễn Hà (T/h)/ Đời sống pháp luật